Nồng nàn Giai điệu quê hương

Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TPHCM lần thứ XIV năm 2014 do Trung tâm Văn hóa (TTVH) TPHCM và TTVH quận 3 phối hợp tổ chức, khép lại với bao cảm xúc lắng đọng trong lòng khán giả và gần 800 diễn viên, nghệ sĩ không chuyên đang sinh hoạt tại các CLB, đội nhóm ca, múa thuộc các TTVH 24 quận huyện và Cung Văn hóa Lao động TPHCM.
Nồng nàn Giai điệu quê hương

Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TPHCM lần thứ XIV năm 2014 do Trung tâm Văn hóa (TTVH) TPHCM và TTVH quận 3 phối hợp tổ chức, khép lại với bao cảm xúc lắng đọng trong lòng khán giả và gần 800 diễn viên, nghệ sĩ không chuyên đang sinh hoạt tại các CLB, đội nhóm ca, múa thuộc các TTVH 24 quận huyện và Cung Văn hóa Lao động TPHCM.

Giải nhất tiết mục múa “Huyền thoại PaDi” - TTVH quận 6.

Sức hút

Qua 30 năm với 14 lần tổ chức, liên hoan đã trở thành điểm hẹn giao lưu, biểu diễn ca múa nhạc dân gian dân tộc hấp dẫn dành cho đối tượng là các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ không chuyên, thành viên các CLB đội nhóm ca - múa - nhạc dân tộc trực thuộc các đơn vị TTVH quận huyện, có năng khiếu và yêu thích các loại hình ca múa nhạc dân tộc của TP.

Cũng thông qua liên hoan, các đơn vị văn hóa cơ sở lại có dịp tìm kiếm, giới thiệu và phát huy các nhân tố mới, các tài năng trẻ - đội ngũ những hạt nhân phong trào văn hóa nghệ thuật ở từng địa phương, nhiệt tình, năng động, yêu nghệ thuật dân tộc, tích cực góp phần đẩy mạnh hoạt động của phong trào văn hóa các cấp. Hơn thế nữa, liên hoan góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể: dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng các dân tộc trên khắp ba miền đất nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.

Từ những câu ca quan họ Đường về quê Bác, dân ca Thái Inh lả ơi, dân ca Bắc bộ Bèo dạt mây trôi, dân ca Thanh Hóa Đi cấy, dân ca K’Ho Bình minh nương rẫy, dân ca Nam bộ Lý cây gòn, Lý dĩa bánh bò, Lý bằng răng… đến các tác phẩm ca múa mang âm hưởng dân ca, dân gian ngọt ngào Đau lòng lý ngựa ô, Mộc, Huyền thoại PaDi, Mùa gánh, Tự tình lý cây bông, Về thăm cô gái làng Chăm, Người đẹp Mường then, Mười thương làng xóm quê mình, Con cò, Hoa cau vườn trầu, hay Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Tiếng nguyệt cầm… tất cả đã giúp khơi gợi trong tâm tưởng người xem, người diễn, bao khoảnh khắc sâu lắng, chất chứa những nỗi niềm và tình yêu nồng ấm dành tặng quê hương, đất nước.

Bên cạnh những câu hò, điệu múa dân gian, dân tộc, những ca khúc về tình yêu đất nước, yêu biển đảo quê hương như: Hành trình vì biển đảo quê hương, Biển Đông dậy sóng, Gửi người chiến sĩ biên cương, Ngày hội non sông, Đất nước Tiên Rồng… cũng được các diễn viên biểu diễn sống động.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết: “Những ca khúc về biển đảo, đất nước, Tổ quốc đã thể hiện đậm nét tình yêu quê hương, đất nước, yêu cội nguồn dân tộc. Tại liên hoan năm nay, sự quan tâm đầu tư của các đơn vị quận huyện, nhất là các huyện ngoại thành, đã tạo nên không khí liên hoan đa sắc, hấp dẫn và chất lượng”.

Đẩy mạnh phong trào văn hóa nghệ thuật cơ sở

Ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM, Trưởng ban tổ chức liên hoan, chia sẻ: “Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương năm nay đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, dân tộc và phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng của TP. Sự thành công của liên hoan lần này là nhờ các đơn vị tham gia liên hoan đã đầu tư nghiêm túc cho các tiết mục, từ việc dàn dựng, lựa chọn âm nhạc, tác phẩm biểu diễn, thiết kế trang phục, xây dựng cảnh trí… tất cả đã góp phần tạo nên hiệu quả về chất lượng.

Đặc biệt, liên hoan quy tụ được gần 800 diễn viên từ 16 đến 76 tuổi tham gia rất nhiệt tình, hăng hái, góp sức tạo nên một không gian biểu diễn nghệ thuật có chất lượng chuyên môn tốt, nhất là các đơn vị TTVH quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè…”.

Đoạt giải nhất tiết mục múa độc lập Huyền thoại PaDi, biên đạo múa Lê Việt - CLB múa dân gian Phương Việt - TTVH quận 6, bộc bạch: “Liên hoan đã chuyển tải ý nghĩa rất tốt trong đời sống văn hóa cộng đồng xã hội là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là sân chơi nghệ thuật thú vị và hấp dẫn dành cho giới trẻ yêu thích nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, dân tộc.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, với tiêu chí mới: các đơn vị tham gia liên hoan chỉ với 3 tiết mục lẻ, không dàn dựng thành một chương trình có chủ đề xuyên suốt, đã cho chúng tôi một cảm giác về sự kém hoành tráng, quy mô của liên hoan như những năm trước… Với giải nhất đã đạt được, tôi nghĩ, có lẽ một phần do tiết mục múa Huyền thoại PaDi có nét mới lạ hơn so với những tiết mục múa khác”.

Liên hoan vẫn còn thiếu sự độc đáo, mới lạ về những điệu múa, câu dân ca - những chất liệu nghệ thuật còn tiềm ẩn trong đời sống dân gian, vẫn chưa được khai thác, tìm tòi và quảng bá nhiều. Bên cạnh đó, vẫn còn xuất hiện số bài hát chưa mang tính dân tộc, chưa khai thác tốt về thang âm, điệu thức của dân tộc và hiếm hoi những tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc… Lượng khán giả đến xem chương trình này còn quá ít cũng là điều trăn trở cho ban tổ chức.

Những dư âm tiếc nuối, những âu lo còn vương mang tâm tư không ít khán giả, diễn viên, những người làm công tác văn hóa và những ai quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian dân tộc truyền thống này.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục