Rạp chiếu phim: “Chết” trên sân nhà?

Một thực tế hiển nhiên hiện nay, các cụm rạp hoành tráng, hiện đại có vốn đầu tư nước ngoài đang lấn lướt và có tốc độ phát triển như vũ bão trên khắp mọi miền đất nước. Trong khi đó, những rạp chiếu phim trong nước và các cụm rạp có vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đang chật vật cầm cự để không bị… phá sản!
Rạp chiếu phim: “Chết” trên sân nhà?

Một thực tế hiển nhiên hiện nay, các cụm rạp hoành tráng, hiện đại có vốn đầu tư nước ngoài đang lấn lướt và có tốc độ phát triển như vũ bão trên khắp mọi miền đất nước. Trong khi đó, những rạp chiếu phim trong nước và các cụm rạp có vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đang chật vật cầm cự để không bị… phá sản!

Cú hích từ rạp ngoại

Những năm đầu 2000, khi điện ảnh Việt trở nên èo uột, việc đầu tư làm phim cầm chừng, cũng là lúc hàng loạt rạp chiếu phim tại TPHCM do nhà nước quản lý lần lượt bị xóa tên để thay vào đó là các trung tâm mua sắm, cao ốc văn phòng, siêu thị, trung tâm tiệc cưới hoặc tệ hơn thì bỏ hoang. Đúng lúc đó, sự xuất hiện của cụm rạp MegaStar (2005) với 80% vốn đầu tư nước ngoài, với việc nhập hàng loạt phim bom tấn của Hollywood vào trình chiếu trong những cụm rạp này đã tác động để thị trường điện ảnh trong nước có được sinh khí mới, khán giả cũng bắt đầu chịu khó đến rạp xem phim sau thời gian quay lưng.

Các cụm rạp Galaxy với nhiều chương trình ra mắt phim thu hút khán giả

Tiếp ngay sau MegaStar là sự có mặt của Lottecinema bằng việc mua lại cụm rạp Diamond tại trung tâm quận 1 vào tháng 5-2008 và cuối năm đó đã khai trương thêm cụm rạp Lotte Cinema Nam Sài Gòn. Đây cũng là thời gian, một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường xây dựng cụm rạp hiện đại và cụm rạp hiện đại đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế có vốn đầu tư hoàn toàn của doanh nghiệp trong nước. Điển hình là cụm rạp Galaxy Nguyễn Du (năm 2005), sau đó là cụm rạp BHD 3/2; nhưng không thể cạnh tranh với MegaStar về vốn đầu tư, về số lượng các đầu phim ngoại thuộc hàng bom tấn được trình chiếu tại các cụm rạp này, nên vẫn chưa thu hút được nhiều khán giả. Doanh thu vì thế cũng còn rất khiêm tốn.

Rõ ràng, sự xuất hiện của các “đại gia” nước ngoài kinh doanh rạp, nhập khẩu nhiều phim “bom tấn” đã là cú hích cho hoạt động sản xuất phim trong nước và khiến một bộ phận doanh nghiệp Việt quyết định tham gia thị trường kinh doanh rạp, dù biết đây là cuộc cạnh tranh chật vật, khó khăn!

Khán giả xếp hàng xem phim tại các cụm rạp Galaxy, BHD.

Rạp Việt luôn… yếm thế!

Giờ đây Galaxy, ngoài cụm rạp ở Nguyễn Du đã có thêm cụm rạp ở Nguyễn Trãi, Kinh Dương Vương, Tân Bình và tháng 12 tới đây sẽ có thêm cụm rạp mới ở Quang Trung (Gò Vấp). BHD cũng đã có thêm cụm rạp tại tòa nhà Bitexco và cuối năm nay sẽ có thêm cụm rạp tại quận 8. BHD cũng có kế hoạch mở rộng cụm rạp ra Hà Nội. Mặc dù hoạt động rạp của các doanh nghiệp Việt Nam có khởi sắc, phim Việt giờ đây đã sản xuất đều đặn và có chiều hướng gia tăng về số lượng; các cụm rạp Galaxy, BHD đã tạo dựng được thương hiệu và mở rộng hơn về quy mô, nhưng vẫn luôn yếm thế trước MegaStar. Một số đại diện của các doanh nghiệp Việt kinh doanh rạp cho biết, họ phải chịu mức thuế doanh nghiệp như hết thảy các ngành kinh doanh khác mà không được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi nào, dù kinh doanh văn hóa được xem là một ngành đặc thù. Trước đây, doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế doanh nghiệp 25%, từ năm 2014 mức thuế giảm còn 22% và theo quy định của nhà nước, đến năm 2016 còn 20%. Trong khi đó, theo họ tìm hiểu, phía doanh nghiệp nước ngoài được hưởng chế độ ưu đãi miễn - giảm thuế. Hoạt động kinh doanh cùng một ngành nghề, nhưng vốn đầu tư ít hơn, thuế đóng cao hơn, nên các doanh nghiệp Việt luôn ở thế lao đao!...

Mới đây, MegaStar đã bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho CJ-CGV (thuộc Tập đoàn CJ Group Hàn Quốc). Với thế mạnh của một doanh nghiệp đã có thâm niên trong việc kinh doanh ngành giải trí, vốn đầu tư “khủng”, khả năng CJ-CGV thâu tóm, chi phối thị trường chiếu phim, sản xuất phim tại Việt Nam là không mấy khó khăn. Lãnh đạo một doanh nghiệp Việt tâm sự: “Chúng tôi làm vì đam mê, vì yêu nghề. Khi nào mệt mỏi, khó khăn quá thì bán đi thôi. Chúng tôi đã chiến đấu hết sức, nhưng luôn trong tình trạng thua thiệt, nên nếu thất bại, cũng là… bình thường!”.

Chỉ mấy tháng sau khi tiếp quản, từ 10 cụm rạp trước đây, CGV đã liên tục khai trương các cụm rạp mới và hiện nay đang có trong tay 16 cụm rạp tại 10 tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ phát triển nhanh các cụm rạp, CJ E&M (một nhánh khác của CJ Group) bắt tay tham gia đầu tư sản xuất phim cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Đó là các dự án phim điện ảnh Để Hội tính, Chuyện 3 cô nàng và 36 tập phim truyền hình Tuổi thanh xuân hợp tác với VTV, với phần góp vốn 50% cho các dự án này.

Phía Lotte Cinema sau gần 6 năm hoạt động cũng đang điều hành tổng cộng 12 cụm rạp ở các thành phố lớn trên cả nước. Vào cuối năm nay, Lotte Cinema sẽ cho ra mắt thêm 4 cụm rạp chiếu phim mới tại Huế, Hạ Long, Vũng Tàu và Cần Thơ. Đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam, cũng là kế hoạch trong tương lai gần của Lotte Cinema.

“Cơn lốc” Hàn Quốc

Sự lớn mạnh về độ đầu tư, ưu thế nhập phim ngoại hạng A của Tập đoàn CJ và nếu có sự “bắt tay” giữa tập đoàn này và Lotte Cinema tại thị trường Việt Nam, chắc chắn các doanh nghiệp Việt kinh doanh cùng ngành sẽ đứng trước một cuộc cạnh tranh mà họ biết rõ “phần thắng thuộc về kẻ mạnh” - lời khẳng định của một doanh nghiệp Việt. Không chỉ doanh nghiệp Việt, ngay cụm rạp Platinum (vốn đầu tư của Indonesia) - hiện đang có 5 cụm rạp tại Việt Nam (trong đó có 4 cụm tại Hà Nội và 1 tại Nha Trang) cũng khó có “cửa” cạnh tranh nổi với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Khán giả Việt ngày nay dễ dàng xem phim Hàn Quốc trên sóng truyền hình (HTV, VTV), mua bán hàng trên kênh SCJ Life On (liên doanh giữa Công ty CJO Shopping - một công ty con của CJ và Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist). Thời gian qua Tập đoàn CJ còn có tham vọng mua cổ phần một công ty văn hóa Việt Nam, dù hiện nay vẫn chưa có kết quả chính thức… Nhưng dù kết quả thế nào, việc chuyển nhượng, mua bán thời gian qua của Tập đoàn CJ tại Việt Nam đã cho thấy, CJ đang đẩy mạnh chính sách đầu tư văn hóa vào Việt Nam.

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang được đánh giá là tiềm năng rất lớn và đầy sức hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài. Nên nếu các doanh nghiệp Việt kinh doanh cùng ngành không có sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước về chính sách thuế, về việc đầu tư sản xuất phim, về chiến lược - quy định thời gian phát hành phim; cơ quan quản lý không có quy định cụ thể về số lượng phim ngoại nhập vào từng tháng; e rằng điện ảnh Việt nói chung và hoạt động của các cụm rạp do doanh nghiệp Việt đầu tư sẽ phải đối mặt với viễn cảnh “chết lâm sàng” ngay trên sân nhà!

NHƯ HOA - VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục