Bỏ dần nghi lễ hiến sinh

Bỏ dần nghi lễ hiến sinh

Ngày 2-7, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức sơ kết trực tuyến công tác tổ chức lễ hội 2015 với sự tham gia của đại diện Sở VH-TT-DL các địa phương, nhiều ban quản lý lễ hội, nhà nghiên cứu... Một lần nữa, nghi thức hiến sinh trong một số lễ hội truyền thống như đập trâu tại lễ hội Cầu trâu - Phú Thọ, lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Tìm các giải pháp thay thế

Theo đại diện của Cục Di sản văn hóa thì không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một lễ hội truyền thống nào đó chỉ vì có các hiện tượng tiêu cực đi kèm mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo được sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng, truyền thông. Cục Di sản cho rằng, hiện tượng tranh cãi quanh lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng với tục hiến sinh lợn là ví dụ điển hình của sự khác nhau trong cách nhìn nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng chủ thể, du khách tham dự lễ hội và đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai thì không thể quản lý lễ hội bằng các văn bản hành chính cứng nhắc nói cấm là cấm ngay được. Ông Sơn nói: Nếu quản lý văn hóa mà bảo cấm là cấm được ngay thì công việc của người làm quản lý dễ quá! Cần phải dần dần thay đổi, có thể một, có thể đến nhiều mùa lễ hội mới có thể thuyết phục, giải thích được với cộng đồng.

Cảnh trong lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh.

Đại diện người dân làng Ném Thượng cũng cho rằng, nếu bắt người dân thay thế tục hiến sinh bằng các con vật giả, đồ mã thì họ không chấp nhận. Tục lệ này được dân làng duy trì nhiều năm qua và đã tạo ra được một sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Nếu cấm không cho thực hành lễ hội này nữa thì thật quá khiên cưỡng, khó có thể thuyết phục được người dân nhưng nếu đưa ra được hình thức thay thế phù hợp thì chắc dân làng cũng sẽ ủng hộ.

Làm rõ hơn về nội dung này, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Vũ Xuân Thành nhấn mạnh, lễ hội là của cộng đồng làng xã, không có chuyện cấm tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, trong thời kỳ toàn cầu hóa thì ranh giới về làng xã không chỉ quy tụ trong lũy tre làng mà đã vượt ra rất xa, tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn. Vì thế nên chăng các cơ quan quản lý cần có các buổi làm việc trực tiếp với địa phương, với nhân dân để có thể cùng nhau tìm ra các giải pháp đảm bảo tính trang nghiêm của lễ hội nhưng vẫn phù hợp với xã hội văn minh.

Nói “không” với lễ hội mới

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ VH-TT-DL, hoạt động lễ hội hiện nay đang có xu hướng “lễ nhiều hơn hội”. Càng ở những nơi trung tâm tín ngưỡng dân gian thì số người đến lễ hội càng đông, chủ yếu là dự lễ. Từ đó dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng, là lợi ích nhóm nên tập trung khai thác giá trị kinh tế... Văn hóa tín ngưỡng, tâm linh có lúc, có nơi bị ảnh hưởng đến truyền thống lịch sử văn hóa làng xã, bên cạnh đó việc quản lý lễ hội, thờ cúng đã bị buông lỏng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Hữu Sơn cũng đưa ra đề xuất không nhân rộng mô hình lễ hội từ địa phương này sang địa phương khác. Ông Trần Hữu Sơn nói: “Chọi trâu không phải vùng nào cũng có, nhưng bây giờ hàng chục lễ hội chọi trâu ra đời. Vì cơ chế thị trường tác động vào, ai cũng nghĩ đến lợi nhuận. Muốn tổ chức thì phải có giấy phép mới được mở hội, thứ hai là phải quy định chứ không phải cấm tất cả. Chỗ nào được chọi trâu, chỗ nào không, thì phải vận động, theo quy định của Nhà nước”.

Với mong muốn hạn chế dần dẫn tới xóa bỏ những nghi lễ hiến sinh, những nghi thức thực hành lễ hội không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Đối với lễ hội chọi trâu, ngoài những lễ hội đã được tổ chức định kỳ, được ghi vào danh mục là di sản văn hóa phi vât thể quốc gia thì những lễ hội chọi trâu khác cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với hiện tại. Tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Không cấp phép mới với các loại hình lễ hội không phải là truyền thống của địa phương. Đặc biệt là việc lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm nghiêm trọng Quy chế tổ chức lễ hội.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục