Truyền thông và “fan cuồng”

Cụm từ “fan cuồng K-pop” đã không còn xa lạ với xã hội hiện nay. Làn sóng nhạc Hàn tràn vào Việt Nam khiến không ít bạn trẻ phát cuồng vì hâm mộ, thậm chí bất chấp những việc làm trái đạo đức và vi phạm pháp luật. Hiện trạng này, có một phần trách nhiệm của truyền thông và định hướng giáo dục của gia đình.

Có thể dễ dàng nhận thấy, rất nhiều ấn phẩm báo chí dành cho thanh thiếu niên chứa nhiều nội dung nói về các nhóm nhạc, ca sĩ, diễn viên… thần tượng Hàn Quốc, trong đó đặc biệt có khá nhiều tờ báo, tạp chí dành riêng cho tuổi teen đều có những mục riêng với nội dung liên quan đến các ngôi sao thần tượng Hàn Quốc trong tất cả các kỳ báo với những tấm hình bắt mắt, được chỉnh sửa kỹ lưỡng. Những tạp chí này thu hút được nhiều độc giả thiếu niên, trước hết bởi tác động ấn tượng thị giác. Ngoài báo in, tạp chí, các bạn trẻ còn thường xuyên tiếp xúc với những “thần tượng” trên các kênh truyền hình, Internet.

Hiện truyền thông Việt Nam đang lạm dụng đăng tải thông tin về các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc. Những thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến các em bị choáng ngợp bởi những “ánh hào quang” của các thần tượng. Việc này đã có những tác động xấu đến nhận thức, thái độ và tình cảm của các em, khiến nhiều thanh thiếu niên hâm mộ thái quá và thậm chí là phát cuồng thần tượng của mình. Cũng vì quá hâm mộ thần tượng K-pop mà các em quay lưng với âm nhạc nước nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà các ngôi sao K-pop lại nổi đình nổi đám khắp châu Á, thậm chí được biết đến trên toàn thế giới và được giới truyền thông săn lùng tin tức. Riêng ở Việt Nam, có rất nhiều trang mạng dành cho người hâm mộ được lập cho những người hâm mộ các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn.

Riêng đối với nhóm EXO, trên mạng xã hội facebook có Hội những người phát cuồng vì EXO, Hội những người suốt đời yêu EXO và vô số những hội, nhóm khác. Bàn về sức hút của các thần tượng K-pop, trước hết phải nói đến tài năng của các ngôi sao này, bao gồm giọng hát, kỹ năng biểu diễn và biên đạo. Cả ba điều này đều được kết hợp một cách chuyên nghiệp trong những sản phẩm âm nhạc của họ. Bên cạnh đó, những sản phẩm này còn được quảng bá một cách rộng rãi trên toàn thế giới.

Trong xã hội hiện đại, việc giao lưu văn hóa với nước ngoài là điều không tránh khỏi. Đó hoàn toàn là việc làm tốt nếu chúng ta biết chọn lọc để tiếp thu những tinh hoa quốc tế bổ sung cho kho tàng văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, bản thân những người làm truyền thông cũng phải biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đất nước. Đối với các ấn phẩm văn hóa giành cho thanh thiếu niên, càng cần đặt nặng tính giáo dục cho các em về tình yêu với văn hóa văn nghệ dân tộc.

Bên cạnh đó, truyền thông Việt Nam cũng cần học tập giới giải trí Hàn Quốc trong việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho những nghệ sĩ có tài năng của nước nhà để họ vươn tầm ra thế giới...

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục