Trò khỉ

Qua nhiều lần công tác tại huyện Cần Giờ (TPHCM), tôi được nghe nhiều chuyện lý thú về đàn khỉ sinh trưởng và cũng chứng kiến nhiều chuyện bi hài diễn ra của bầy khỉ nơi đây...
Trò khỉ

Qua nhiều lần công tác tại huyện Cần Giờ (TPHCM), tôi được nghe nhiều chuyện lý thú về đàn khỉ sinh trưởng và cũng chứng kiến nhiều chuyện bi hài diễn ra của bầy khỉ nơi đây...

Khỉ… hù dọa

Hoàng hôn dần phủ xuống khu rừng đước, đàn khỉ cũng dần vắng bóng, chúng về với bầy đàn trên những nhánh cây để trú ngụ qua đêm. Bạn bè lâu ngày gặp lại, anh Sinh, Giám đốc Rừng phòng hộ Cần Giờ, mời tôi vào phòng khách nghỉ ngơi. Chợt nhìn thấy chiếc xe máy đậu trước cửa, anh Sinh hỏi ngay anh bảo vệ: “Ủa, hai cô cậu đến liên hệ cho đoàn sinh viên đến cắm trại, nãy giờ ra ngoài rừng chưa về sao? Nguy rồi!”. Anh Sinh liền hối bảo vệ mau vào rừng đưa họ ra ngay. Được bảo vệ đưa vào nhà, hai cô cậu sinh viên bẻn lẻn cám ơn anh Sinh rồi lẹ làng lên xe máy về ngay. Anh bảo vệ cười ngất kể lại: “Tôi ra tới nơi, thấy hai đứa nằm ôm nhau xà nẹo, còn chung quanh bọn khỉ ngồi coi đông nghẹt. Hễ thấy hai cô cậu nhúc nhích, định ngồi dậy là bọn khỉ nhảy dựng, kêu khọt khẹt hù dọa như muốn cắn khiến hai cô cậu sợ xanh mặt, không biết cách nào thoát thân, đành nằm ôm nhau hoài. Đã vậy, mấy con khỉ đực thỉnh thoảng còn lấy tay khều khều chân cô gái, làm cô ta sợ điếng hồn. Khi nghe tôi hét lên, bọn khỉ mới bỏ chạy, hai cô cậu mới ngồi dậy được”. Chúng tôi ôm bụng cười với trò khỉ quá ư độc đáo này.

Du khách thường đùa vui với đàn khỉ con

Khỉ xem ti vi

Tôi nhắc anh Sinh mở ti vi xem bóng đá, hôm đó đội tuyển Việt Nam thi đấu với tuyển Thái Lan. Mở ti vi xong, anh Sinh nói: “Chút nữa bầy khỉ kéo ra coi ti vi đông nghẹt, chúng quậy phá là kể như mình hết lai rai được”. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại; “Khỉ cũng biết xem ti vi nữa sao?”. “Đêm nào chúng cũng bu ngoài cửa sổ xem ti vi rồi quậy rần rần”, anh Sinh vừa dứt lời đã thấy bầy khỉ đu kín ngoài song cửa sổ. Chúng còn biết tranh giành chỗ xem cho dễ, con khỉ phía sau kéo con phía trước xuống, vậy là có chuyện khọt khẹt đánh nhau. Anh Sinh ra đóng cửa sổ lại, nói với bầy khỉ: “Đi chỗ khác chơi, hôm nay có khách, ồn ào quá”. Chúng cũng không vừa, như tức tối nên cào cấu, rung cửa sổ rần rần một hồi lâu rồi mới chịu bỏ đi. Sáng thức dậy, chúng tôi vừa bước ra sân thì hỡi ơi, mấy chậu hoa kiểng trồng trước ngõ bị bầy khỉ nhổ quăng đầy sân, Chưa hết, mấy cái nồi niêu xoong chảo trong nhà bếp, bọn khỉ mang vứt tùm lum ngoài bìa rừng.

Từ trộm đến cướp

Hôm đó ngày chủ nhật, khách đến tham quan đảo khỉ Cần Giờ rất đông, có cô gái tay cầm giỏ trái cây nhưng không hay biết phía sau có con khỉ đang lấy trộm trái ổi của mình. Con khỉ rất ranh ma, tay này lẹ làng lấy trái ổi rồi đưa sang tay kia kẹp vào nách, có điều mỗi lần đưa tay lên kẹp nách thì trái trước rơi xuống; cứ vậy nó lấy lia lịa nhưng cuối cùng chỉ được thưởng thức một trái đang kẹp nách mà thôi.

Chuyện khỉ ăn trộm như vậy cũng chưa ly kỳ bằng chuyện anh bạn tôi bị khỉ giật điện thoại di động. Anh đang gọi điện thoại nên không để ý đến một con khỉ khá to đang dò dẫm đi theo sau. Bất ngờ nó vụt nhảy lên giật điện thoại rồi phóng lên cây ngồi tỉnh bơ. Anh tá hỏa không biết cách nào lấy lại cái điện thoại mới mua cả chục triệu đồng. Cũng may có anh bảo vệ đứng gần đó kịp thời can thiệp. Anh bảo vệ kêu bạn tôi đứng dưới gốc cây chuẩn bị sẵn sàng chụp lấy điện thoại khi con khỉ quăng xuống, rồi anh lượm một cục đất đưa lên nhá nhá ném con khỉ đang cầm điện thoại trên cây. Con khỉ cũng cầm điện thoại nhá nhá lại. Anh bảo vệ liền chọi cục đất, con khỉ cũng “trả đũa” bằng cách ném điện thoại xuống, anh bạn tôi lẹ làng chụp gọn.

Có chú bé cầm chai nước ngọt uống một hơi rồi đậy nắp lại, một con khỉ liền nhảy ra giật chai nước rồi chạy đến chỗ khác bắt chước dốc ngược lên uống, nhưng nắp chai đã đậy lại nên lát sau nó quăng cái chai bỏ đi. Du khách đứng quanh được một phen cười thích thú với cái trò khỉ tinh nghịch.

Một chú khỉ giật chai nước của du khách (Ảnh: HOÀNG LAN ANH)

Uy quyền của khỉ chúa

Theo thói quen, cứ đến trưa nghe tiếng đánh kẻng là bầy khỉ từ trong rừng ào ra cái sân rộng để ăn cơm. Người phụ trách chuyện ăn uống của khỉ rải cơm xuống sân xi măng, cả đám bu lại đông nghẹt bốc cơm ăn. Trong việc ăn uống, đàn khỉ có nguyên tắc rất rõ ràng và cũng rất nghiêm khắc. Bao giờ khỉ chúa cũng được nhường quyền chạy ra sân đầu tiên và ngồi giữa sân ăn cơm. Chung quanh là “những gia đình khỉ” chia thành từng nhóm, vợ chồng con cái ăn chung với nhau. Đặc biệt, khỉ chúa thích sống độc thân nhưng có rất nhiều “mỹ nữ”. Giờ ăn cơm là thời điểm khỉ chúa tỏ rõ quyền lực nhất khi cặp mắt cứ liếc ngang liếc dọc nhìn mấy con khỉ cái. Ưng ý “nàng” nào nó liền tiến lại gần, cho dù khỉ “chồng” biết “vợ” mình sắp bị “tán tỉnh” nên nhảy dựng, nhăn mặt, trợn mắt, miệng khọt khẹt dữ dội như để báo động cho “vợ” chạy nơi khác. Nhưng ngược lại, khỉ cái dường như thích thú khỉ đầu đàn nên nó liền xề ngang cho khỉ chúa ôm gọn trong lòng. “Yêu đương” xong xuôi, khỉ chúa trở về chỗ cũ giữa sân ngồi ăn cơm tiếp, nhưng lại để mắt tìm khỉ cái khác và lập lại hành động đó. Nếu khỉ “chồng” có thái độ ghen tức sẽ bị khỉ chúa đánh tơi bời. Cứ vậy, bữa ăn nào khỉ chúa cũng… ôm ít nhất 3 con khỉ cái.

Tranh giành ngôi chúa

Việc tranh giành ngôi khỉ chúa không có thời gian nhất định, đôi khi chỉ vài tháng đã xảy ra nhưng cũng có lúc 2 - 3 năm, khi nào trong bầy có con khỉ mới lớn, khỏe mạnh, gan dạ tạo phản để soán ngôi khỉ chúa. Thành công thì đường hoàng lên ngôi, còn thất bại phải bỏ đàn mà đi. Một hôm, theo tiếng kẻng báo giờ cơm, khỉ chúa chạy ra đầu tiên, chợt có con khỉ khác chạy nhanh theo sau, kéo đuôi khỉ chúa lại, rồi chạy lên phía trước. Đó là kẻ muốn tranh giành ngôi khỉ chúa. Tức thì một cuộc chiến dữ dội diễn ra bằng cách cào cấu, cắn xé nhau, con nào mình mẩy cũng máu me đầy thương tích. Khỉ chúa nếu thua trận sẽ bỏ chạy ngay vào rừng vì nếu không sẽ bị con kia cắn đến chết. Vậy là từ đó, bầy khỉ có chúa mới và nó đường hoàng ngồi ăn ngay chính giữa bàn tiệc.

Nhóm khỉ… tàn vương

Đó là những con khỉ chúa bị soán ngôi, có cùng hoàn cảnh nên chúng dễ sống chung với nhau. Nhóm khỉ này sống riêng lẻ trong rừng sâu, không dám đến gần đàn khỉ. Đến giờ ăn, chúng chỉ ngồi quanh đâu đó, nhìn cả bầy ăn uống, thỉnh thoảng xuống bìa rừng, hối hả lượm cơm ăn, rồi chạy đi ngay vì sợ bị khỉ đực khác truy đuổi. Ngược lại, nếu có khỉ đực nào lọt vào vòng vây của nhóm khỉ tàn vương, thì cũng bị cả đám ráp lại đánh cho nhừ tử. Chính những con khỉ trong nhóm tàn vương này hay quậy phá, giật đồ của du khách vì vẫn còn bản tính “ngang tàng” như trước.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục