Người ghi lại khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh

Nhà Xuất bản Thế Giới thực hiện một cuốn sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Những phiên bản đầu tiên bằng tiếng Việt, Anh và Pháp của cuốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc bình dị vừa được phát hành. Cuốn sách gồm 117 bức ảnh của đại tá - nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (ảnh), cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân được lấy tên theo triển lãm riêng, đầu tiên của ông về Đại tướng, tổ chức tại Quảng Bình năm 2006. Cuốn sách được nữ ký giả Mỹ Lady Borton viết lời giới thiệu. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Người ghi lại khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh
Người ghi lại khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh ảnh 1

Nhà Xuất bản Thế Giới thực hiện một cuốn sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Những phiên bản đầu tiên bằng tiếng Việt, Anh và Pháp của cuốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc bình dị vừa được phát hành. Cuốn sách gồm 117 bức ảnh của đại tá - nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (ảnh), cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân được lấy tên theo triển lãm riêng, đầu tiên của ông về Đại tướng, tổ chức tại Quảng Bình năm 2006. Cuốn sách được nữ ký giả Mỹ Lady Borton viết lời giới thiệu. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

° Phóng viên: Qua cuốn sách này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới bạn đọc khắp thế giới?

° Ông TRẦN HỒNG: Điều tôi cảm thấy thú vị nhất ở cuốn sách này là đằng sau những bức ảnh tôi đều có thông tin tư liệu dày đặc - thói quen của người làm báo. Có những bức ảnh được tôi chú thích dài cả trang giấy, những thông tin mà người xem rất cần.
 
° Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, ông có nói ý tưởng của mình về cuốn sách này với Đại tướng không?

° Khi làm bìa cuốn sách, tôi đã thấy thích rồi, thích với hình ảnh Đại tướng đang ngồi chơi đàn, một cái gì đó rất gần gũi, đời thường. Bà Lady Borton - một người Mỹ, bạn của gia đình - cầm bìa lên và nói: “Anh Hồng ơi, anh có thể chưa ra cuốn sách này, hoặc thậm chí không ra cuốn sách này nhưng những bức ảnh như thế này cho Đại tướng hoặc những người cao tuổi xem họ sẽ rất thích. Nó có thể có giá trị kích hoạt mọi chức năng trong cơ thể giúp Võ Nguyên Giáp khỏe thêm!”. Và tôi làm theo lời bà Lady Borton. Khi Đại tướng cầm xem, ông ôm chặt tấm ảnh và không cho tôi mang về nữa, kể cả khi cô y tá hàng ngày chăm sóc ông nói để tác giả cầm về, khi nào sách hoàn thành sẽ gửi lại ông, ông cũng không đồng ý.

° Ông bắt đầu chụp ảnh Đại tướng từ khi nào?

° Năm 1973, tôi bắt đầu chụp Đại tướng. Khi đó, tôi mới ra trường, làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Tôi cảm thấy mình còn non nớt, trong khi Đại tướng là một người quá vĩ đại. Tôi không tự ti, rất tự tin, nhưng tự tin đến mấy cũng không đạt được điều mình muốn. Dần dần đọc tài liệu, đặc biệt là tài liệu nước ngoài nói về Đại tướng và tiếp xúc với các cựu chiến binh, đồng đội của ông, tôi cảm thấy Việt Nam có một con người tuyệt vời mà mình - một người thích chụp chân dung, cớ gì không chụp ông. Và tôi tìm cách tiếp cận. Càng tiếp cận, tôi càng cảm thấy sự hấp dẫn ở mọi khía cạnh từ hình dáng, đặc biệt là phẩm chất của Đại tướng. Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, ông cũng bộc lộ phẩm chất con người Việt Nam đẹp nhất. Vậy là tôi tận dụng mọi cơ hội để được chụp ảnh Đại tướng…

°  Theo ông, lúc nào là khó và dễ nhất khi chụp ảnh Đại tướng?

° Đứng trước Đại tướng bất kỳ một đối tượng nào cũng đều nhập cuộc rất nhanh và có một sự giao cảm rất mạnh. Đấy là cái tài của ông. Đại tướng có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Ở ông có một điều duy nhất là khi ông tiếp xúc với ai, có một sự bộc lộ rõ: không phải Võ Nguyên Giáp và một người đẳng cấp khác mà là hai con người, hai tâm hồn đang trao đổi. Có bộc lộ rõ như thế, đối tượng giao tiếp với ông mới có thể nói chuyện thật lòng, xóa bỏ hết mọi cách trở, cấp trên cấp dưới, giàu sang nghèo hèn. Đấy là cái dễ nhất khi chụp ảnh Đại tướng. Còn khó ư? Rất nhiều, đặc biệt khi phải tìm cách tiếp cận đến tận cùng bản chất sự vật.

Khi tôi đưa Đại tướng xem ảnh đen trắng, ông hỏi sao giờ vẫn chụp loại ảnh này, tôi nói: “Thưa Đại tướng, bây giờ người ta chỉ yêu thích ảnh màu vì ảnh màu bắt mắt, nhưng với tôi ảnh màu có thể đánh lừa người xem, còn ảnh đen trắng rõ ràng, minh bạch, đi đến tận cùng của bản chất sự vật”. Rồi ông bảo: “Hay, hay, bất kỳ cái gì, dù to dù nhỏ, cậu cũng phải đi đến tận cùng của sự vật, sự việc đấy. Khi chưa tìm ra được bản chất thì làm bất kỳ cái gì cũng có thể đánh giá sai về nó”. Suốt cuộc đời, Đại tướng là người luôn trong quân phục nhà binh. Lần nào tôi giơ ống kính lên mà ông chưa mặc quân phục là ông không đồng ý. Trong khi tôi là người luôn luôn đi ngược lại cái sự không đồng ý của ông nên cái đấy là cái khó nhất. Tôi muốn chụp ông ở trạng thái không mặc quân phục vì tôi muốn nói đến cái ý muốn của mình.
 
° Ông có thể kể một vài kỷ niệm của mình với Đại tướng?

°  Trong cuộc đời cầm máy của tôi, có hai đối tượng bất kể lúc nào cũng đầy kỷ niệm, khiến tôi giơ máy lên có thể chụp ngay là chân dung các bà mẹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước ống kính của tôi, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện, gần như tôi quên hết, chỉ tập trung quan sát dung nhan, diện mạo, sự thay đổi tính tình của ông, đặc biệt là đôi mắt. Đôi mắt quá đẹp, gần như đôi mắt biết nói ấy nó mách bảo cho tôi khi nào ông không vui, khi nào ông đang hưng phấn, giúp tôi có thể ghi lại những khoảnh khắc ấy. Bức ảnh Nhớ Bác có thể là bức đạt nhất trong gần 2.000 ảnh mà tôi thấy đạt. Khi đấy là khoảng 11 giờ 30 trưa một ngày của năm 1996, sau khi các anh em trong văn phòng của Đại tướng đã về hết, máy ảnh tôi đã bỏ túi định ra về thì tôi thấy Đại tướng đi từ trong văn phòng ra. Ông đi rất chậm đến gần bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng gỗ. Khi đi đến gần bức tượng, khuôn mặt của ông thay đổi rõ rệt, tôi nhận thấy ông đang có một tâm trạng. Nghề nghiệp mách bảo tôi lấy máy ảnh ra chụp ngay. Chụp được 3 kiểu, đến kiểu thứ 4, mắt của tôi nhòe lệ không chụp được nữa.

Sau này khi xem ảnh, thư ký của Đại tướng - đại tá Nguyễn Huyên, nói: “Có lẽ ông Giáp đến xin thêm một năng lượng từ người thầy của mình, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh” và vì thế tôi đặt tên bức ảnh là Nhớ Bác. Khi xem bức ảnh này, Đại tướng lại ghé tai tôi và nói: “Em ơi, anh rất thích cái này!” rồi ký và tặng tôi. Với bức ảnh này, ít nhất hai lần Đại tướng nói với tôi như vậy! Đại tướng có nhiều cử chỉ lạ lắm. Có lần, tôi theo ông lên miền núi phía Bắc, khi chụp ông đang gặp gỡ và nói chuyện với đồng bào dân tộc, ông quay lại nói với tôi: “Hôm nay mình bất lịch sự với Trần Hồng, mình nói với đồng bào bằng tiếng dân tộc nên cậu không nghe và không hiểu được”. Ôi, sao tôi thấy ông quá gần gũi!

° Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH CHI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục