Game show hài trên truyền hình: Nhảm quá hóa nhạt

Thời gian qua, các game show hài hước xuất hiện với tần suất dày đặc trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, những tiếng cười khiên cưỡng được tạo ra từ những trò quá lố, những lời thoại vô bổ, nhạt nhẽo và cả những màn bạo lực đã gây bất bình trong người xem.
Game show hài trên truyền hình: Nhảm quá hóa nhạt

Thời gian qua, các game show hài hước xuất hiện với tần suất dày đặc trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, những tiếng cười khiên cưỡng được tạo ra từ những trò quá lố, những lời thoại vô bổ, nhạt nhẽo và cả những màn bạo lực đã gây bất bình trong người xem.

Thiếu vắng kịch bản, nghèo nàn sáng tạo

Trên các kênh truyền hình Việt giờ đang tràn ngập các chương trình giải trí hài. Hầu hết các chương trình đều được “nhập khẩu” từ nước ngoài và đều có điểm chung khá nổi bật là yếu tố bất ngờ, ngẫu hứng bởi hoàn toàn không có kịch bản.

Một cảnh trong game show Cười là thua.

Ở game show Cười là thua là cuộc thi của hai đội (mỗi đội có hai nghệ sĩ hài) sẽ có phần lựa chọn một khán giả ngẫu nhiên, sau đó cả hai bên đều có nhiệm vụ chọc cười vị khán giả này để ghi điểm. Thay vì bằng lối diễn xuất hài hước, vui nhộn các nghệ sĩ lại phải chọc cười bằng lời nói, cử chỉ, hành động bất thường từ những tình huống do ban tổ chức đưa ra. Nếu trong tập 5, nghệ sĩ hài Thúy Nga đã có màn massage “độc đáo” khi leo thẳng lên người khán giả thì ở tập 7 với đạo cụ là chiếc bánh kem, hai nghệ sĩ hài Thúy Nga và Thu Trang đã chọc cười khán giả bằng cách trét lấy trét để lên mặt một khán giả được chọn làm bạn diễn.

Thậm chí nghệ sĩ hài Thúy Nga còn… liếm luôn phần bánh kem vừa mới trét trên tay một khán giả. Những format chương trình như thế này là một con dao hai lưỡi. Không có kịch bản, người chơi được thỏa sức tung hứng, sáng tạo theo cách riêng của mình, tạo nên hiệu ứng bất ngờ nhưng cũng đòi hỏi người chơi phải có phản ứng nhanh, kịp thời, sâu sắc và dí dỏm. Người tham gia chương trình phải có nền tảng tốt về văn hóa ứng xử và những kiến thức rộng về văn hóa, xã hội. Đặc biệt phải thông minh, sáng tạo và có khiếu hài hước. Nếu không sẽ tạo ra những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí gây phản cảm.

Ơn giời cậu đây rồi là chương trình hài tình huống thuộc bản quyền của Australia. Các nhân vật chính làm nên chương trình gồm 4 trưởng phòng, 4 khách mời (là người nổi tiếng) và giám khảo là những nghệ sĩ hài nổi tiếng như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Chí Tài, Công Lý, Xuân Bắc....

Từ khi phát sóng, chương trình khá thu hút bởi nhiều yếu tố mới lạ song cũng dần nhận được nhiều ý kiến phản hồi bởi nhiều câu nói quá lố, hành động phản cảm. Trong tập 2, Phi Thanh Vân xuất hiện với nhiều lời nói mơn trớn, hành động khá khêu gợi như như ôm ngực, áp sát các đồng nghiệp nam, lăn lê bò trườn với váy ngắn...

Hay trong một tình huống khá bạo lực ở tập 5, khán giả Nguyễn Tú Vi nhận xét về tiết mục của Thanh Thủy, Đại Nghĩa và Ngọc Tưởng: “Nghệ sĩ Thanh Thủy và Đại Nghĩa cứ liên tục đánh đấm, đè lên, lột trang phục, túm tóc... Ngọc Tưởng, mình xem chỉ thấy bạo lực thô thiển chứ chẳng thấy buồn cười gì cả”.

Trước phản ứng của khán giả về chương trình, nghệ sĩ hài Việt Hương chia sẻ: “Mục tiêu của chương trình là giải trí. Chúng tôi làm dâu trăm họ, không thể làm vừa lòng tất cả khán giả. Các tiết mục hoàn toàn không có kịch bản nên người chơi chính là yếu tố quan trọng trong mỗi tiểu phẩm. Sự nhanh nhẹn, thông minh của khách mời quyết định đến thành bại của mỗi tiết mục”.

Chạy đua lượng theo dõi chương trình

Trong cuộc đua lượng theo dõi chương trình khốc liệt hiện nay, danh hài và người dẫn chương trình hài hước đang là công thức chung của các nhà sản xuất. Từng có nhiều nghệ sĩ hài nổi lên từ những chương trình truyền hình thực tế bởi đây là một sân chơi để họ thỏa sức thể hiện những nét duyên hóm hỉnh của mình.

Nhưng khi phải xuất hiện liên tục trong các chương trình Cười là thua đến Tài - tiếu - tuyệt, Ơn giời cậu đây rồi, A ha… thêm vào đó là vai trò người dẫn chương trình, ban giám khảo cho các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi hát múa, diễn xuất lớn nhỏ... nhiều nghệ sĩ hài đang mất dần sự duyên dáng hóm hỉnh vốn có của mình, thậm chí duyên cũng nhạt.

Khi những chương trình về ca hát nhảy múa giảm nhiệt thì yếu tố hài hước được bổ sung vào như một vị cứu tinh. Cặp đôi hoàn hảo là một ví dụ. So với hai mùa giải trước, Cặp đôi hoàn hảo 2014 có nhiều điểm mới như yếu tố hài hước được đẩy mạnh bằng sự xuất hiện của giám khảo Thanh Bạch, người dẫn chương trình Cát Phượng, màn ra mắt của các cặp đôi, những clip giới thiệu đều đậm chất hài. Các thí sinh không nổi bật về độ nổi tiếng hay giọng hát mà lại gây “ấn tượng mạnh” bằng những biến tấu vượt xa tưởng tượng của khán giả.

Với những đoạn rap “sáng tạo” ngay từ số đầu tiên, khi trình diễn ca khúc Lý kéo chài, cặp thí sinh Nam Cường và Quế Vân gây chú ý bằng việc xưng mày - tao trong đoạn rap “chế” thêm: “Mày đừng có loi nhoi như con dòi/Mày muốn chết đói hay là muốn tao thôi...”.

Trong tập 3, cặp đôi này tiếp tục “chế” đoạn rap thoại giữa Lan và Điệp: “Anh hãy về đi, anh hãy về đi, anh tới đòi quà chứ gì? Yêu em anh không đòi quà mà em cần gì anh cũng sẽ chi. Một chiếc Audi, một túi LV hay là ta xách vali, cùng tới Bali, mình đi du hí - Em không cần gì, chỉ cần tình si, miễn là anh đừng có bồ nhí”. Phần trình diễn này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của khán giả nhưng trớ trêu thay lại nhận được ý kiến ủng hộ từ ban giám khảo.

Những chương trình như Gala cười, sở dĩ có được thành công khi nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả là bởi sự chuẩn bị chỉn chu về kịch bản, nghệ sĩ được tập luyện, trau chuốt kỹ lưỡng. Nếu không có kịch bản thì sự thông minh duyên dáng của nghệ sĩ và sự sáng tạo của người làm chương trình phải là yếu tố tiên quyết. Nhiều chương trình được xã hội hóa với sự phối hợp giữa nhà đài và các công ty truyền thông dẫn đến sự buông lỏng kiểm soát. Nhiều sự việc gây tranh cãi trong thời gian gần đây từ các chương trình truyền hình còn khiến khán giả liên tưởng đến những chiêu trò cố ý của nhà sản xuất.

NGỌC UYỂN

Tin cùng chuyên mục