Cụm rạp hiện đại về làng

Hội nhập cùng xu thế chung
Cụm rạp hiện đại về làng

Khai trương vào giữa tháng 7-2013, cụm rạp chiếu phim Galaxy Kinh Dương Vương (quận 6, TPHCM) thu hút khá đông khán giả - một bất ngờ với chủ đầu tư lẫn những người có quan tâm đến loại hình giải trí này.

Dù được xây dựng ở xa trung tâm nhưng khán giả vẫn đổ về cụm rạp mới Galaxy Kinh Dương Vương (quận 6). Ảnh: Nguyễn Nhân

Dù được xây dựng ở xa trung tâm nhưng khán giả vẫn đổ về cụm rạp mới Galaxy Kinh Dương Vương (quận 6). Ảnh: Nguyễn Nhân

Hội nhập cùng xu thế chung

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006, khái niệm cụm rạp hiện đại (cineplex) giờ đây không còn xa lạ với người Việt. Hiện nay, các cụm rạp hiện đại đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Biên Hòa, Hải Phòng) và đều do tư nhân là chủ đầu tư. Đứng đầu là cụm rạp MegaStar (chủ đầu tư là người nước ngoài), còn lại hai đơn vị hoàn toàn do người Việt làm chủ là cụm rạp Galaxy và BHD. Để đảm bảo doanh thu và tiện việc đi lại cho khán giả, trước nay, các cụm rạp đều được xây dựng tại thành phố lớn. Đa phần các chủ đầu tư chọn xây dựng cụm rạp trong các trung tâm mua bán lớn: MegaStar đã có các cụm rạp tại Hùng Vương Plaza, Crescent Mall, C.T Plaza, Mipec Tower…; cụm rạp của BHD nằm trong Maximax, Tòa nhà Bitexco (BHD Star Cineplex Icon 68); cụm rạp Galaxy nằm trong Trung tâm Thể thao Nguyễn Du, Nguyễn Trãi (CoopMart); xuất hiện sau là cụm rạp Lotte Cinema nằm trong hệ thống của Lotte Mark. Đáp ứng được cả phần nhìn, phần nghe với những thiết bị màn hình, máy chiếu, âm thanh hiện đại; cung cách phục vụ chuyên nghiệp; các cụm rạp này ngày càng thu hút khán giả đến rạp. Đúng kiểu “Một trải nghiệm mới” (slogan của các cụm rạp này) dành cho khán giả yêu thích điện ảnh - xem phim với chất lượng (âm thanh, hình ảnh) cao, không gian sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình…

Dè dặt vươn tới…vùng ven

Nhu cầu xem phim ngày càng nhiều, dân vùng ven yêu điện ảnh bắt đầu đổ về các thành phố lớn trong những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Cao điểm, có ngày cụm rạp MegaStar đón hơn 10.000 lượt khán giả. Trước thực tế này, cả MegaStar, BHD, Galaxy, đều có dự định mở thêm các cụm rạp. Việc Galaxy quyết định xây dựng cụm rạp tại Kinh Dương Vương (quận 6) có thể được xem là sự thăm dò tiên phong trong việc mở rộng các cụm rạp hiện đại đến vùng ven thành phố - vốn vẫn được xem là địa bàn không dành cho những loại hình giải trí cao cấp. Không dừng lại, Galaxy đang tiếp tục dự án xây dựng hai cụm rạp tại Quang Trung (Gò Vấp) vào năm 2014. Bà Đinh Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân, đại diện Galaxy, cho biết: “Với mong muốn mở rộng thị trường, chúng tôi quyết định xây dựng các cụm rạp tại những nơi có đông dân cư, thu nhập không cao. Thật ra cũng hồi hộp lắm, nhưng chúng tôi nghĩ, ở những nơi này sẽ có cơ hội tốt nếu mình làm tốt. Tuần đầu tiên sau khi khai trương, cụm rạp Galaxy Kinh Dương Vương đã đón trên 30.000 lượt khán giả. Thật đáng mừng, vì như thế là chúng tôi đã đi đúng hướng”.

Được biết, cả MegaStar và BHD cũng đang có những dự án xây dựng cụm rạp tại một số tỉnh thành. Sự thành công của cụm rạp Galaxy Kinh Dương Vương càng củng cố thêm niềm tin, giờ đây, những khu dân cư đông đúc có thu nhập không cao, lại có tiềm năng không nhỏ.

“Chỏng chơ” rạp cũ

Tiêu chuẩn cơ bản của một cụm rạp hiện đại: Có từ 5 - 7 rạp chiếu phim, mỗi rạp chứa trung bình từ 200 - 300 ghế, với yêu cầu tối thiểu về chiều cao từ mặt đất đến trần nhà phải cao từ 7m - 10m; sử dụng máy chiếu kỹ thuật số (dần) thay thế hoàn toàn máy chiếu phim nhựa; âm thanh phải đạt chất lượng 5.1 và 7.1… Với từng ấy yêu cầu, các chủ đầu tư vì thế chọn cách xây mới hoặc thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại, cao ốc ngay từ khi những trung tâm, cao ốc này bắt đầu xây dựng (để yêu cầu thiết kế độ cao cho phòng chiếu phim). Điều đó lý giải, vì sao các chủ đầu tư không chọn cải tạo lại từ các rạp có sẵn (rạp nhỏ, trần thấp) - dù đó đã là những địa chỉ quen thuộc với người yêu điện ảnh. Từ khi có cụm rạp hiện đại, người thành phố dần quên mất những rạp chiếu phim quen thuộc. Giờ đây, trong hệ thống rạp chiếu phim của TPHCM, chỉ còn lại có rạp Đống Đa trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) đã sửa sang để trông khang trang hơn và còn hoạt động thường xuyên (nhưng cũng chỉ chiếu phim “nước hai” vì không có máy chiếu kỹ thuật số hiện đại). Còn lại, hầu hết ở vào tình trạng ngày càng xuống cấp hoặc bỏ không, hoặc chuyển đổi thành vũ trường, quán bar, phòng trà, nhà hàng. Đi ngang những rạp này, những người yêu điện ảnh không khỏi xót xa, ngẩn ngơ, tiếc nuối. Đều nằm trên những con đường trung tâm và có vị trí rất đẹp, nhưng giờ đây, cái thì biến mất, cái thì nằm chỏng chơ đóng cửa đìu hiu!

Sự “nở nồi” của các cụm rạp hiện đại là xu thế tất yếu. Việc các cụm rạp vươn ra các vùng ven, ngoại thành dù còn dè dặt, nhưng là điều đáng mừng. Khi cụm rạp hiện đại đến với người dân có thu nhập không cao, ngoài yếu tố kinh doanh cũng đã góp phần nâng cao dân trí. Chỉ hơi buồn, trong khi tư nhân linh hoạt chủ động (thâu tóm) với mọi tầng lớp người xem, thì hệ thống rạp chiếu phim do nhà nước quản lý lại im ắng, an phận “về vườn”.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục