Lễ hội xuân 2016: Tưng bừng náo nhiệt

Ngày 13-2 (mùng 6 Tết), nhiều lễ hội lớn ở khu vực phía Bắc đã chính thức khai hội trong đó đáng chú ý nhất là lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng - Sóc Sơn, lễ chém lợn tại Ném Thượng - Bắc Ninh… Đây không chỉ là những lễ hội lớn về quy mô mà còn là những điểm nóng gây bức xúc dư luận trong những mùa hội trước. Song trái với lo ngại của cơ quan quản lý, phần lớn các lễ hội đều có khởi đầu yên ả, đúng theo kịch bản.
Lễ hội xuân 2016: Tưng bừng náo nhiệt
  • Lễ hội Gióng - Sóc Sơn: “Cướp” lộc đúng kịch bản
  • Lễ hội Ném Thượng: Không chém lợn công khai trước sân đình
  • Chùa Hương khai hội trong “biển” người

Ngày 13-2 (mùng 6 Tết), nhiều lễ hội lớn ở khu vực phía Bắc đã chính thức khai hội trong đó đáng chú ý nhất là lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng - Sóc Sơn, lễ chém lợn tại Ném Thượng - Bắc Ninh… Đây không chỉ là những lễ hội lớn về quy mô mà còn là những điểm nóng gây bức xúc dư luận trong những mùa hội trước. Song trái với lo ngại của cơ quan quản lý, phần lớn các lễ hội đều có khởi đầu yên ả, đúng theo kịch bản.

Đưa du khách vượt suối Yến tới chùa Hương

“Cướp” lộc đúng kịch bản

Ngay từ sáng sớm 13-2, hàng ngàn du khách và người dân địa phương đã có mặt tại khu vực trung tâm đền Sóc Sơn - Hà Nội để tham dự lễ hội Gióng - tưởng nhớ ân đức của Đức Phù Đổng Thiên Vương, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Từ nhiều năm trước, nghi lễ dâng vật phẩm, lễ phẩm tế Thánh tại đền Thượng luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách bởi quan niệm, nếu cướp được các vật phẩm, lễ phẩm này thì năm đó sẽ được lộc. Chính vì tâm lý này nên từ nhiều năm qua khu vực hành lễ bỗng trở thành “điểm nóng” của những màn “đấu gậy” của một số thanh niên đi hội. Đỉnh điểm của màn cướp vật phẩm diễn ra vào mùa hội năm 2015 khi cả trăm thanh niên tay lăm lăm gậy gộc, phang nhau để tranh cho được một giò hoa tre hoặc một lá trầu... trong khi vật phẩm đó còn chưa được dâng lễ. Rút kinh nghiệm từ mùa hội trước, an ninh được thắt chặt, quy định không mang gậy vào khu vực hành lễ được thực hiện nghiêm. Mọi hoạt động từ rước, tế lễ… diễn ra yên ả đúng nghi thúc trong vòng vây bảo vệ dày đặc của lực lượng bảo vệ, thanh niên tình nguyện. Mỗi làng một bài văn tế nhưng đều trên tinh thần cầu Phù Đổng Thiên Vương ban một năm mới mưa thuận gió hoà cho dân làng.

Màn cướp lộc tre trong lễ hội Gióng - Sóc Sơn vẫn diễn ra nghẹt thở nhưng không có gậy gộc, đổ máu

Kịch tính bắt đầu khi đoàn rước hoa tre rời khỏi đền Thượng về đền Hạ phục lễ. Thanh niên hò reo theo đoàn rước, đám đông đổ dồn theo kiệu rước. May mắn đoàn bảo vệ hộ tống lễ phẩm an toàn tới nơi hành lễ. Chỉ chờ xong nghi lễ, các cụ cao niên hô lệnh tán lộc, hàng rào bảo vệ bên ngoài mở lối cho đám đông vào. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút toàn bộ kiệu giò hoa tre đã bị cướp sạch. Mặt dù không xảy ra xô xát lớn nhưng màn tranh cướp diễn ra nghẹt thở khiến cả bát hương bằng đồng rất lớn được đặt tại sân đền Trình đã bị xô đổ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với kiệu trầu cau sau khi được tế lễ ở sân đền Mẫu thuộc khu vực đền Sóc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người dân cũng như ban tổ chức thì việc “cướp” lộc này được diễn ra theo đúng kịch bản…

Được biết ban tổ chức huy động 300 tình nguyện viên mặc áo xanh tình nguyện, công an huyện chỉ tham gia vòng ngoài. Lực lượng bảo vệ chính vẫn là dân làng, hộ tống vật phẩm của họ.

Không chém lợn công khai trước sân đình

Sáng cùng ngày, tại khu vực sân đình Ném Thượng - Bắc Ninh, nơi được coi là điểm “nóng” nhất của mùa lễ hội xuân năm trước bởi những tranh cãi nhiều chiều quanh hành vi chém lợn trước sân đình được cho là man rợ, phản cảm… cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương, cơ quan quản lý và giới truyền thông.  

Lễ hội Ném Thượng được phục dựng gần 2 chục năm nay, nghi lễ chém lợn cũng được người dân địa phương khôi phục và gìn giữ. Lễ hội làng Ném Thượng với tục chém lợn nhằm phản ánh lại việc danh tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân và được xem là một nghi lễ rất độc đáo. Tuy vậy, trước nhiều ý kiến dư luận, năm nay, nghi thức chém lợn tại giữa sân đình được thay thế bằng việc mổ lợn tại một khu vực khác, tránh để xảy ra tình trạng chen lấn trong lễ hội, hạn chế những hình ảnh bạo lực. Vì thế, với mục đích có một lễ hội văn hóa, lành mạnh, hợp lòng dân, trước mùa lễ hội năm nay, rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý và người dân địa phương đã được tổ chức để cùng nhau đưa ra các phương án khả thi nhất.

“Ông ỉn” được rước quanh làng trước khi thực hành nghi lễ chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng - Bắc Ninh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, từ sớm ngày 13-2, hàng trăm người dân trong vùng đã rước hai “ông ỉn” từ đình làng Ném Thượng đi quanh vùng. Đi đến đâu, “ông ỉn” thu hút sự chú ý của người dân khu vực đến đó. Tục lệ chém lợn được người dân làng Ném Thượng duy trì từ nhiều năm nay với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi. Sau màn rước hai “ông ỉn” đi khắp làng. Đến gần 11 giờ trưa, người dân đưa về đình làng để tổ chức nghi lễ chém lợn. Rất đông người dân đổ về khu vực sân đình để được tận mắt theo dõi lễ “trảm” hai “ông ỉn”. Lễ chém lợn làm cỗ thánh diễn ra đúng 11 giờ trưa ngày mùng 6 tháng Giêng, sớm hơn so với năm trước 1 giờ. Ban tổ chức tiến hành quây bạt phía Tây đình, ngăn cách người dân bằng hàng rào sắt và lực lượng công an bảo vệ. Nếu như mọi năm người dân chứng kiến lễ chém lợn, năm nay chỉ có hai khai đao, đại diện gia đình ông đám (nuôi lợn tế lễ) và ban tổ chức chứng kiến. Trưởng ban tổ chức chia sẻ mặc cho một số người dân cảm thấy có chút hụt hẫng bởi nghi lễ chém lợn có thay đổi nhưng đó cũng là lẽ đương nhiên, song nhìn chung, lễ hội năm nay thành công, vì thực hiện đúng cam kết với các cơ quan chức năng.

Chùa Hương khai hội trong “biển” người

Ngày13-2, Thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) đã đánh trống khai hội, chính thức bước vào lễ hội có quy mô và thời gian kéo dài nhất miền Bắc.

Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, để đảm bảo cho lễ hội diễn ra thành công, an toàn, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 15 đội xử lý và kiểm tra liên ngành, tăng cường quản lý, đảm bảo trật tự, giao thông đi lại thuận lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm... đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội của du khách thập phương. Trước mùa lễ hội, tất cả các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đầy đủ quy chế, quy định nhằm đảm bảo cho du khách đến trẩy hội được an toàn, thuận lợi và dễ dàng. Năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức xe buýt trợ giá, có wifi, đi từ Hà Nội về xã Hương Sơn. Ban tổ chức lễ hội cũng phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ để hướng dẫn du khách và kiểm tra, phát hiện những trường hợp một số người dẫn khách trốn vé, sử dụng vé thắng cảnh giả hoặc quay vòng vé, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong công tác quản lý và kiểm tra vé thắng cảnh.

Du khách chờ cáp treo tại chùa Hương

Ngay trong ngày khai hội đầu tiên, gần 5.000 đò ở chùa Hương đã hoạt động hết công suất để phục vụ lượng du khách khổng lồ về đây du xuân, lễ phật. Cũng chính do lượng khách tham dự lễ hội chùa Hương tăng đột biến vì thế tại bến Thiên Trù có thời điểm xuồng, đò, đỗ kín đặc khiến việc lên bến của du khách khá khó khăn. Cùng đó hiện tượng ùn tắc kéo dài tại khu vực nhà ga cáp treo lên động Hương Tích tiếp tục tái diễn khiến nhiều du khách tỏ ra khá mệt mỏi trong cái nắng gay gắt của Hà Nội sau nhiều ngày rét đậm. Theo ước tính của ban tổ chức, trong ngày khai hội có khoảng hơn 10 vạn lượt khách tham gia trẩy hội.

MAI AN

 Khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính

Sáng 13-2 (mùng 6 Tết), tại chùa Bái Đính tọa lạc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính. Dự lễ khai hội có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; cùng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và hàng ngàn tăng ni, phật tử, du khách thập phương tới dự.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu rõ, từ xưa đến nay, tư tưởng đạo phật rất được coi trọng trên mảnh đất Ninh Bình. Ninh Bình là nơi có nhiều di tích ghi nhận sự phát triển của Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ và những đóng góp của các vị tăng ni cho sự phát triển của đất nước, trong đó có chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính được xây dựng từ cuối thế kỷ X, là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng được người xưa kính trọng và tôn thờ. Đến nay, chùa Bái Đính được xây dựng, mở rộng với nhiều hạng mục công trình đạt kỷ lục tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng bộ Tài chính đã đánh trống, đánh chiêng khai hội. Tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức đã dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

MINH TÂM

Tin cùng chuyên mục