Tranh chấp tại di tích Picasso ở Paris

Tranh chấp tại di tích Picasso ở Paris

Được xây dựng từ thế kỷ 17, Hotel de Savoie trên phố Grands Augustins ở quận 6 của Paris là một trong những lâu đài cổ tạo nên danh tiếng của thủ đô nước Pháp. Một tấm bảng cũ kỹ bên cạnh cánh cổng màu xám của tòa nhà trông có vẻ xuống cấp nhưng lại có tính giá trị lịch sử (ảnh). Đây chính là nơi danh họa Pablo Picasso sống từ năm 1936 đến năm 1955. Cũng từ đây, ông cho ra đời bức tranh Guernica vào năm 1937.

Hotel de Savoie ngày càng nổi tiếng. Tòa nhà này theo mô tả của đại văn hào Pháp Honoré de Balzac là “quá lớn nên ánh sáng bầu trời không thể chiếu sáng các góc phòng”. Một tòa sảnh rộng ngay lối vào đầy ấn tượng và cầu thang xoắn ốc đã in dấu trong các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc danh họa Picasso làm việc ở đây.

Trong hơn một thập kỷ qua, le Grenier de Picasso (tầng áp mái của Picasso) đã bị một tổ chức văn hóa chiếm đóng, đó là Ủy ban Giáo dục mỹ thuật quốc gia (CNEA). Họ biến nơi đây thành địa điểm tổ chức triển lãm và hội thảo của trẻ em.

Phòng thi hành pháp chế Paris, đơn vị sở hữu tòa nhà này từ năm 1925 muốn nó trở lại đúng giá trị ban đầu và đã ra lệnh trục xuất CNEA. Chủ tòa nhà cho biết họ cần 5 triệu EUR để cải tạo tòa nhà và hợp đồng cho thuê với CNEA đã hết hạn từ năm 2010. Tòa án Paris cũng đã có lệnh trục xuất nhưng CNEA vẫn chưa chấp hành. CNEA có lý khi đã kêu gọi Tổng thống Pháp François Hollande đưa tòa nhà vào danh sách các địa điểm bảo tồn đặc biệt và đã được nhiều nhân sĩ trí thức đồng ý, trong đó có nam diễn viên Charlotte Rampling, nhà triết học Bernard-Henri Levy và cựu Bộ trưởng Văn hóa thuộc đảng Xã hội Jack Lang.

Picasso chuyển vào tòa nhà này sau khi chia tay với vợ Olga, địa chỉ số 7 phố Grands Augustins đã quen thuộc với ông và từng là bối cảnh mở đầu tác phẩm Le Chef-d’„uvre inconnu (Kiệt tác vô danh) của Honoré de Balzac mà Picasso rất hâm mộ.

Trước đây, danh họa Picasso đã tá túc bình yên nơi đây, bất chấp Đức Quốc xã đang chiếm đóng Paris với các chính sách chiêu dụ trí thức xen lẫn quấy rối. Theo nhiều người kể lại, khi một sĩ quan Đức muốn dùng than hối lộ cho Picasso để sưởi ấm thêm phòng tranh của ông, Picasso đáp trả rằng: “Một người Tây Ban Nha là không bao giờ biết lạnh”.

Gyula Halász, nhiếp ảnh gia Hungary, nhà điêu khắc và nhà làm phim nổi tiếng với nghệ danh Brassað, đã viết rằng Picasso yêu phòng tranh đến mức ông cảm thấy như đang ở trong một con tàu lớn. Giờ đây, trong tòa nhà này vẫn còn nhiều vật dụng của Picasso, trong đó có một lá cờ Pháp do Ernest Hemingway tặng Picasso vào ngày Paris được giải phóng khỏi Đức quốc xã vào năm 1944.

Alain Casabona, phát ngôn viên của CNEA, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng để mất phòng tranh của Picasso là điều không thể chấp nhận. Theo ông, CNEA đã cải tạo tòa nhà theo tinh thần tôn trọng nguyên thủy sau khi nó bị bỏ hoang và CNEA đã gặp hậu duệ của gia đình Picasso để họ hỗ trợ tài chính cho việc duy trì phòng tranh trong tòa nhà này. CNEA cho biết sẽ kiện lên đến tòa phúc thẩm Paris để duy trì hiện trạng tòa nhà.

HUY QUỐC

Tin cùng chuyên mục