Nhiếp ảnh kết nối yêu thương

Sau hàng chục năm lên núi xuống biển, nghệ sĩ Lê Ngọc Minh chọn lọc trình làng 60 bức ảnh trong triển lãm Tiếng vọng Biển - Rừng tại thành phố Tuy Hòa, do UBND tỉnh Phú Yên và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ, khai mạc ngày 28-3-2015.
Nhiếp ảnh kết nối yêu thương

Sau hàng chục năm lên núi xuống biển, nghệ sĩ Lê Ngọc Minh chọn lọc trình làng 60 bức ảnh trong triển lãm Tiếng vọng Biển - Rừng tại thành phố Tuy Hòa, do UBND tỉnh Phú Yên và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ, khai mạc ngày 28-3-2015.

Lê Ngọc Minh sinh năm 1963, quê anh ở cuối dòng sông Đà Rằng, tức hạ lưu sông Ba. Anh từng dạy học, làm công tác thanh niên trước khi chuyển sang ngành văn hóa, du lịch. Lê Ngọc Minh từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh cá nhân, trong đó có bốn bộ ảnh được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ là Trái tim tình nguyện năm 2003 (50 ảnh), Phú Yên quê hương tôi năm 2006 (50 ảnh), Hương sắc Phú Yên năm 2009 (50 ảnh) và Tiếng vọng Biển - Rừng năm 2015 (60 ảnh). Đồng thời, bộ ảnh Kỳ thú gành Đá Đĩa của anh cũng được trao giải bình chọn nhiều nhất cuộc thi “Dấu ấn Việt Nam 2009” do Tổng cục Du lịch bảo trợ. Trước đó anh còn có Gành Đá Đĩa quê tôi được chọn là bộ ảnh đẹp nhất cuộc thi Quê hương trong mắt tôi do tạp chí Thế giới văn hóa tổ chức năm 2005. Ngoài ra, anh còn có nhiều tác phẩm được trao các giải thưởng quan trọng khác.

Bộ ảnh sống động Tiếng vọng Biển - Rừng của Lê Ngọc Minh triển lãm lần này không chỉ tái hiện vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng và biển cả, mà còn phát đi thông điệp để mọi người chung sức bảo vệ môi trường thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề. Lê Ngọc Minh tâm sự rằng, mỗi chuyến đi về với thiên nhiên anh được hòa mình vào nhịp sống với biết bao kỷ niệm vui buồn. Bên cạnh những phong cảnh đẹp, anh rất xót xa khi thấy những làng biển nên thơ với những bãi biển hoang sơ bên những ngọn đồi, gành đá nhấp nhô được kiến tạo tuyệt đẹp lại bị rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường, rừng xanh thì bị chặt phá một cách vô tội vạ. Ý tưởng triển lãm ảnh Tiếng vọng Biển - Rừng của anh hình thành từ những chuyến đi ấy.

Là một nghệ sĩ yêu quê hương sâu nặng, ngoài thông điệp bảo vệ môi trường, Lê Ngọc Minh còn thể hiện những vẻ đẹp biển rừng Phú Yên hết sức độc đáo. Anh nói: “Con người hôm nay có thiên hướng quay về với thiên nhiên, muốn có những giây phút thư giãn, nghỉ dưỡng, vui chơi giữa phong cảnh hoang sơ trong lành. Tôi nghĩ biển rừng Phú Yên là điểm đến thật lý tưởng. Ngoài những địa danh nổi tiếng như gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, Mũi Điện, Vũng Rô, Đèo Cả, Ô Loan, Sông Cầu, Đập Đồng Cam… thì biển rừng Phú Yên còn nhiều nơi rất đẹp và hoang sơ cần khám phá. Muốn thu hút được du khách thì chính người Phú Yên cần phải biết trân trọng, bảo vệ những giá trị thiên nhiên quý giá mà mình đang có”.

Ngoài tài năng nhiếp ảnh, Lê Ngọc Minh còn có khả năng tập hợp, tổ chức sáng tác cho những người yêu nhiếp ảnh và có năng khiếu nghệ thuật. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Ba trực thuộc Hội VHNT tỉnh Phú Yên, do anh khởi xướng và đứng đầu, đã có nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm và xã hội từ thiện đáng trân trọng. Anh cho rằng, nếu chỉ biết tìm cái đẹp cho mình hay sáng tác những tác phẩm chỉ phục vụ riêng giới nghệ sĩ là chưa đủ. Vì vậy, trong những chuyến đi thực tế anh còn quan tâm đến những cụ già cô đơn nghèo khó, những em bé mồ côi, những phụ nữ nghèo tần tảo lao động và những số phận bất hạnh khác. Hình ảnh đầy xúc động được anh kịp thời ghi lại bằng ảnh, rồi cùng anh em CLB Nhiếp ảnh Sông Ba mang đi vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. “Nhiếp ảnh không chỉ dừng lại ở nghệ thuật và kỹ thuật để tôn vinh nét đẹp cuộc sống, mà nhiếp ảnh còn có thế mạnh tạo nên cảm xúc lay động tình người để kết nối trái tim yêu thương” - anh giãi bày.

