Người rất người nay đã xa xăm

Năm 2007, khi tôi sang Mỹ theo lời mời của Trường Nghệ thuật Mecca thuộc TP Houston, bang Tesxas, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong giáo trình dạy ca khúc cho sinh viên của trường, có một ca khúc Việt Nam. Đó chính là ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân.
Người rất người nay đã xa xăm

Năm 2007, khi tôi sang Mỹ theo lời mời của Trường Nghệ thuật Mecca thuộc TP Houston, bang Tesxas, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong giáo trình dạy ca khúc cho sinh viên của trường, có một ca khúc Việt Nam. Đó chính là ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân.

Người rất người nay đã xa xăm ảnh 1

Nhạc sĩ Phan Nhân.

Để nước ngoài công nhận một ca khúc Việt Nam đã khó. Càng khó hơn, khi công nhận ca khúc đó đưa vào giáo trình giảng dạy. Phan Nhân là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có được sự công nhận đó của nước Mỹ. Và ngạc nhiên nhất, đó là một nhạc sĩ cộng sản với một ca khúc chống Mỹ. Vậy nên, khi ở Hà Nội, nghe tin nhạc sĩ Phan Nhân đã mất, tôi không khỏi tránh nổi giọt nước mắt vĩnh biệt. Vĩnh biệt ông - một tâm thức đầy tự hào.

So với bạn bè làm văn nghệ cùng trang lứa như Hoàng Việt, Minh Trị, Phan Vân... ở tổ quân nhạc Quân khu 8 thời Nam bộ kháng chiến, Phan Nhân là một nhạc sĩ chín muộn. Khi Hoàng Việt đã có những Lá xanh, Lên ngàn, Nhạc rừng, Mùa lúa chín... Phan Vân có Em lớn lên trong kháng chiến, Niềm thương mến đoạt Giải thưởng Cửu Long, Phan Nhân vẫn chỉ là ca sĩ. Nhưng dù sao thì cũng phải thử mình chứ. Đầu tiên ông viết ca khúc thiếu nhi. Phan Nhân đã thành công khi viết Chú ếch con, Em là con gái má Út Tịch. Nhưng ca khúc cho người lớn vẫn là chuyện không đùa. Chính cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội tháng Chạp năm 1972 đã tạo ra một Hà Nội niềm tin và hy vọng, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc Phan Nhân. Máu bao người đổ xuống trong sự kiện này để ông đúc thành tác phẩm âm nhạc vừa hào sảng vừa trữ tình qua giọng hát Trần Khánh, Quang Thọ và giờ đây là tam ca nhạc cách mạng Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn. Hiện thực đã làm thăng hoa sáng tạo trong Phan Nhân mặc dù “chín muộn”. Sau lần chín muộn này, Phan Nhân cứ thế thẳng tắp bay lên qua Cây đàn guitar của Victohara, Em ở nơi đâu và chất ngất là Tình ca đất nước sau ngày giải phóng.

Phan Nhân với cặp ria rất công tử cuối cùng vẫn là người thường mềm lòng trước vẻ đẹp, trước những bóng hồng. Sáng tác của ông còn nhiều lắm. Thích kể ra liền như Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây nhớ Bác... Nhưng tất cả vẫn chỉ là những sườn núi, mà đỉnh cao của quả núi là Hà Nội niềm tin và hy vọng.

Tôi yêu Phan Nhân ở sự bình dị của ông, ở sự hồn nhiên của ông. Ông thực sự vẫn chưa biết mình đóng góp đến tầm vóc nào cho âm nhạc Việt Nam. Ông vẫn chỉ là một Phan Nhân yêu đời, sống hết mình và không hề thủ đoạn. Ông là một trong không nhiều nhạc sĩ mà tôi và nhiều nhạc sĩ bạn tôi phải kính trọng và học hỏi.

NGUYỄN THỤY KHA

Vẫn còn mãi Hà Nội niềm tin và hy vọng

Cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Hội Âm nhạc TPHCM đã sáng lập Câu lạc bộ Nhiếp nhạc gồm các nhạc sĩ mê bấm máy ảnh để ghi lại những hình ảnh đầy xúc cảm trong những chuyến đi thực tế sáng tác. Ý tưởng này  được Hội Nhiếp ảnh TPHCM nhiệt tình ủng hộ. Một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật hoàng tráng đã được trưng bày ở trụ sở của Hội Nhiếp ảnh TP thu hút đông đảo người hâm mộ. Và nhạc sĩ Phan Nhân đã có nhiều bức ảnh ghi lại những hình ảnh mới về Hà Nội - nơi anh đã từng nổi tiếng với ca khúc sống mãi với thời gian: Hà Nội niềm tin và hy vọng.

Tháng 10- 2014 tôi có dịp ra Hà Nội tham dự Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây cũng trùng vào dịp kỷ niệm giải phóng thủ đô Hà Nội. Tôi cảm thấy hơi buồn vì sao nhạc sĩ Phan Nhân lại không được mời ra tham dự trong ngày kỷ niệm trọng đại ấy. Bởi Hà Nội niềm tin và hy vọng là khúc tráng ca mà chắc chắn, người Hà Nội nào cũng biết!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên

Tin cùng chuyên mục