Văn học kỳ ảo Việt Nam - Cái khó của người viết trẻ

Văn học kỳ ảo Việt Nam - Cái khó của người viết trẻ

Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra một cuộc trò chuyện văn học xoay quanh chủ đề yếu tố kỳ ảo (Fantasy) trong sáng tác và thưởng thức văn học hiện nay, đặc biệt là cho người trẻ. Dù quy mô cuộc trao đổi không lớn nhưng tình cờ, từ cuộc trao đổi này một vấn đề vướng mắc trong sáng tác đã được nêu lên và đáng để những người làm văn hóa phải suy ngẫm.

Cơn sốt văn chương kỳ ảo

Không thể phủ nhận, từ sau cơn sốt Harry Potter, văn học kỳ ảo đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng đối với bạn đọc trẻ trên thế giới và cả ở Việt Nam. Nhìn qua danh mục sách mới, mảng sách dịch dành cho thanh thiếu niên của NXB Trẻ, có thể thấy tuyệt đại đa số là những tác phẩm kỳ ảo như: Hỏa kiếm, Bí kíp luyện rồng, Allegiant - Những kẻ trung kiên, Incarceron (Thế giới ngục tù), Ngôi trường quái vật… Bên NXB Kim Đồng tình hình cũng không khác gì khi mảng sách văn học dành cho bạn đọc trẻ, kỳ ảo cũng chiếm đại đa số.

Bên cạnh việc tiếp nhận những tác phẩm kỳ ảo từ nước ngoài, trước nhu cầu của bạn đọc, các tác giả trong nước cũng hướng đến dòng văn học này. Ngay khi cơn sốt Harry Potter còn đang ở cao điểm thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có Chuyện xứ Langbiang, một thay đổi bất ngờ khi lần đầu tiên nhà văn nổi tiếng này viết về huyền ảo. Tiếp sau đó, nhiều tác giả khác cũng bước vào dòng văn học này, có người sáng tác thuần kỳ ảo, có người mượn kỳ ảo để phản ánh những tư tưởng riêng.

Bạn đọc trẻ chọn mua sách kỳ ảo.

Ảnh hưởng của kỳ ảo có thể thấy rõ nhất là cuộc thi văn học cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Đan Mạch và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức từng chọn đề tài “Bước qua hai thế giới” với mong muốn hướng người sáng tác đến với thế giới của sự tưởng tượng, huyền ảo. Tuy nhiên, do yếu tố kỳ ảo khi đó chưa được hiểu rõ nên cuộc thi không có những tác phẩm thực sự xuất sắc, để lại dấu ấn.

Phải đến cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ 5, văn chương với đề tài kỳ ảo mới thực sự có bước chuyển mạnh mẽ khi các tác phẩm dạng này đạt nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải cao nhất. Tuy có khá nhiều sáng tác của các nhà văn trẻ đi theo dòng văn học kỳ ảo nhưng sự thành công vẫn còn quá ít. Cho đến nay, ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có thể nói nhà văn nữ Phan Hồn Nhiên là người thành công nhất trong dòng văn học kỳ ảo mới với bộ ba tác phẩm Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm, được đánh giá mang đậm chất kỳ ảo nhất trong số các sáng tác trong nước hiện nay.

Bỏ quên văn hóa dân tộc

Có một điều gây bất ngờ là với nhiều bạn đọc trẻ, văn học kỳ ảo Việt Nam chỉ bắt đầu từ sau sự xuất hiện của Harry Potter và là dòng văn học thuần túy chịu ảnh hưởng của phương Tây.

Trong khi đó, trên thực tế đây lại là một trong những dòng văn học có chiều dài lịch sử lâu dài ở Việt Nam. Những câu chuyện về Sơn Tinh, Thủy Tinh, những truyền thuyết về Rùa thần xây thành Cổ Loa, Nỏ thần… Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn cho rằng văn học Việt Nam từ thời sơ khởi đã gắn liền với kỳ ảo, xem kỳ ảo là yếu tố quan trọng nhất.

Trong các dạng văn học thì kỳ ảo được đánh giá là một trong những dạng góp phần phổ biến văn hóa dân tộc hiệu quả nhất. Nhà văn J.R.R.Tolkien, một nhà ngữ văn người Anh, người đã dành cả đời để nghiên cứu lịch sử thần thoại Bắc Âu và đã đưa kiến thức này vào tác phẩm của mình, sáng tạo nên thế giới Chúa tể những chiếc nhẫn, khiến cả thế giới trở nên quen thuộc với những con rồng, người lùn, tiên… những nhân vật truyền thuyết của Bắc Âu.

Nhà văn Phạm Bá Diệp cho biết, khi xây dựng tình tiết nhân vật chính đối diện quái vật, tác giả tính đưa một con quái vật truyền thuyết của văn hóa Việt vào nhưng không biết chọn con nào: thuồng luồng, hà bá hay rắn thần… đó là chưa kể việc đưa vào như vậy phải miêu tả cụ thể, chi tiết mà tư liệu về các sinh vật truyền thuyết này lại rất tản mát, chung chung.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc yêu cầu các cây bút trẻ viết kỳ ảo phải gắn kết với văn hóa dân tộc là một sự bất công với các em. Các tác giả nước ngoài và ngay cả người đọc của họ cũng đều có một cái nền văn hóa rất chắc, giúp họ sáng tác, thưởng thức dễ dàng các tác phẩm kỳ ảo. Ở ta, điều này chưa được chú trọng nhiều ngay từ trường học đến cả trong cuộc sống hiện tại. Người viết trẻ vốn đã chịu nhiều áp lực, nay phải gánh thêm cả gánh nặng “văn hóa dân tộc” thì rất khó cho người viết.

Cũng theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, trong điều kiện hiện nay, sáng tác kỳ ảo vẫn đang là trào lưu được ưa thích và xu hướng các tác giả sẽ tiếp tục mượn các hình tượng văn hóa phương Tây,đồng thời từ từ lồng ghép những yếu tố Việt Nam vào để xây dựng một dòng văn học kỳ ảo riêng cho bạn đọc trong nước.

Một số cây bút trẻ viết về đề tài kỳ ảo cho biết, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng khiến họ ngại sử dụng các truyền thuyết chính là việc một số bạn đọc vẫn không chấp nhận sự sáng tạo dựa trên các truyền thuyết. Ví dụ điển hình như “Thánh Gióng tắm Hồ Tây” vừa qua chỉ là một chi tiết rất đơn giản nhưng đã gây dư luận xôn xao, trong đó ý kiến phản đối không ít. Hay trước đó, một số bạn trẻ sáng tác lại theo phong cách mới truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh với xu hướng hiện đại hóa câu chuyện và cũng gặp nhiều ý kiến phê phán.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục