Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM: Một tầm vóc lịch sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM tuy mới được thành lập cách đây 35 năm (ngày 9-7-1979) nhưng ngôi nhà để làm bảo tàng hiện nay đã được xây dựng từ rất lâu (khởi công từ năm 1862, hoàn thành năm 1863). 35 năm - khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn, nơi đây đã lưu giữ phác họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ tài ba, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, góp phần khẳng định với thế giới một tầm vóc, một sức mạnh không gì lay chuyển, đó là sức mạnh Việt Nam.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM: Một tầm vóc lịch sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM tuy mới được thành lập cách đây 35 năm (ngày 9-7-1979) nhưng ngôi nhà để làm bảo tàng hiện nay đã được xây dựng từ rất lâu (khởi công từ năm 1862, hoàn thành năm 1863). 35 năm - khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn, nơi đây đã lưu giữ phác họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ tài ba, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, góp phần khẳng định với thế giới một tầm vóc, một sức mạnh không gì lay chuyển, đó là sức mạnh Việt Nam.

Nơi lưu dấu mang tầm lịch sử

Trước, ngôi nhà này là trụ sở của Tổng đại diện Công ty Hải vận Hoàng đế (Messageries Impériales) phụ trách tuyến đường Viễn Đông, được Chính phủ Pháp chỉ định xây dựng một chi nhánh tại Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp có hai tầng, phần trên nóc nhà có hai con rồng bằng gốm men xanh thanh mảnh, uốn khúc mềm mại, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” - một kiểu trang trí rất quen thuộc của đình chùa Việt Nam.

Với kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở này còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1870, công ty này được đổi tên là Công ty Vận tải Hàng hải (Messageries Maritimes). Công ty đã thay thế mặt trăng trên nóc nhà bằng biểu tượng của công ty - là vương miện, mỏ neo và đầu ngựa; có lẽ chính vì vậy mà công ty còn được gọi là Hãng Đầu Ngựa.

Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn trong đó có Nhà Rồng được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Năm 1965, Nhà Rồng được quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Rồng thuộc Cục Đường biển Việt Nam quản lý.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải xem mẫu phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: LÊ MINH

Và, sẽ không có gì đáng nói nếu Nhà Rồng chỉ là một ngôi nhà mang kiến trúc Đông Tây kết hợp độc đáo, chỉ là một trong những ngôi nhà đầu tiên được Chính phủ Pháp xây dựng tại Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay; mà nơi đây lưu lại một dấu ấn mang tầm lịch sử: ngày 5-6-1911, Bến Nhà Rồng và Cảng Sài Gòn đã thay mặt nhân dân cả nước tiễn đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Chính từ sự kiện lịch sử trọng đại đó cùng với tình cảm tha thiết của đồng bào miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-7-1979, UBND TPHCM đã ra Quyết định số 1315/QĐ-UB khôi phục Nhà Rồng thành Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức khánh thành đúng vào ngày 3-9-1979 nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Người.

Năm 1995, UBND TPHCM đã chính thức đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu những tư liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

35 năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đã không ngừng nỗ lực để từng bước lớn lên về mọi mặt. Tuy bị khống chế bởi diện tích và cấu trúc cơ bản của một trụ sở làm việc, nhưng nơi đây đã xây dựng được một bảo tàng lưu niệm danh nhân với 6 kho bảo quản, lưu giữ gần 20.000 tài liệu hiện vật; xây dựng một hệ thống trưng bày phong phú gồm 7 phòng, 9 gian và một phần trưng bày ngoài trời; phản ánh khá đầy đủ và sinh động những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cùng tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

Bảo tàng còn định hướng sưu tầm những hiện vật liên quan đến tình cảm của nhân dân, đặc biệt là tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ. 15 năm gần đây, bảo tàng đã phối hợp liên kết với các cơ quan, đơn vị và các bảo tàng bạn trong việc tổ chức các đợt sưu tầm và khảo sát hệ thống đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng sau khi Người qua đời; các ngôi chùa, đình có thờ di ảnh, di tượng Người tại các tỉnh thành Nam bộ... Nhờ đó, những “khoảng trống” trong hệ thống trưng bày đã được lấp dần bằng những hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị và ngày càng phục vụ hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền giáo dục.

Đến nay, toàn bộ hiện vật bảo tàng đã được ghi chép, lập hồ sơ; các dữ liệu hiện vật được đưa vào phần mềm quản lý. Bảo tàng còn xây dựng được một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 5.000 cuốn sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và do các tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ độc giả dưới dạng thư viện mở. Trung bình mỗi năm, bảo tàng phục vụ khoảng 350.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn cao cấp Đảng, Nhà nước, quốc tế đến thăm viếng, tìm hiểu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục