Cảm ơn

2.
Cảm ơn

1. Trẻ con bây giờ, hỏi chúng sợ gì nhất, chắc chúng sẽ ấp úng. Vì trẻ con bây giờ ít bị người lớn đe nẹt, hù dọa.

Còn tôi, lúc ba, bốn tuổi, thứ tôi sợ nhất trên đời là... ông Kẹ. Cho đến sáu, bảy tuổi, nghe nhắc đến ông Kẹ bụng tôi vẫn thon thót.

Tôi không biết ông Kẹ là ông gì, cũng chưa trông thấy bao giờ, nhưng theo như những gì người lớn gieo vào đầu tôi thì ông Kẹ là một nhân vật rất hung dữ, đặc biệt là thích ăn thịt trẻ con.

Nhiều đứa bé nghe người lớn đem ông Kẹ ra dọa là sợ xanh mặt: đứa đang khóc nín bặt, đứa đang cười lập tức òa ra khóc.

Cảm ơn ảnh 1

Minh họa: K.T

2. Hồi còn nhỏ, trong nhà tôi chỉ sợ ba tôi. Vì ba tôi dạy con rất nghiêm. Ngược lại, tôi không sợ mẹ. Vì người mẹ thường cưng chiều con cái. Mẹ chỉ rầy la, ít khi mó tay vào roi vọt.

Ba tôi đi làm xa, chỉ về nhà mỗi cuối tuần. Mỗi lần về, một trong những “công việc” của ông là ngồi nghe mẹ tôi kể tội lũ con ở nhà. Suốt sáu ngày trong tuần tôi tha hồ chạy nhảy rong chơi, lòng vui phơi phới, nhìn đâu cũng thấy toàn một màu hồng. Chỉ đến chiều thứ bảy là lòng tôi bắt đầu thấp thỏm lo âu. Nghe tiếng xe Goebel của ba tôi nổ bình bịch ở đầu làng là tim tôi thắt lại. Tôi biết thế nào lát nữa tôi cũng sẽ bị đòn khi mẹ tôi bắt đầu kể tội tôi. Tôi lại là đứa bé nghịch ngợm, tội lỗi đầy mình: đánh nhau, vầy cát, trèo cây, mải chơi không chịu học bài làm bài... không có tội nào mà tôi không dính vào.

Những lúc “thập tử nhất sinh” đó, hoặc là tôi chạy qua nhà bà tôi, nhờ bà tôi che chở, hoặc là tôi van nài mẹ tôi, bằng cách nước mắt ngắn dài thề thốt đủ thứ trên đời. Tôi hứa với mẹ tuần sau tôi sẽ ngoan, sẽ chăm chỉ học bài, mẹ bảo gì tôi cũng vâng lời. Tất nhiên là đến sáng thứ hai là tôi quên béng những lời hứa hẹn của mình để rồi đến chiều thứ bảy tuần sau tôi lại lặp lại cả lời nói lẫn vẻ mặt sầu thảm của mình để mong mẹ tôi động lòng.

3.
Cũng như mọi bậc từ mẫu trên đời, mẹ tôi rất dễ động lòng và tôi thường tìm những cách ranh mãnh nhất để đánh vào lòng trắc ẩn của bà. Do vậy, trong đa số các trường hợp, mẹ tôi thường đồng lõa với tôi trong việc giấu giếm tội trạng của con cái, hoặc nếu không thể không kể ra (vì ba tôi không bao giờ tin một đứa tinh nghịch như tôi lại không mắc phải một lỗi lầm nào trong suốt một tuần lễ) thì bà cố tình giảm nhẹ bằng cách chỉ kể những lỗi lầm nhỏ nhặt của tôi, chẳng hạn như quên rửa tay trước khi ăn hoặc quên rửa chân trước khi đi ngủ. Còn những tội trạng tày đình như đánh nhau bươu đầu sứt trán hay lén theo lũ bạn hoang đàng chui vào tháp chuông nhà thờ giật chuông inh ỏi thì mẹ tôi giấu biến.

Hài tội tôi với ba tôi thì mẹ tôi sợ tôi bị phạt, nhưng ỉm đi thì mẹ tôi lại sợ tôi hư hỏng. Có lẽ đó là lý do mẹ tôi buộc phải nhờ tới... ông Kẹ.

“Trẻ con suốt ngày dang nắng không chịu vô nhà ngồi học bài ông Kẹ sẽ bắt đó con”, “đứa nào biếng ăn thì tối ngủ sẽ bị ông Kẹ kéo chân”, “xưa nay ông Kẹ hay chui vào nhà lúc nửa đêm để bắt những đứa con nít lười tắm” - những lời hù dọa như vậy lúc nhỏ tôi nghe không biết bao nhiêu lần và lần nào cũng khiến tôi lo sợ. Bởi tôi là chúa biếng ăn, chúa lười tắm, còn chạy nhảy ngoài trời là niềm vui sống của bất cứ đứa con trai nào ở tuổi tôi. Đôi khi mẹ tôi còn đi xa hơn: “Ông Kẹ rất thích ăn thịt những đứa con nít ưa đánh lộn”. “Sao vậy, mẹ?”, tôi nơm nớp hỏi. “Tại vì những đứa ưa đánh lộn thịt ngon hơn những đứa khác”. Lời giải thích của mẹ tôi rất mơ hồ nhưng tôi không hề thắc mắc. Cũng như tôi không thắc mắc vậy thì tại sao ông Kẹ lại bắt những đứa trẻ lười tắm, vì những đứa ở dơ chắc chắn là thịt tụi nó hôi rình, chẳng ngon lành gì.

Nhưng hồi đó tôi còn quá nhỏ để phân biệt thực hư. Khi nghe mẹ tôi nói như vậy, tối leo lên giường tôi trùm mền kín đầu kín chân, nằm nín thở lắng nghe từng tiếng động chung quanh, hồi hộp chờ xem ông Kẹ có mò vào chỗ nằm của tôi vì cái tội hồi chiều tôi đánh nhau với nhỏ bạn hàng xóm để giành giật nắp keng với nó hay không. Nửa đêm mắc tiểu tôi không dám bước chân ra ngoài hè, phải đập mẹ tôi dậy nhờ mẹ dắt đi. Gần như đêm nào cũng vậy.

4. Vì ông Kẹ vô hình đó, nỗi lo sợ đã nhiều lần đặt móng vuốt lên trái tim tôi trong những tháng năm nhỏ dại.

Đến khi tôi đủ lớn để biết rằng ông Kẹ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, tôi đâm ra oán trách mẹ tôi. Mẹ tôi nỡ nào lôi ông Kẹ rùng rợn đó ra để tôi và những đứa em tôi phải nơm nớp sợ hãi suốt một thời thơ ấu dài lâu. (Sau này, lấy vợ sinh con, tôi nhớ tôi chưa bao giờ đánh con và vợ tôi chưa bao giờ đem ông Kẹ hoặc những hình ảnh tương tự ra để dọa con như mẹ tôi từng dọa các anh em tôi).

Gần đây về quê dự đám giỗ, tình cờ nghe cô cháu gái hù đứa con ba tuổi lười ăn: “Ăn lẹ đi. Con không ăn là ông Kẹ bắt đó”, tự nhiên tôi phì cười nhớ lại chuyện cũ và lẩn thẩn nghĩ: Mẹ tôi, và những người mẹ thôn quê khác có lẽ nhiễm thói quen của xã hội nông thôn thời trước, thời các thế lực thần quyền vẫn còn ám ảnh và ngự trị trong tâm thức người Việt, và chuyện người lớn đem những thứ đáng sợ ra để hăm dọa, răn đe con nít cũng bình thường như người ta vẫn thích dọa ma những kẻ yếu bóng vía.

Nhưng rồi nghĩ tới cách dạy con của những người cha nghiêm khắc ở quê tôi, tôi có cảm giác ý nghĩa của “câu chuyện ông Kẹ” có một kích thước rộng lớn hơn. Ở đây tình mẫu tử có dính líu vào: Thoạt đầu chỉ là dọa dẫm để đứa con chịu ăn, chịu tắm, chịu ngủ, nhưng khi đứa con đủ lớn để ăn đòn, người mẹ lại nhờ cậy tới ông Kẹ để con cái biết sợ mà không làm những chuyện lỗi lầm để rồi sau đó bị trừng phạt bằng những buổi quỳ gối úp mặt vô tường dài lê thê hay những lằn roi dọc ngang trên mông đít.

Thời bây giờ, nhất là ở thành phố, ít ai dạy con bằng roi vọt. Ờ, nếu bạn không thường xuyên đánh con, vợ bạn cậy nhờ tới ông Kẹ làm chi.

Vậy, phải chăng cái hình ảnh có bề ngoài hung dữ kia lại kín đáo chứa bên trong nó tấm lòng dịu hiền bao la mà người mẹ âm thầm ký thác? Nếu đúng vậy thì tôi (và những đứa em tôi, cả những đứa bạn thời thơ ấu của tôi) phải... cảm ơn ông Kẹ!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục