Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc qua đời

Sau một thời gian lâm bệnh kéo dài, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã qua đời vào sáng sớm nay, 7-4, tại nhà riêng ở thôn Ngãi Cầu, làng An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc qua đời

(SGGPO).- Sau một thời gian lâm bệnh kéo dài, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã qua đời vào sáng sớm nay, 7-4, tại nhà riêng ở thôn Ngãi Cầu, làng An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống ca trù ở Khâm Thiên, Hà Nội. Ngay từ lúc đang còn là 1 cô bé, bà đã được bố mẹ chỉ bảo từng câu hát, nhịp phách. Lên 12 tuổi, bà đã bắt đầu đi hát ở quán Ca trù của gia đình. Đến năm 20 tuổi, sau cuộc cải cách ruộng đất, gia đình bà Chúc chuyển về sống ở Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Sau năm 1954, khi ca trù bị hiểu lầm, các nhà hát ca trù bị đóng cửa khiến các ca nương, kép đàn phải sống mai danh ẩn tích.

Đến năm 1995, khi ca trù được quan tâm trở lại, bà hoạt động trong Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Đông. Giọng ca của bà được giới chuyên môn đánh giá rất cao với kỹ thuật ém hơi, đổ hột tài tình và đậm chất ca trù của mình. Đặc biệt là giọng ngâm mang đầy vẻ huyền bí của bà. Trong giọng ngâm của bà, ca trù được đặc tả một cách rất giản dị nhưng đầy sâu sắc khiến người nghe như chìm vào những câu hát đẹp đẽ, mượt mà và đầy tính nhân văn.

Kể từ sau khi NSND Quách Thị Hồ ra đi, cùng với nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Phú Đẹ, bà Chúc được ví như một trong số ít ỏi vốn quý còn sót lại của ca trù đất Thăng Long. Năm 2005, bà đã được phong tặng là nghệ nhân dân gian. Những năm gần đây bà còn được mời làm ban giám khảo cho các cuộc thi ca trù toàn quốc. Và mới đây nhất, năm 2012 bà đã mang những nhịp, những phách của ca trù đến Hàn Quốc. 

 MAI AN

Tin cùng chuyên mục