Giáo sư Hoàng Minh Giám - một nhà văn hóa lớn

(SGGP). - Ngày 31-10, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa nước ta.

(SGGP). - Ngày 31-10, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa nước ta.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu đã góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của GS Hoàng Minh Giám ở nhiều lĩnh vực như mặt trận tổ quốc, ngoại giao, văn hóa. Trên lĩnh vực văn hóa, GS Hoàng Minh Giám là một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng, có tầm nhìn chiến lược vừa bao quát, vừa cụ thể đã lãnh đạo ngành văn hóa vượt qua khó khăn, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Có thể nói rằng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là người đã đặt nền móng cho lĩnh vực bảo tồn văn hóa để ngày nay ngành văn hóa kế thừa, phát huy... Thành tích lớn nhất của giáo sư là đã phát huy văn hóa dân tộc, làm cho nó trở thành hoạt động mang tính quần chúng.

Giáo sư là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, mà đến hôm nay trong hội nhập phát triển, ta mới thấy tầm vóc tư tưởng ấy là hoàn toàn đúng đắn. Giáo sư cũng luôn quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: bảo tàng, thư viện, trường đại học... Các đại biểu đều có chung nhận định rằng: Trí thức chân chính là từ cô đọng nhất để nói về GS Hoàng Minh Giám.

GS Hoàng Minh Giám sinh ngày 4-11-1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng, gốc ở xứ Đông Bình, Gia Bình, Bắc Ninh. Trong hơn 20 năm công tác trong ngành văn hóa, giáo sư đã xây dựng, truyền bá tư tưởng yêu nước và khát khao giải phóng dân tộc cho mỗi người dân. Giáo sư đã phát triển ngành văn hóa ở các địa phương, đơn vị sản xuất ở miền Bắc trở thành “vũ khí” để cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, khích lệ khát khao giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Giáo sư đã phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, phát triển đời sống văn hóa phong phú trong quân đội trên chiến trường, giúp chiến sĩ sung sức khi ra trận, an tâm khi nhớ về hậu phương.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục