Ứng xử tinh tế

Nói thật không phải bao giờ cũng tốt. Câu chuyện GS Hoàng Như Mai “hài”ra để xoa dịu sự bực bội của GS Lê Trí Viễn là ví dụ. Nhưng giữa lúc thói đạo đức giả đang là vấn nạn của xã hội, thì câu nói thật thà “Dạ, em cần tiền thầy ạ!” của một cô giáo trẻ khi trả lời phỏng vấn tuyển dụng, như một điều đẹp và dễ thương trong cách ứng xử.
Ứng xử tinh tế

Nói thật không phải bao giờ cũng tốt. Câu chuyện GS Hoàng Như Mai “hài”ra để xoa dịu sự bực bội của GS Lê Trí Viễn là ví dụ. Nhưng giữa lúc thói đạo đức giả đang là vấn nạn của xã hội, thì câu nói thật thà “Dạ, em cần tiền thầy ạ!” của một cô giáo trẻ khi trả lời phỏng vấn tuyển dụng, như một điều đẹp và dễ thương trong cách ứng xử.

Phó giáo sư…

Vào năm 1980, hai bậc thầy từ miền Bắc chuyển vào TPHCM giảng dạy văn học: Lê Trí Viễn bên Đại học Sư phạm được Nhà nước phong học hàm giáo sư, còn Hoàng Như Mai bên Đại học Tổng hợp được phong phó giáo sư. Đây là đợt phong học hàm thứ 2 của nước ta. Trước năm 1975, ở miền Nam từ “giáo sư” được dùng để chỉ các giáo viên dạy trung học từ lớp 6 đến lớp 12.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực, Nhà nước chủ trương một số trường, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo lớn bắt đầu đào tạo phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cao cấp. Ngày 11-9-1976, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 162/CP phong hàm giáo sư, phó giáo sư lần đầu tiên cho 29 nhà giáo, nhà khoa học là những chuyên gia đầu ngành như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đại Nghĩa…

Để chuẩn bị cho lễ tấn phong học hàm lần 2, Bộ Giáo dục gửi công lệnh vào mời hai thầy Hoàng Như Mai và Lê Trí Viễn ra Hà Nội. Hai ông cùng ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đến phòng kiểm soát vé và hành lý, thầy Viễn xếp hàng bước vào trước. Nhân viên an ninh kiểm tra rất kỹ từng vật dụng trong hành lý của thầy. Mọi vật được thầy xếp ngay ngắn đã bị xới tung. Việc kiểm tra ấy làm thầy chẳng vui vẻ gì, nhất là khi nhìn cái mặt lạnh lùng của nhân viên an ninh hàng không đáng tuổi học trò chắt chít của mình.

Đến lượt thầy Hoàng Như Mai. Sau khi nhân viên an ninh xem vé, chứng minh nhân dân và công lệnh của thầy, chợt anh ta đứng thẳng người đưa tay lên nghiêm trang chào và mời thầy vào luôn bên trong mà không hề kiểm tra hành lý. Thầy Mai cảm ơn và ung dung bước vào. Đứng chờ bên trong, thấy vậy thầy Viễn ngạc nhiên, tỏ vẻ bực bội. Thầy Viễn nói với thầy Mai rằng anh nhân viên an ninh thật vô lễ, sao kiểm tra xới tung hành lý của mình còn của thầy Mai thì không hề đả động tới.

Nghe những lời trách móc của thầy Viễn, thầy Mai liền cười xòa: “Có gì đâu anh. Tại tờ công lệnh của anh ghi “giáo sư” nên nhân viên an ninh tưởng đâu anh là nhà giáo của miền Nam trước đây được lưu dung nên kiểm tra kỹ. Còn công lệnh của tôi ghi “phó giáo sư”, nghĩ chỉ miền Bắc mới có chức danh này, nên anh ta cho tôi qua nhanh đó thôi”. Nghe thầy Mai phân giải, thầy Viễn cười và im lặng bước đi chẳng nói gì…

Nhân giỗ đầu thầy Hoàng Như Mai, một cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của thầy do nhiều trường đại học phối hợp tổ chức rất trang trọng tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM vào cuối tháng 11-2014. Đông đảo môn sinh đã về tham dự. Sau hội thảo, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương đã cùng hai nhà thơ Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, nhà giáo Trương Thị Kim Ngọc và tôi đi cà phê với nhau. Lâu quá không có dịp hàn huyên với nhau, nhiều câu chuyện được kể trào lộng, trong đó có câu chuyện giữa hai bậc thầy ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Thực ra cách trả lời của thầy Hoàng Như Mai chỉ là để xoa dịu cơn tức giận của thầy Lê Trí Viễn. Anh nhân viên an ninh hàng không nào đâu phân biệt giáo sư, phó giáo sư của miền Bắc hay miền Nam. Chẳng qua anh ta biết mặt thầy Mai qua… truyền hình. Bấy giờ, truyền hình không nhiều kênh như sau này, những người xuất hiện trên ti vi rất dễ nổi tiếng.

Thầy Mai lại là người thường xuyên nói chuyện thơ trên truyền hình, mà lại nói rất hay, rất hùng biện, rất truyền cảm nên được nhiều người biết mặt biết tên. Anh nhân viên an ninh kia chắc là một người yêu thơ và là một người hâm mộ thầy Mai. Tất nhiên, thầy Viễn cũng là một chuyên gia văn học uy tín, nhưng lúc ấy có lẽ thầy ít xuất hiện trên ti vi nên ít được nhớ mặt.

Những lời phân giải của thầy Mai nhằm xoa dịu cơn bực bội của thầy Viễn đã cho chúng ta một bài học về phép ứng xử nhanh nhạy, thông minh, tinh tế.

Từ trái sang: Phan Hoàng, Kim Ngọc, Trương Nam Hương, Huỳnh Như Phương và Lê Minh Quốc trong buổi trưa cà phê Sài Gòn.

“Dạ, em cần tiền thầy ạ!”

Trong năm người chúng tôi ngồi cà phê với nhau thì cô giáo Trương Thị Kim Ngọc trẻ nhất, thuộc thế hệ 8X. Cô không trực tiếp học GS-NGND Hoàng Như Mai nhưng yêu kính thầy qua tác phẩm cũng như nhân cách nên đã đến dự hội thảo.

Kim Ngọc sinh trưởng ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tuổi thơ cô trôi qua trong cơ cực, gia đình ly tán. Người mẹ cô đơn tần tảo nuôi hai chị em cô giữa vùng quê nghèo biên giới Tây Nam. Khi cô chào đời thì chiến tranh biên giới đã lặng yên nhưng hậu quả từ cuộc chiến tàn khốc do tập đoàn diệt chủng Pol Pot gây ra vẫn ám ảnh, đè nặng lên đời sống còn khó nhọc của người dân. Chia sẻ nỗi khổ đau người mẹ, hai chị em của Kim Ngọc đã vượt mọi khó khăn để học tập, tự khai mở con đường tương lai cho mình.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TPHCM, sau thời gian ở trọ dạy học bên quận 9, Kim Ngọc đã được tuyển vào dạy hợp đồng ở Trường PTTH Marie Curie, quận 3. Ngôi trường mang tên nhà khoa học nữ lừng danh là một trong số ít những trường trung học lâu đời nhất và là trường duy nhất của Sài Gòn không thay đổi tên ban đầu do người Pháp đặt từ năm 1918. Vừa dạy học và làm thêm kiếm sống, Kim Ngọc vừa học tập thi đậu khóa thạc sĩ văn học, đang mày mò nghiên cứu làm luận văn về thơ trẻ Sài Gòn.

Chúng tôi hỏi Kim Ngọc làm sao một cô giáo trẻ tỉnh lẻ mới ra trường mà xin vào được ngôi trường danh tiếng Sài Gòn, có ai hậu thuẫn không, có phong bì phong bao gì không? Nghe đến chuyện phong bì vốn là đề tài “nóng” trên các diễn đàn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ai cũng phì cười. Kim Ngọc cũng bẽn lẽn cười nói rằng chẳng có ai “chống lưng” và cũng không hề có chuyện phong bì khi xin việc.

Tình cờ nghe tin Trường Marie Curie tuyển giáo viên hợp đồng, đọc thông báo thấy mình đủ tiêu chuẩn, cô liền đến nộp hồ sơ. Trong buổi phỏng vấn, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vân hỏi cô tại sao không dạy bên quận 9 gần nhà trọ mà xin sang đây cho xa. Cô hồn nhiên trả lời: “Dạ, em cần tiền thầy ạ!”. Nghe câu trả lời thật thà của cô giáo trẻ hiền lành, thầy hiệu trưởng bật cười...

Kể lại chuyện này, Kim Ngọc nói rằng lúc đó nếu cô trả lời với thầy hiệu trưởng rằng mình yêu nghề, muốn nâng cao chuyên môn thì nó “sáo” quá. Bởi đã theo đuổi nghề giáo thì ai mà chẳng yêu nghề và dạy ở một môi trường tốt như Trường Marie Curie thì tất nhiên tay nghề chuyên môn sẽ được nâng cao. Điều quan trọng trước mắt là về đây dạy cô sẽ có thu nhập khá hơn để trang trải tiền thuê nhà cùng những chi phí khác, hỗ trợ cho người mẹ đơn côi ở quê. Và chính nhờ nói thành thực mà cô đã được nhà trường tuyển dụng. Dĩ nhiên, để trụ lại với ngôi trường giàu truyền thống này, cô còn phải cố gắng nhiều.

Hai câu chuyện ở hai hoàn cảnh khác nhau, của hai thế hệ cách xa nhau, biểu hiện ngược chiều nhau, nhưng cùng cho thấy cái hay cái đẹp của phép ứng xử trong đời sống. Nói thật không phải bao giờ cũng tốt. Câu chuyện của thầy Hoàng Như Mai với thầy Lê Trí Viễn là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, giữa lúc thói đạo đức giả đang là vấn nạn của xã hội, đặc biệt là trong ngành giáo dục, thì một câu nói thật thà của cô giáo trẻ Kim Ngọc đã gây bất ngờ và thuyết phục được người có trách nhiệm tuyển dụng.

Câu nói chân thành đáng yêu ấy, nếu người nghe không sâu sắc, thiếu kinh nghiệm sống sẽ cho rằng cô giáo trẻ này quá thực dụng, không hợp với môi trường sư phạm. Tôi chưa gặp thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vân bao giờ, nhưng qua câu chuyện của Kim Ngọc, tôi cảm thấy yêu quý một nhà giáo có chức trách, vô tư và khách quan như ông.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục