Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật: Ưu tiên, vẫn ít người học

Góp phần thực hiện tốt định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển, quan tâm đến công tác đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của một trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất, một đô thị đặc biệt năng động như TPHCM, một quy chế đặc thù để thu hút đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHNT là rất cần thiết.
Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật: Ưu tiên, vẫn ít người học

Góp phần thực hiện tốt định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển, quan tâm đến công tác đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của một trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất, một đô thị đặc biệt năng động như TPHCM, một quy chế đặc thù để thu hút đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHNT là rất cần thiết.

Khó thu hút vì vướng  quy định mới

Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật: Ưu tiên, vẫn ít người học ảnh 1

Vở diễn tốt nghiệp Một phút một thời của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM.

Với vai trò là một trong những trung tâm trọng điểm bồi dưỡng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển tại TPHCM và cả khu vực phía Nam, nhưng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM đang đối mặt với không ít khó khăn. PGS-TS-NGƯT Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cho biết: “Việc tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều khó khăn. Theo quy định mới, năm nay Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM sẽ chỉ tổ chức phần thi năng khiếu tại trường, còn điểm thi môn văn các em sẽ phải tự đăng ký từ cuộc thi chung vào tháng 7 này, sau đó đem điểm về trường. Do vậy, không ít thí sinh tốt nghiệp từ những năm trước do chủ quan, không cập nhật thông tin mới nên khi đến trường nộp hồ sơ thì không đủ điều kiện. Cái khó nữa là các bạn phải tự tìm điểm thi để đăng ký thi bổ sung lấy điểm môn văn, điều này khiến không ít thí sinh bị động. Chính vì lý do này nên số lượng hồ sơ nộp vào trường giảm mạnh, chỉ có khoảng trên 750 hồ sơ so với từ 2.500 đến 3.000 hồ sơ dự thi như những năm trước”.

Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM (thuộc Sở VH-TT TPHCM) cũng không tránh khỏi tình trạng này. Số lượng hồ sơ nộp dư thi tại nhà trường cũng giảm so với con số 3.045 thí sinh nộp hồ sơ năm ngoái. Cũng do thay đổi từ quy chế mới nên thí sinh nộp hồ sơ cũng ít hơn. “Vì quy định từ 1 kỳ thi chung, nên nhà trường cũng khá lo vì sẽ ít thí sinh dự thi so với những năm trước”, TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, cho hay.

Vở Đời như ý của sân khấu Thế giới trẻ.

ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM (trực thuộc Bộ VH-TT-DL) được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, mà tiền thân từ việc sát nhập Trường Điện ảnh Việt Nam tại TPHCM và Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Hơn 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo rất nhiều thế hệ nghệ sĩ và cán bộ văn hóa nghệ thuật, cung cấp lực lượng rất hùng hậu cho hoạt động sân khấu và điện ảnh không chỉ của TPHCM mà cho các tỉnh thành phía Nam. Từ chiếc nôi nghệ thuật này, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng trên sân khấu và màn ảnh trong cả nước. Hiện tại, trường đào tạo 8 chuyên ngành: Đạo diễn điện ảnh truyền hình, đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, quay phim, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh và nhạc công dân tộc ở cả ba hệ trung cấp, cao đẳng, đại học, với tổng số gần 500 sinh viên theo học. Trong đó, có hơn 40% là sinh viên tại TPHCM, số còn lại là sinh viên đến từ hàng chục tỉnh thành phía Nam.

Cần một quy chế đặc thù

“Một số ý kiến cho rằng, các ngành đạo diễn, quay phim và cải lương học ở trường không có đầu ra là hoàn toàn không đúng. Chưa kể tại TPHCM, thử tính xem các tỉnh thành Nam bộ có bao nhiêu đài truyền hình, bao nhiêu kênh truyền hình, bao nhiêu nhà hát, bao nhiêu trung tâm văn hóa, bao nhiêu công ty truyền thông sự kiện. Sinh viên các ngành này nhà trường chúng tôi đào tạo còn không đủ cung cấp yêu cầu thực tế. Riêng sinh viên sân khấu cải lương (ngành kịch hát dân tộc) khóa nào diễn tốt nghiệp cũng có các đoàn nghệ thuật đến trực tiếp xem và tuyển người ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Mới đây, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 đã tuyển một số em, Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai đã tuyển 3 đào chính vào biên chế của đoàn. Còn khóa trước nữa, Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai đã đến tận trường tuyển và nhận đến 9 người”, PGS-TS-NGƯT Phan Thị Bích Hà cho hay.

