Khiêu vũ thể dục

ĐÁ VÀNG
Khiêu vũ thể dục

Những năm trước đây, do chiến tranh, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, môn khiêu vũ như ở “trên trời” hoặc ở đâu đó trong phim ảnh. Cũng không ít người có ác cảm, cho là văn hóa du nhập không lành mạnh, thiếu “mỹ quan dân tộc”, cao hơn nữa nó mang cái tội từ dưới đất chui lên - nhảy nhót đú đởn. Tôi cũng đã có lúc nghĩ vậy.

Tôi còn nghe kể lại rằng, hồi còn chiến tranh, các đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới tại các nước, khi nói đến hai tiếng “Việt Nam” thì hầu như cả hội trường, cả quảng trường đều hô vang “các bạn Việt Nam anh hùng”, rồi người ta tung những thanh niên Việt Nam, những chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam lên cao… Đến cuối buổi liên hoan, thường có những cuộc giao lưu, khiêu vũ hoặc múa dân tộc thì đoàn Việt Nam… đứng nhìn, đoàn các bạn Lào có Lăm-Vông, đoàn Campuchia có Apsara, có người bảo: “Sao ta không múa chèo?”. Thấy bí quá, đoàn ta mới nhờ các bạn Nga và Cuba tập gấp cho vài điệu dễ hơn như Rumba, Chachacha… để đi cho có bè có bạn. Thực ra thì cũng không phải “cậu tây, cô đầm” nào cũng biết nhảy, cũng khối anh chị đứng nhìn.

Sau này tôi đi tu nghiệp, họp hành các nước cũng vậy, người Việt mình ít biết trò chơi này. Tôi nhớ hôm tôi cùng đoàn bác sĩ Việt Nam tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới Malaysia dự lớp tập huấn theo chương trình của ASEAN, tiệc xong là đến tiệc khiêu vũ, tất cả mọi người từ ông giáo sư viện trưởng, trưởng khoa đến nhân viên thường thường đều ra nhảy. Những chiếc khăn trùm Hijab (loại khăn trùm đen ngắn của nữ đạo hồi) vẫn bay bay theo bước nhảy thật đep. Các bác sĩ của đoàn tôi được mời nhảy đều từ chối, may mà có hai bác sĩ nữ người Hà Nội trong đoàn đi học Nga về và tôi đi học Hà Lan về có biết chút đỉnh để “đi” với họ cho có tham gia.


Những năm gần đây, một tín hiệu xã hội khá vui khi phong trào học khiêu vũ thể dục trở nên rộn ràng. Các trung tâm văn hóa quận huyện, các công viên và cả hội trường công sở khi hết giờ làm việc, tiếng nhạc tua và sàn tập khiêu vũ nổi lên. Tại Công viên Gia Định có đến 5-6 sàn tập và chơi khiêu vũ như vậy. Đi theo đó, các phòng trà hát với nhau, phòng khiêu vũ… mở ra nhiều nơi. Đi đến thành phố nào, tỉnh nào cũng có cho bạn chơi, chơi một cách lịch sự văn minh. Nhưng sôi động nhất vẫn là TPHCM và Hà Nội. Đến đây đủ các thành phần: cán bộ, công nhân viên, người lao động phổ thông, bác sĩ, giáo viên, trẻ có già có… Sau một ngày lao động căng thẳng, họ đến tập khiêu vũ thể dục lành mạnh. Tôi còn thấy rất nhiều cô bác đã nghỉ hưu rất say sưa. Lân la hỏi vài người thì xem ra ai cũng phấn chấn và vui vẻ lắm, thậm chí có nhiều người còn nói là nhờ môn này mà họ cất đi được gánh nặng về bệnh tật.

Ngắm nhìn những cặp đôi đi với nhau trong những bài Boston, Tango hay Valse … có khi còn chút gượng gao, hay quên nhưng đó là những “trục trặc” tất nhiên của người có tuổi. Đi nhiều rồi thì các xương khớp lại dẻo trở lại. Cạnh nhà tôi có ông bà chiều tối nào cũng chở nhau ra công viên Gia Định. Trước đây, lúc mới về hưu, ông ít nói, ít tiếp xúc với người xung quanh, bây giờ mở cổng ra mà thấy ông là vui vẻ chuyện trò liền. Có hôm tôi còn nghe ông nói với bà: “Bài Tango tối qua đẹp quá, hay quá nhưng hơi khó, bà còn nhớ không?”. Thấy họ vui, tôi giả bộ hỏi: “Tango là gì vậy bác?”. Ông nói rất vui: “Đó là điệu nhảy Tango Mỹ châu rất tuyệt vời, anh muốn biết không, tối nay bớt chút thời gian đi với vợ chồng tôi!”. Tôi đưa chuyện kể với anh chị kết nghĩa của tôi thì ra vợ chồng ông anh bà chị đã U.70 cũng ra công viên Gia Định ba bốn năm nay rồi. Anh còn nói: “Có thế thì sức khỏe của bọn tôi mới được như vầy chú mày, chú cũng nên đi thôi”. Anh chị tôi kể: “Có buổi tối, ông bà dắt xe ra cửa, mấy đứa cháu nhao nhao hỏi: “Nội đi đâu đó, con đi với!”. Đứa lớn hơn nói: “Không đi được đâu, ông bà đi nhảy đầm đó!”.  “Thì ra mình lạc hậu thật”, tôi nghĩ.

Thực ra thì sau những đợt “đi Tây”, để giao lưu với bạn bè, tôi cũng học được vài ba chiêu nhảy nhót cho biết nhưng những chiêu ấy không ăn nhằm gì với những bước nhảy bài bản bây giờ, nên phải học lại, có điều lúc đầu cũng phải “trốn” nhà để đi học. Có nhiều cách để học khiêu vũ: ra công viên, theo các lớp ở các trung tâm văn hóa, học phí vài trăm ngàn đồng một tháng, có tiền hơn thì thuê thầy về nhà dạy tận tình, bảo đảm vài ba tháng là “đi”: được.

Đời là vậy, lam lũ lo cơm áo cũng ổn hơn rồi, chất lượng cuộc sống cao hơn thì việc biết và khiêu vũ cho khỏe âu cũng là tạo một “niềm vui nho nhỏ cho đời tươi tắn hơn”. Tự nhiên tôi nghĩ: “Giá như lại đi Tây nữa, trở lại những “chốn xưa” thì cái khoản khiêu vũ thể dục này chưa biết ai hơn ai”.

ĐÁ VÀNG

Tin cùng chuyên mục