Và nỗi nhớ của Xuân Thiều

Và nỗi nhớ của Xuân Thiều

Đại tá, nhà văn quân đội Xuân Thiều là một gương mặt văn học đặc sắc của nước ta. Ông có nhiều tác phẩm từng vinh dự đoạt các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 1-2001). Dường như những thành tựu văn chương của ông phần lớn ở lĩnh vực văn xuôi, mặc dù “mối tình đầu” của ông là thơ ca và ông cũng từng có nhiều bài thơ rất hay thời kháng chiến

Và nỗi nhớ của Xuân Thiều ảnh 1

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh lưu niệm với gia đình nhà thơ Xuân Thiều và Nhà hát ca múa nhạc Quân đội trong đêm nghệ thuật trình diễn những ca khúc được phổ từ thơ Xuân Thiều.

Mới đây, để tưởng nhớ 8 năm ngày mất của ông, NXB Văn học đã tái bản tập thơ Và nỗi nhớ - tập thơ duy nhất của đời văn thơ Xuân Thiều bao gồm nhiều bài thơ trước đây từng được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích và nhiều bài có mặt trong các tuyển tập thi ca của nước nhà…

Người viết bài này từng nhiều năm là một người lính. Nhớ mùa thi tốt nghiệp phổ thông năm ấy trước khi lên đường nhập ngũ vào mặt trận chiến đấu, khi nói về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong thơ ca, bên những câu thơ của Tố Hữu viết về người con gái miền Nam Trần Thị Lý: Em là ai cô gái hay nàng tiên?/ Em có tuổi hay không có tuổi?/ Mái tóc em hay là mây là suối?/ Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông” còn có 4 câu thơ khác cũng rất hay: Em đẹp như thơ mà thơ nào nói được!/ Đảng gọi tên em cô gái Việt Nam./ Anh gọi tên em nữ anh hùng đất nước./ Rất mực kiên trinh rất đỗi dịu dàng. Tôi được biết bốn câu thơ ấy cùng thơ Tố Hữu dường như đều được ghi trong sổ tay văn học của bất kỳ học trò nào thời ấy, và đều được học thuộc lòng.

Bốn câu thơ ấy, giờ đây tôi mới biết là của nhà thơ Xuân Thiều, trong bài thơ Gửi em gái xe thồ của ông, đã đi theo thế hệ chúng tôi suốt thời học trò và trên con đường ra trận. Giờ đây, bất chợt được gặp lại khi đọc tập thơ Và nỗi nhớ, hơn ai hết tôi hết sức xúc động nhớ lại những ngày tháng ấy…

Lại một bài thơ rất đặc sắc khác của ông là Trận địa trên cao từng được vào nhiều tuyển thơ. Thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa từng viết về bài thơ này:

“Có thể nói Xuân Thiều là một cây bút đa tài, ông làm thơ, viết văn, viết lý luận phê bình… Xuân Thiều có những bộ tiểu thuyết rất đặc sắc như Huế mùa mai đỏ sau này đổi tên thành Tư thiên, rồi những tập tiểu thuyết Thôn ven đường, đặc biệt là mảng truyện ngắn của ông. Có thể nói rằng, cái tài viết phê bình đã giúp cho Xuân Thiều có những tác phẩm rất đặc sắc và không nhạt. Cái tài thơ cũng lại giúp cho ông có được những bài thơ và kể cả văn xuôi của ông đều giàu chất dư ba.

Có lúc chúng ta từng nghe có người dẫn 4 câu thơ của ông:

Chiều sau trận đánh lau nòng pháo/ Tiếng cười ran dậy dãy Trường Sơn/ Giá mà kéo núi lên cao nữa/ Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”.

Nguyên bản là thế chứ không phải là Giá mà kéo pháo lên cao nữa - Kéo pháo vẫn chưa là gì, kéo núi mới mang khí phách lớn, mới mang chất Xuân Thiều! Và chính cái tài thơ của ông đã giúp ông có những tác phẩm giàu chất dư ba, nói như các cụ ta là “ý tại ngôn ngoại”, nghĩa là khi tác phẩm đã hết rồi mà vẫn chưa hết, nó vẫn tiếp tục mở ra về cõi vô biên, mở trong cái tâm hồn của người đọc. Và vì thế càng ngày càng khám phá, chúng ta càng tìm thấy những vẻ đẹp của Xuân Thiều…

Xuân Thiều là một người lính, nên thơ ca của ông những ngày tháng chiến đấu ấy như nhiều dòng thơ khác của những nhà thơ mặc áo lính ngày ấy là thường viết về cuộc đời và sứ mệnh người lính. Ông viết về niềm vui ngày đầu tiên được mặc quân phục, về đường hành quân qua quê hương, về bài ca trên đường ra trận… Xuyên suốt những dòng thơ ấy là giọng điệu trữ tình và anh hùng ca, không chỉ ngày ấy mà giờ đây đọc lại bạn đọc vẫn hết sức xúc động. Họa sĩ Văn Sáng, người họa sĩ trình bày và làm bìa cho hàng ngàn tập sách tập thơ của nước ta, khi đọc thơ Xuân Thiều để trình bày cũng phải thốt lên: “Thơ Xuân Thiều phải nói là hay” và chính từ cảm nhận ấy, họa sĩ đã trình bày một tập thơ thuộc loại rất đẹp trong công nghệ in ấn hiện nay!

Sinh thời, nhà thơ Xuân Thiều tâm sự về thơ của mình: “Đối với tôi, thơ là nỗi nhớ. Thật vậy, tôi là người viết văn xuôi, nhưng bắt đầu đi vào con đường văn học bằng thơ. Tôi mê thơ từ khi còn là học sinh tiểu học. Thuở nhỏ tôi đã đóng một cuốn vở dày để chép lại những bài thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả: Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thái Can... Và dĩ nhiên cũng tập tọe làm thơ. Kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội thỉnh thoảng cũng làm thơ ghi vào sổ tay… Thơ cũng là mối tình đầu, nên không thể quên được. Đấy là nỗi nhớ khôn nguôi nên thỉnh thoảng vẫn quay về với nỗi nhớ. Năm 1973, tôi cho in tập thơ Trước giờ ra trận gồm những bài thơ viết ở chiến trường, ký tên là Nguyễn Thiều Nam. Giờ đây vào lúc tuổi đã cao, có thể gọi là đang bước những bước cuối cùng trên con đường văn học, tôi tuyển chọn lại những bài thơ của cả đời mình in vào tập Và nỗi nhớ gọi là kỷ niệm một đời thơ”.

Thưa hương hồn nhà thơ Xuân Thiều, nếu như ông cho rằng: “Dĩ nhiên hay dở là chuyện thường tình thuộc quyền phán xét của bạn đọc”, thì chúng tôi, lứa độc giả hôm nay xin cả quyết như họa sĩ Văn Sáng rằng: “Thơ ông hay!”. Và nó là một phần sáng đẹp làm nên chân dung văn học rực rỡ của ông - một nhà văn đa tài, xuất sắc của dòng văn học nước nhà thế kỷ 20.

CHÂU LA VIỆT

Tin cùng chuyên mục