Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến

Thế là khép lại một đời văn. Một đời văn bắt đầu từ tuổi học trò trong kháng chiến chống Pháp. Được giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (1952), được vinh danh từ ấy. Thế nhưng cái khởi đầu ấy sẽ không là gì so với những cố gắng thực sự sau này.
Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến

Thế là khép lại một đời văn. Một đời văn bắt đầu từ tuổi học trò trong kháng chiến chống Pháp. Được giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (1952), được vinh danh từ ấy. Thế nhưng cái khởi đầu ấy sẽ không là gì so với những cố gắng thực sự sau này.

Ra Hà Nội sau 1954, Bùi Đức Ái (Anh Đức) chưa đầy 20 tuổi. Nhưng anh trở nên già dặn rất nhanh trên trường văn. Sau truyện ngắn đầu tay là Chị Tư Hậu. Những năm đầu thập niên 60, khi cuộc chiến tranh ở miền Nam trở nên khốc liệt, người ta rỉ tai nhau: anh X, anh Y… vừa đi B. B. là chiến trường, là khói lửa đạn bom, là hy sinh… Đi bí mật. Vượt Trường Sơn mấy tháng ròng, đi bộ, mang trên mình hành trang, vượt đèo dốc… Anh may mắn được đi trực thăng tới Quảng Bình. Và sau đó, cũng là may mắn, khi cô nữ sinh xinh đẹp trường Trưng Vương Hà Nội, người yêu anh, cũng được giải quyết đi B theo anh. Cưới nhau ở trong rừng và sinh con ở trong rừng. Ông Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh), quý hai vợ chồng, thỉnh thoảng đến lán cho cháu nhỏ hộp sữa…

Nhà văn Anh Đức.

Vào R. mới là một bước. Bước tiếp theo phải là đến thẳng chiến trường. Anh Đức chọn cho mình vùng Cà Mau – U Minh, mảnh đất địa đầu khốc liệt. Phải sống trong nhân dân, trong quân đội, du kích, nếm trải tất cả… để viết nên trang văn chân thực. Cái tên Anh Đức (thay cho Bùi Đức Ái), bắt đầu vang lên trên văn đàn. Ở thủ đô Hà Nội năm ấy, máy bay Mỹ đã đánh, chúng tôi sơ tán. Và đọc dưới ngọn đèn dầu sơ tán, bản thảo đánh máy tiểu thuyết của Anh Đức Hòn Đất từ miền Nam gửi ra. Đây là cuộc chiến đấu sinh tử của một vùng du kích thuộc đất Kiên Giang. Ngày nay đi từ Rạch Giá đến Hà Tiên, ta đi ngang qua Hòn Đất. Nơi ấy, những người du kích nông dân đã chống giặc, đã diệt ác ôn, đã cày ruộng, đã hy sinh… Nó là mô hình tiêu biểu của cuộc chiến tranh nhân dân chống giặc. Chị Sứ, nhân vật của tiểu thuyết (tên thật là chị Phan Thị Ràng, tức Tư Phùng) đã trở thành bất tử.

Ở miền Bắc khi đó, thực tình là “đói”, là khao khát thông tin về miền Nam chiến đấu. Nhất là những hình ảnh của những con người cụ thể, với tâm trạng, vóc hình, lời nói… Không thể nào lấp được chỗ trống đó, sự khao khát đó. Vì vậy, Hòn Đất với một dung lượng thông tin – nghệ thuật quý giá không gì sánh được, được Tố Hữu gọi là “hòn ngọc” và Hoài Thanh viết “Hòn Đất – hòn ngọc” theo ý ấy. Giáo sư Trần Văn Giàu lúc đó viết chuyên khảo “Miền Nam giữ vững thành đồng” với tư liệu là những bản tin thời sự nóng bỏng của TTX Việt Nam về miền Nam. Ông đọc Hòn Đất như là sự gợi cảm hứng cho tác phẩm sử học của mình và đã viết phê bình Hòn Đất.

Có một câu chuyện: Cái huyện có Hòn Đất bé nhỏ ấy, ngày xưa không mang tên Hòn Đất. Nhưng vì có tiểu thuyết Hòn Đất, mà huyện đổi tên thành huyện Hòn Đất. Câu chuyện sao mà giống chuyện nhà thơ đời Đường - Trương Kế, tác giả bài thơ bất hủ Phong Kiều dạ bạc. Trương Kế đã viết sai chữ Phong (từ phong trong phong kiến mà ra phong trong cây phong), nhưng địa danh Phong Kiều phải đổi theo cách viết của Trương Kế! Áp lực của sự vĩnh cửu, sự bất tử trong văn chương lên đời sống là có thực.

Từ đó, Anh Đức được người đời ca ngợi, mến yêu. Anh là một mẫu hình của một nhà văn “dấn thân”, một nhà văn – chiến sĩ. Thật buồn, nếu như trong một cuộc chiến đấu vĩ đại như vậy, lại không có những nhà văn chiến sĩ tương ứng làm chứng cho máu xương, thắng lợi…

Rồi Anh Đức chuyển sang thể loại truyện ngắn. Anh càng viết càng hay; mãi đến sau này, sau thống nhất, những truyện ngắn của anh trong Miền sóng vỗ (1985) thật nhân tình, thật sâu lắng, mà giản dị trong cốt truyện, trong mạch văn… biết bao nhiêu! Cứ như là cuộc sống hiện lên, chân thật, gần gũi, không một chút “hoa dạng” (hoa dạng là chữ dùng của Anh Đức mà tôi học theo).

Nhưng rồi đến lúc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên những lá thư Cà Mau trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Tuân và Anh Đức thì cái “thi thoại – văn thoại” ấy trở thành như một huyền thoại trong chiến tranh. Trong khói lửa khốc liệt, từ thủ đô Hà Nội bom đạn, sơ tán…. Nhà văn “cổ điển” Nguyễn Tuân đội mũ sắt phòng không, không sơ tán mà đi “phỏng vấn” tù binh, phi công Mỹ, viết Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi và nhà văn trẻ tuổi hơn từ Cà Mau, nơi có sắc trời “ong ong tái tái” đã thư từ văn chương với nhau, nối hai miền đất nước lại trong một tâm tình, một khát vọng thắng lợi và thống nhất…

Đặc sắc của những lá thư trên sóng này là văn chương hay, là văn chương mà cũng là trí tuệ, nhận thức. Như ta đã biết, Nguyễn Tuân là cây bút cả thế giới kính trọng về trình độ và để theo kịp, đúng hơn, để xứng đáng là người đối thoại, Anh Đức đã nâng mình lên rất cao. Sau này, như tôi biết, Anh Đức, giống như người bạn thân anh – Chế Lan Viên – không ngừng đọc, học tập, mài giũa, bởi biết rằng “thanh kiếm quý phải trăm rèn mới có”. Văn anh đằm hơn, nhưng cũng trí tuệ hơn. Giải thưởng Hồ Chí Minh trao cho anh được sự đồng thuận rất cao.

Không thể khác được là một nhà văn như Anh Đức, phải gánh lấy những trách nhiệm mà xã hội, đời giao phó. Đó là những nhiệm vụ chẳng “quyền cao chức trọng”, “quyền sinh quyền sát” gì, nhưng quan trọng đối với đời sống văn hóa và xã hội. Anh là một thành viên chủ chốt trong Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương, sát cánh bên cạnh Nguyễn Đình Thi, Huy Cận… lèo lái con thuyền văn nghệ. Ở Hội Nhà văn Việt Nam cũng như ở Hội Nhà văn TPHCM, anh tham gia Ban Thư ký và làm Tổng biên tập Tạp chí Văn. Anh cũng là đại biểu Quốc Hội nhiều khóa, cùng Chế Lan Viên, Lý Chánh Trung… đóng góp nhiều ý kiến về văn hóa hiện thời.

Ở đâu, trong lĩnh vực nào, Anh Đức cũng sống thật thà, giản dị, chân tình… Về thành rồi, thắng lợi rồi, anh vẫn vậy, không đổi sắc, không biến màu. Anh vẫn là người xuất thân “dân ruộng” ở An Giang, có anh ruột là liệt sĩ ngay từ ngày đầu kháng chiến. Qua hai cuộc kháng chiến, qua lịch lãm của cuộc đời, anh cũng như Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Viễn Phương, Trần Thanh Đạm… cảm hết cái ơn sâu của nhân dân làm nên thắng lợi, cảm hết cái nghĩa Đảng mà mình là một thành viên, luôn luôn kiên định trong những tình huống ngặt nghèo nhất, lúc tứ phía nổi lên “tiếng địch não nùng của Trương Lương” dụ hàng. TP chúng ta tự hào vì có anh, có nhiều những văn nghệ sĩ như vậy, họ đã tin yêu, đã dâng hiến, đã làm nên bức tường thành chống thoái hóa, chống diễn biến, bảo vệ những lẽ phải của thời chúng ta.

Vĩnh biệt anh, anh Anh Đức rất thân yêu! Anh đã mở đầu và kết thúc đẹp một sự nghiệp và tên tuổi anh sẽ sống mãi với TP, với núi sông này.

GS Mai Quốc Liên


Khu di tích lịch sử Hòn Đất - Nơi chị Sứ yên nghỉ ngàn năm

Nằm cách thị trấn Hòn Đất (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) 13km, Khu di tích lịch sử Hòn Đất hàng ngày đón nhiều lượt khách đến tham quan. Nơi đây có mộ liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.

Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh Ba Hòn gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc là một chốt quan trọng trên tuyến đường 1C nên địch tập trung đánh phá hòng cắt đường vận chuyển của quân ta. Cuối năm 1969, địch đã tập trung ở đây hàng chục ngàn quân, có cả máy bay nhằm tấn công, đánh chiếm Ba Hòn.

Tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức kể về cuộc đụng độ khốc liệt giữa ta và địch hơn 100 ngày xoay quanh núi Hòn Đất, hòn núi cuối cùng nằm mạn Nam trong ba hòn núi. Thuở đó, Hòn Sóc bị địch chiếm giữ, Hòn Đất là căn cứ của Huyện ủy, Hòn Me là căn cứ của Huyện đội huyện Hòn Đất, lực lượng cách mạng ở trong các hang đá, hốc đá, gộp đá như trận đồ bát quái mà kẻ địch vây hãm suốt 100 ngày kín xung quanh không tiêu diệt được. Nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất được nhà văn Anh Đức xây dựng từ liệt sĩ Phan Thị Ràng. Bà sinh năm 1937, quê quán xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1950, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1958, bà được giao công tác trinh sát tại xã Xà Tón (thuộc An Giang), sau chuyển về xã Trí Đạo thuộc chi khu Kiên Giang, phụ trách thanh vận, giao liên. Năm 1960, bà bị bắt trên đường làm nhiệm vụ. Dù bị tra tấn, bà vẫn một lòng trung kiên với cách mạng và đã hy sinh khi vừa bước sang tuổi 25 (1962). Ngày 20-12-1994, Phan Thị Ràng được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nằm dưới chân núi, Khu di tích lịch sử Hòn Đất vẫn sừng sững cùng thời gian như minh chứng cho tấm lòng của Đảng bộ, dân và quân nơi đây với Đảng, Bác Hồ. Phía trước mộ chị Sứ là cái hồ trồng bông súng lớn vốn là một hố bom năm xưa. Từ mộ đi theo mé trái là tới suối Lươn, gần hang Ông Cọp. Cách đó vài trăm mét, vườn xoài rợp mát suốt con đường. Nơi chị Sứ hy sinh là khu vực vườn xoài này. Đêm trước khi bị bắt, chị đang ở Hòn Me. Nghe địch đánh vô Hòn Đất, chị lật đật băng đồng về tiếp sức anh em. Vừa qua khỏi suối Lươn thì bị bắt. Chúng treo chị lên cây xoài đánh đập dã man bằng báng súng rồi nhổ cọc hàng rào tre đâm chị tới chết.

Phía sau mộ chị Sứ là bậc thang cao lên sườn đồi, có bức phù điêu lớn bằng đá hoa cương, khắc tên 960 liệt sĩ cùng tượng đài Chiến Thắng của quân dân Hòn Đất. Đây là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt thời chống Mỹ.

Nếu có dịp trèo lên Hòn Đất, ta sẽ được trải nghiệm với vô số hang động hấp dẫn, kỳ bí gắn liền với chiến tích của quân dân nơi đây như: hang Quân Y, Hàm Ếch, Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, Sáu Thiều, Sân Tiên... Các hang đều gần suối nước, tiện đường đi và liên thông nhau. Sau khi thăm mộ chị Sứ, du khách có thể tham quan đỉnh Hòn Me. Từ đỉnh Hòn Me có thể nhìn thấy toàn cảnh đồng ruộng Hòn Đất. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách tham quan tháp ăng-ten truyền hình cao ngất và khu trưng bày di tích lịch sử của Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia.

HÀM LUÔNG

_________

Tin Buồn

Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM; Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM; Quận ủy, UBND, UBMTTQ quận 1; Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường Đa Kao, quận 1 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí BÙI ĐỨC ÁI (Nhà văn Anh Đức)

Sinh năm 1935, tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 7; nguyên Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch đoàn Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, đã nghỉ hưu.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 55 tuổi Đảng. 

Đã từ trần lúc 21 giờ 15 ngày 21-8-2014. Linh cữu quàn tại số 81 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 (Trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM). Lễ viếng lúc 18 giờ ngày 22-8-2014. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 24-8-2014. An táng tại Nghĩa trang thành phố, quận Thủ Đức.

Tin cùng chuyên mục