Với quy mô, tính chất là trường nghệ thuật của khu vực phía Nam nhưng nguồn giảng viên của ĐH Sân khấu Điện ảnh hiện vẫn thiếu, kể cả nguồn bổ sung. Nhà trường hiện có 1 phó giáo sư chuyên ngành nghệ thuật, 3 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 14 thạc sĩ nghệ thuật, 5 giảng viên đang theo học cao học cùng một số chuyên gia là các NSND, NSƯT, chuyên gia nghiên cứu, hoạt động chuyên ngành nghệ thuật sân khấu điện ảnh... đang trực tiếp giảng dạy. Theo TS Trần Yến Chi, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM: “Đáng lo ngại là, việc đào tạo các ngành diễn viên sân khấu kịch hát và nhạc công dân tộc gặp khó do số lượng sinh viên thi vào khá ít. Mặc dù, để góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, các sinh viên chuyên ngành cải lương của khoa kịch hát dân tộc đã được nhà trường ưu tiên với chế độ giảm đến 70% học phí”. Chưa kể, từ mấy năm qua, cũng như tình trạng chung của nhiều trường nghệ thuật cả nước, nhà trường không có sinh viên theo học ngành lý luận phê bình nghệ thuật - một ngành được coi là then chốt trong đào tạo nhân lực nghệ thuật. PGS-TS-NGƯT Phan Thị Bích Hà thông tin: “Trước đây, chúng tôi có đào tạo được 3 khóa ngành lý luận phê bình nghệ thuật. Còn hiện giờ, nhà trường vẫn giữ mã ngành này nhưng không có người học”.

Ngày 26-2, Bộ GD-ĐT đã có công văn 831/BGDĐT-GDĐH gửi Bộ VH-TT-DL về điều kiện đặc thù trong tuyển sinh, đào tạo các ngành nghệ thuật - một động thái lẽ ra đã phải có từ lâu. Theo đó, cả hai bộ đồng tình thống nhất về điều kiện đối với giảng viên cơ hữu trong đào tạo các ngành nghệ thuật, thực hiện từ năm 2014 đến 31-12-2017. “Nhờ đó, nhà trường đã ký hợp đồng giảng viên cơ hữu với hơn 40 người là các NSND, NSƯT, nghệ nhân dân gian… để tăng cường đội ngũ giảng viên, gỡ khó phần nào cho nhà trường. Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi chỉ là thiếu cơ sở vật chất để đáp ứng giảng dạy mà thôi”, TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, cho hay.

Ngoài yêu cầu cấp thiết về đầu tư cơ sở vật chất đúng chuẩn để hỗ trợ phát triển ngành VHNT thì việc hoàn thiện một quy chế tuyển sinh, đào tạo đặc thù cho các ngành nghệ thuật là rất cần thiết.

Ngày 22-1-2014, Chủ tịch UBND TPHCM đã có quyết định số 410/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Chương trình nâng cao chất lượng, phát triển bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo, TPHCM tập trung đào tạo diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: cải lương, hát bội, múa rối nước, múa dân gian… nhằm bảo tồn, duy trì giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Cụ thể, TP chú trọng đào tạo chuyên môn (đại học và sau đại học) cho các chức danh: đạo diễn, biên đạo múa, nghệ sĩ chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc… cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Đối tượng: các diễn viên giỏi đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật; tuyển chọn, đào tạo sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật; đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn; tài năng xuất thân trong các gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Hình thức đào tạo: từ ngắn hạn đến dài hạn, từ chính quy đến bồi dưỡng, truyền nghề, trong nước lẫn ngoài nước…  

MINH AN

Tin cùng chuyên mục