Gia tài tiếng chim hót

Để sở hữu một “gia tài tiếng chim hót” quả là điều chẳng đơn giản một chút nào, nhất là đối với những thanh niên nông thôn hiện nay. Thế nhưng, có một bộ phận giới trẻ ở vùng quê còn khó khăn của tỉnh Lâm Đồng đã làm được cái điều tưởng chừng như không thể ấy.
Gia tài tiếng chim hót

Để sở hữu một “gia tài tiếng chim hót” quả là điều chẳng đơn giản một chút nào, nhất là đối với những thanh niên nông thôn hiện nay. Thế nhưng, có một bộ phận giới trẻ ở vùng quê còn khó khăn của tỉnh Lâm Đồng đã làm được cái điều tưởng chừng như không thể ấy.

Lắm công phu…

Đến thăm nhà riêng và cũng là cơ sở nuôi chim cảnh, chim hót của anh Phạm Minh Vương ở thôn Đại Ninh, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chúng tôi thực sự bất ngờ trước những gì đang hiện hữu tại đây. Nhìn những lồng chim giăng kín trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn ở ngã ba Đại Ninh, cùng với đó là vô vàn tiếng chim hót líu lo suốt cả ngày cũng đủ nhận biết chủ nhân của nó là một người “nghiện” và say mê chim cảnh, chim hót như thế nào.

“Gia tài” của một thành viên Hội quán chim cảnh.

Anh Phạm Minh Vương, một người đã có thâm niên chơi chim cảnh, chim hót 10 năm nay cho biết: Hiện nay gia đình anh đang sở hữu khoảng 80 lồng nuôi chim các loại, trong đó có đến 60 lồng nuôi chim chào mào - một loài chim có giọng hót đặc trưng sinh sống và phân bổ ở hầu hết các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Riêng chú chim chào mào cưng nhất, đắt giá nhất gắn bó với thân chủ suốt nhiều năm nay, gần đây cũng đã mang về cho Minh Vương hai giải thưởng. Để sở hữu một “gia tài tiếng chim hót” khá hoành tráng như vậy, Minh Vương đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho thú vui của mình. “Trước đây, phong trào chơi chim cảnh, chim hót tại xã chưa phát triển gì mấy, nhưng khoảng hai năm trở lại đây thì phát triển rất mạnh. Số lượng chim nuôi cũng khá nhiều. Riêng đối với các cuộc thi “chim chào mào hót” được tổ chức trong tỉnh, liên tỉnh cũng được anh em tích cực tham gia và gặt hái một số thành công nhất định. Thú thật là, trước đây mình chưa biết chơi chim, thấy người ta chơi thì bắt chước. Đến khi nuôi được một con chim và đi sâu tìm hiểu về nó thì quả thật có rất nhiều điều thú vị”, anh Minh Vương nói.

Theo một số tay chơi chim sành điệu ở Ninh Gia, để có thể nhận biết một con chim chào mào đẹp-tốt thì điều quan trọng nhất đó là cốt cách, dáng bộ, giọng hót và nước chơi của chim (tức là cách thi đấu với chim khác). Khẩu phần thức ăn, thức uống dành cho những chú chim chào mào hót cũng có nhiều điểm khác biệt so với những loài chim khác. Ngoài cám dinh dưỡng cao cấp là thức ăn chính, còn phải bổ sung thêm thức ăn tươi như cào cào, châu chấu mỗi ngày. Đối với thức uống cho chim, nước sạch phải được pha với một ít mật ong rừng để giúp chim chào mào không những có giọng hót hay, trong trẻo, mà còn có khả năng kháng viêm và miễn dịch tốt. Việc cho chim tắm cũng phải tuân thủ một quy trình khá nghiêm ngặt. Nghĩa là, chim chào mào hót phải được tắm sau 12 giờ trưa, tắm xong mới mang chim ra tắm nắng. Nếu như không tuân thủ quy trình này chim sẽ dễ bị cảm lạnh, giọng hót giảm sút và vì thế rất khó lòng để thi thố tài năng giọng hát hay với các chim khác được. Thế mới biết, thú chơi chim cảnh, chim hót quả là không ít tốn kém và nghề chơi cũng lắm công phu.

Nơi gặp gỡ tâm giao

Điều gây sự chú ý đối với tôi hơn cả đó là, trong số 8 lồng nuôi chim chào mào mà chủ nhân Nguyễn Thanh Tú ở xã Ninh Gia hiện đang sở hữu có 1 lồng nuôi chim chào mào khá bắt mắt và ấn tượng với tổng giá trị lên đến 52 triệu đồng, trong đó riêng chiếc “lồng son” trị giá hơn 40 triệu đồng! Theo chủ nhân, chiếc lồng chim từng đoạt giải nhì tại Hội thi lồng chim đẹp và chim đẹp này đã được các nghệ nhân ở Huế chạm trổ và hoàn thành trong thời gian 6 tháng. Thanh Tú chia sẻ: “Vì đam mê nuôi chim chào mào nên tôi đã đầu tư số tiền như vậy để đặt hàng mua cả lồng và chim từ ngoài Huế gửi vào. Còn đối với chú chim chào mào, tuy còn ẩn danh và chưa tham gia tranh tài lần nào nhưng nó rất tuyệt vời. Giọng hót của nó khác lạ so với chim chào mào ở vùng Nam Tây Nguyên. Nó hót lớn hơn, hay hơn và độ bền chuẩn hơn”.

                                 Hội quán chim cảnh xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng  -  Lâm Đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Hội quán chim cảnh xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng hiện có khoảng 30 thành viên tham gia và đồng sáng lập. Chính vì vậy, số lượng chim chào mào được nuôi tại đây cũng đã lên đến khoảng 150 con. Hầu hết những thành viên tìm đến thú vui này đều có chung một mục đích, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và lòng đam mê bộ môn nghệ thuật chim cảnh, chim hót. Anh Nguyễn Hữu Thành - Chủ nhiệm lâm thời Hội quán chim cảnh xã Ninh Gia phấn khởi nói: “Mục đích của hội quán là tập hợp những anh em có cùng sở thích chơi chim cảnh và nuôi chim hót tại địa phương hình thành nên một sân chơi cuối tuần để thư giãn. Đồng thời góp phần giữ gìn hình ảnh chú chim chào mào - một trong những loài chim rất gần gũi, thân thiện với con người trong cuộc sống hàng ngày; khuyến khích những người trẻ mới nuôi chim tham gia vào thú chơi tao nhã này”.

 Nơi đây sẽ mãi là nơi gặp gỡ tâm giao mang nét văn hóa đặc trưng của những người trẻ yêu nghệ thuật chim cảnh, chim hót trên mảnh đất vùng ven đô thị mới khá sầm uất này vào mỗi dịp cuối tuần. Và, điều quan trọng hơn là đừng bao giờ “thương mại hóa tiếng chim chào mào hót”, để những tiếng chim lảnh lót ấy mãi reo vui trong không gian nơi đây và mang thông điệp yên vui đến với mọi người, mọi nhà.

Lê Trọng

Tin cùng chuyên mục