Trên hành trình nghệ thuật và nhân ái ấy có những hoàn cảnh làm Lê Ngọc Minh mất ngủ. Chẳng hạn trường hợp nghệ nhân Nay Y Thanh người dân tộc Ê Đê ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa không may bị tai nạn giao thông, gia đình quá nghèo không có tiền chữa trị. Nghe tin, anh cùng các thành viên CLB Nhiếp ảnh Sông Ba liền đến chụp ảnh Nay Y Thanh và đi vận động hỗ trợ, chỉ trong vài giờ đã nhận được ủng hộ hàng triệu đồng để người nghệ nhân nghèo có tiền đóng viện phí. Cảm động hơn là trường hợp Nguyễn Thị Mai ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa bị nhiễm HIV và bị mọi người xa lánh. Anh cùng các thành viên CLB đến thăm hỏi, động viên và đích thân anh ẵm cô gái ốm tong teo này lên để chụp ảnh đăng báo, kêu gọi hỗ trợ. Nhờ đó, chị Mai có tiền chữa bệnh và được gia đình, bà con láng giềng quan tâm chăm sóc hơn. Lê Ngọc Minh cho hay: “Thật kỳ diệu, sau một thời gian đặc trị và được mọi người yêu thương, bây giờ chị Mai đã lành bệnh, da dẻ hồng hào, trở thành người phụ nữ bình thường, hòa nhập cộng đồng, không còn ai xa lánh chị nữa”.

Lê Ngọc Minh tặng quà tết cho bà con dân tộc thiểu số nghèo

Bốn năm qua, mỗi dịp xuân về tết đến, nghệ sĩ Lê Ngọc Minh cùng CLB Nhiếp ảnh Sông Ba còn tổ chức chương trình “Bánh chưng yêu thương” giúp đỡ bà con nghèo ăn tết. Các thành viên vừa tự bỏ tiền túi vừa vận động các nhà hảo tâm, rồi đặt làm bánh chưng và mua thêm bánh trái mang đến tận các buôn làng hẻo lánh. Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, họ đã huy động được 400 suất quà, trị giá 200.000 đồng/suất mang đến tận miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Đồng thời, anh còn nảy ra sáng kiến chụp ảnh tặng cho bà con nghèo, nhất là những người già ở vùng cao vùng xa chưa được chụp ảnh bao giờ. Và chương trình chụp ảnh “Ấm áp mùa xuân” của CLB ra đời. Anh kể rằng, vào dịp cận Tết Nguyên đán 2013, một cụ già ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An đã rưng rưng nước mắt khi nhận được bức ảnh chân dung (khung 25cm x 20cm) của mình do CLB chụp tặng. Một cụ bà nói: “Từ xưa tới giờ, nay bà mới được chụp ảnh. Tấm ảnh này để thờ khi bà mất, bà cảm ơn các cháu”!

Vốn có nhiều gắn bó với vùng cao, Lê Ngọc Minh thổ lộ rằng núi rừng luôn có những bông hoa đẹp, nhưng những bông hoa ấy chỉ nở rồi tàn chứ mấy khi ta nhìn thấy để cảm nhận được vẻ đẹp lẩn khuất. Các thiếu nữ Ê Đê của núi rừng cũng vậy. Từ đó, anh không ngần ngại khó khăn đi tìm những đóa hoa rừng xinh đẹp để khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các em tham gia cuộc thi “Người đẹp Nguyên tiêu” qua ảnh nghệ thuật của Hội Thơ truyền thống tỉnh Phú Yên tại núi Nhạn, thành phố Tuy Hòa. Nhờ nỗ lực của anh, hai cô gái ở Sông Hinh là Hờ Pay ở buôn Thu đã đoạt giải “Người đẹp được yêu thích nhất” cuộc thi năm 2014 và Kpá Hờ Diên từ xã Eabia nhận giải “Người đẹp được yêu thích nhất” năm 2015.

Giữa lúc không ít nghệ sĩ bị “cuốn” trong dòng chảy kinh tế thị trường, để có được một nghị lực, tài năng và tấm lòng như Lê Ngọc Minh thật đáng quý. Đặc biệt từ triển lãm Tiếng vọng Biển - Rừng, hy vọng thông điệp mà anh phát đi sẽ góp phần thức tỉnh mỗi người trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên không chỉ ở Phú Yên.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục