Văn hóa bản quyền

Vụ việc lùm xùm xung quanh việc thanh toán bản quyền các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một chương trình ca nhạc đang được dư luận quan tâm chú ý. Điều đáng nói là qua sự kiện lần này, một lần nữa văn hóa tôn trọng bản quyền lại được nhắc đến khi nhiều người vẫn đang cố tình quên đi.

Vụ việc lùm xùm xung quanh việc thanh toán bản quyền các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một chương trình ca nhạc đang được dư luận quan tâm chú ý. Điều đáng nói là qua sự kiện lần này, một lần nữa văn hóa tôn trọng bản quyền lại được nhắc đến khi nhiều người vẫn đang cố tình quên đi.

Coi thường bản quyền

Nhiều ngày gần đây, khi nhắc đến sự kiện cuộc tranh cãi giữa Công ty Giải trí Đồng Dao (đơn vị tổ chức các đêm nhạc có sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), một số người đã chê bai nhạc sĩ Phó Đức Phương là “thiếu văn hóa”, “giống đòi nợ thuê”… Những ý kiến này dựa trên việc nhạc sĩ đã đến ngay trước giờ biểu diễn của chương trình và tranh cãi căng thẳng với ban tổ chức về việc thanh toán tiền bản quyền.

Thế nhưng, có lẽ ít người để ý đến một thực tế là việc nhạc sĩ Phó Đức Phương thực hiện chẳng qua là bất đắc dĩ. Trong quy định về quyền sở hữu trí tuệ thì mọi hoạt động liên quan đến các tác phẩm có bảo hộ về bản quyền đều phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu trước khi sử dụng. Một chương trình ca nhạc lớn không thể đột nhiên tổ chức, chương trình phải thông qua rất nhiều khâu trong đó có một quy trình quan trọng là lên danh sách các bài hát biểu diễn. Đó chính là thời điểm ban tổ chức cần phải liên hệ để xin phép sử dụng các tác phẩm và đây cũng là lúc diễn ra các hoạt động thương lượng bản quyền. Nếu thấy phí bản quyền quá cao hay hình thức thanh toán không phù hợp, ban tổ chức có thể loại bỏ không sử dụng tác phẩm.

Thế nhưng, Công ty Giải trí Đồng Dao lại làm ngược lại, họ đã tự ý sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không hề xin phép. Sau đó, khi đơn vị được ủy quyền bảo vệ bản quyền đến để yêu cầu thực thi các nghĩa vụ tác quyền thì Đồng Dao lại quay sang bắt bẻ về quyền sở hữu.

Xây dựng văn hóa bản quyền

Trước câu chuyện diễn ra ở trên, trong những tháng giữa năm 2014, giới âm nhạc Việt Nam chứng kiến hai chuyện buồn. Đầu tiên là sự ra đi trong nghèo khó của nhạc sĩ Thanh Bình và sau đó là những hình ảnh buồn về hoàn cảnh gian nan hiện nay của nhạc sĩ Vinh Sử. Điều đáng nói là cả hai nhạc sĩ này hoàn toàn không phải là những nghệ sĩ bị cuộc sống hiện nay quên lãng, ca khúc Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình hay những ca khúc Nhẫn cỏ trao em, Người phu kéo mo cau của nhạc sĩ Vinh Sử vẫn đang được biểu diễn, sử dụng từ các album đến sân khấu, tụ điểm, phòng trà ca nhạc hay trong các đĩa karaoke phát hành chính thức… Thế nhưng, dù những đứa con tinh thần của mình được sử dụng rộng rãi, các nhạc sĩ hầu như không có được đồng bản quyền nào để cải thiện cuộc sống.

Nếu như trước đây, việc tôn trọng và bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ ít được chú ý thì hơn chục năm trở lại đây đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne (2004) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, văn hóa bản quyền đã được chú trọng hơn. Chính nhờ việc tôn trọng này, đời sống sáng tác của các văn nghệ sĩ đã được cải thiện phần nào.

Thế nhưng, không phải lúc nào văn hóa bản quyền cũng được nhớ đến, sự kiện đáng tiếc trong các đêm nhạc vừa qua đã không diễn ra nếu như ban tổ chức có được sự tôn trọng đối với quyền tác giả. Chỉ cần một sự thương lượng, thống nhất trước đó thì mọi vấn đề lùm xùm đã không diễn ra.

Thực thi bản quyền

Trong vụ việc lùm xùm vừa qua, có thể thấy vai trò và trách nhiệm của cơ quan chức năng hoàn toàn mờ nhạt. Hiện nay đối với các tác phẩm biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật, việc cấp phép vẫn chỉ hạn chế trong việc xem xét về nội dung, hình thức của tác phẩm. Vấn đề bản quyền tuy được nhắc đến trong giấy phép nhưng chỉ mang tính hình thức, chung chung kiểu: “đơn vị tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về Luật Sở hữu trí tuệ, về vấn đề bản quyền”. Không có bất cứ ràng buộc nào cụ thể nào, chính điều này đã dẫn đến những sự cố như trường hợp vừa qua.

Có thể tham khảo trong lĩnh vực xuất bản sách, vấn đề bản quyền được chú trọng hơn rất nhiều, từ khâu cấp giấy phép xuất bản đến in ấn và cuối cùng là phát hành, tại mỗi khâu đều đòi hỏi xác nhận về bản quyền. Tuy rằng, đây đó vẫn có những trường hợp vi phạm nhưng về cơ bản điều này đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền của những người sử dụng tác phẩm.

Việt Nam đã và đang bước chân vào sân chơi lớn mang tầm quốc tế, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao trong công tác tổ chức các sự kiện lớn không thể coi nhẹ ý thức, văn hóa tôn trọng bản quyền. Và việc xây dựng ý thức, văn hóa này đòi hỏi sự chung tay của tất cả, từ cơ quan chức năng đến những cá nhân, những đơn vị tổ chức, khai thác những sản phẩm trí tuệ.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục