An Thuyên về nơi cõi nhớ

Nghe tin nhạc sĩ An Thuyên mất, tôi vô cùng sửng sốt. Mới đấy thôi, ông còn nói với chúng tôi về những dự định của mình trong hoạt động của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp mà anh sẽ là chủ tịch.

Tuy đã nghỉ hưu ở Trường Đại học VHNT quân đội nhưng hầu như ông không nghỉ ngày nào. Ông mong muốn có thể tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp, các công dân Việt Nam, đưa văn hóa đến với doanh nghiệp, đưa đạo đức vào kinh doanh, gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội, làm sao để người lao động được thụ hưởng một đời sống tinh thần xứng đáng với con người… Ông cho rằng hơn bao giờ hết, văn hóa doanh nghiệp sẽ tác động đến sự trường tồn của dân tộc.

Sau giây phút sững sờ, xúc động, tâm trí của tôi nhớ về một An Thuyên tài hoa với bảng “thành tích” âm nhạc và hoạt động xã hội dầy dặn.

Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của anh Sao em chọn lối này dựa trên âm hưởng dân ca Thái - Nghệ, khi đó anh mới 23 tuổi. Trước đó, anh đã có bài Nối gót anh hùng ở tuổi 15 khi mới bắt đầu có chút ít về nhạc lý, tài hoa xuất lộ, khi gặp sự kiện ở làng có người đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, anh đã viết và lập tức thành bài hát của làng…

Có năng khiếu từ nhỏ, ngón đàn hay, giọng hát quyến rũ, có thể chơi nhiều nhạc cụ dân tộc nên An Thuyên sớm ý thức về bản sắc văn hóa Việt trong nghệ thuật. Hầu hết nhạc An Thuyên đều mang âm hưởng dân ca và được công chúng yêu thích, giới chuyên môn đánh giá cao, như: Đêm đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi… Không chỉ đưa âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh mà dân ca nhiều vùng miền khác nhau cũng được An Thuyên sử dụng nhuần nhuyễn trong sáng tác của mình.

Đặc biệt, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi đã chiếm được trọn vẹn tình cảm của công chúng và đưa tên tuổi An Thuyên vào đời sống âm nhạc ở một tầm cao mới. Những ca khúc của An Thuyên được coi là xuất sắc bởi ca từ giản dị, giàu hình ảnh và giai điệu đẹp. Chỉ có câu “Cắt nửa vầng trăng… chặt đôi câu thơ…” là một thời gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, An Thuyên là người thấm sâu các câu chuyện dân gian, ông bảo ông là người viết nhạc bằng nước mắt nên câu chuyện của Trương Chi và mối tình tuyệt vọng với Mỵ Nương, đã khiến vầng trăng chặt đôi, câu thơ bẻ nửa, ám ảnh âm vang trong lòng ông và thành ca từ bài hát một cách tự nhiên như vậy…

Đồng nghiệp, bạn bè đều quý mến NS An Thuyên có lẽ bởi ông là một con người hiền lành, trung thực, nhân hậu và rất nhiệt tình, tử tế với bạn bè. Mang hàm thiếu tướng và là người nổi tiếng nhưng ông sống rất bình dị, dễ gần, đôi khi cả nể. Một cuộc điện thoại, không phân biệt người gọi dù là người địa vị thấp hơn, nếu có thời gian, ông sẵn sàng vui lòng có một cuộc gặp gỡ, trò chuyện về âm nhạc, cuộc đời, hay chỉ là một vài chia sẻ cá nhân. Các nghệ sĩ trẻ, có người biết tận dụng triệt để sự nhiệt tình, cả nể của ông, ông biết nhưng ông luôn dành cho họ sự nâng đỡ, tận tình để họ tự tin hơn với nghề, họ cố gắng để đi tiếp và phát triển tài năng âm nhạc, không mảy may tính toán thiệt hơn…

Phía trước ông còn nhiều dự định cho đời, cho gia đình và cho bạn bè...

Lễ viếng nhạc sĩ An Thuyên diễn ra từ 7 giờ 30 đến 12 giờ 30 ngày 9-7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Nhà văn TRẦN THỊ TRƯỜNG

- Thông tin liên quan:

>> Nhạc sĩ An Thuyên từ trần

Tin cùng chuyên mục