Nghệ thuật hòa bình

Vào lúc thế giới đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự, nước Pháp có cách riêng của mình để bày tỏ mong muốn hòa bình. Từ giữa tháng 10-2016 cho đến giữa tháng 1-2017, tại Petit Palais, Paris, Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm: “Nghệ thuật hòa bình: Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp”.
Nghệ thuật hòa bình

Vào lúc thế giới đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự, nước Pháp có cách riêng của mình để bày tỏ mong muốn hòa bình. Từ giữa tháng 10-2016 cho đến giữa tháng 1-2017, tại Petit Palais, Paris, Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm: “Nghệ thuật hòa bình: Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp”.

Lần đầu tiên, khoảng 40 hiệp định và hơn 60 tài liệu trong kho lưu trữ văn kiện ngoại giao được trưng bày, tiêu biểu nhất cho lịch sử quan hệ quốc tế của nước Pháp. Bên cạnh các tài liệu này là những bức tranh, ảnh, tượng điêu khắc, đồ dùng hoặc các đồ mỹ thuật quý hiếm, những thước phim tài liệu cho phép nắm bắt được bối cảnh lịch sử, hiểu được nội dung của các văn bản ngoại giao, quá trình đàm phán…

Bức thư của vua Xiêm Rama IV gửi Hoàng đế Napoleon

Các tài liệu lưu trữ đặc biệt ví dụ như Hiệp ước Arras (năm 1435) đi kèm với những bức tranh minh họa. Bức tranh của Sebastiano Ricci (1659-1734), vẽ cảnh Giáo hoàng Paolo III, vào năm 1538, đã đạt được một sự hòa giải ngắn ngủi giữa Francois đệ nhất và Charles Quint. Triển lãm còn có gian trưng bày một số hiệp ước mà nước Pháp phê chuẩn. Các tài liệu lưu trữ này đều in đậm dòng chữ to “Xin chào tất cả những ai đọc những tài liệu này”. Đây là mẫu câu mà các vua Pháp đã dùng. Khi chuyển sang chính thể cộng hòa, các tổng thống Pháp cũng dùng lại, được coi như một bảo đảm của nhà nước chủ quyền đối với các hiệp ước mà các bộ trưởng, các nhà đàm phán đã ký kết. Cho đến tận năm 2011, theo quyết định của Tổng thống Nicolas Sarkozy, câu nói trên được đơn giản hóa với dòng chữ: Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, chiểu theo điều 52 Hiến pháp, phê chuẩn.

Bên cạnh câu viết trên, để bảo đảm sự hợp lệ các văn bản ngoại giao còn thường được gắn dấu si. Ấn tượng nhất là bản tuyên bố của giới quý tộc Ba Lan về việc bầu Henri de Valois làm vua Ba Lan. Văn bản làm tại Kamien, ngày 23-5-1573, có tới 120 dấu gắn si đính kèm. Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên bên trong Liên bang Ba Lan-Litva bao gồm một phần lãnh thổ các nước Ba Lan, Litva hiện nay. Hơn 40.000 thành viên trong giới quý tộc Ba Lan tham gia cuộc bầu cử và lựa chọn Henri de Valois làm vua.

Bà Gaelle Rio, một trong những chuyên gia của Viện bảo tàng Paris, cho biết các vật phẩm lựa chọn để trưng bày các hiệp định tiêu biểu nhất, đồng thời, cũng là những văn bản đẹp nhất. Trong số những tài liệu quý, người xem có thể chiêm ngưỡng bức thư của vua Xiêm Rama IV gửi Hoàng đế Napoleon ngày 17-3-1861. Thư là một dải vàng mỏng, có khắc chữ. Đích thân Hoàng đế Napoleon và Hoàng hậu Eugénie đã tiếp ba đại sứ Xiêm trình bức thư độc đáo này cùng nhiều tặng phẩm quý giá khác vào ngày 27-6-1861, tại lâu đài Fontainebleau.

Phần tiếp theo của triển lãm là gian trưng bày các tài liệu liên quan đến những quy định và thủ tục lễ tân cần tuân thủ để tiến hành đàm phán hòa bình. Từ thế kỷ 16, các quốc vương hạn chế đi lại và dần dần giảm bớt các cuộc gặp gỡ cấp cao. Các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý được chú trọng hơn. Từ thế kỷ 17 và 18 trở đi, việc đàm phán, thương lượng ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, vào năm 1712, Colbert de Torcy (1665-1746), một trong những nhà ngoại giao có tài dưới thời vua Louis 14, đã có ý định thành lập trường đào tạo đầu tiên về ngành ngoại giao.

Nhiều cuốn sách quý được trưng bày, có thể là tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các trường đào tạo ngoại giao thời nay, như cuốn Đại sứ và các nhiệm vụ, của nhà ngoại giao Hà Lan Abraham de Wicquefort (1606-1682), nhà xuất bản Pierre Marteau, ở Cologne, năm 1715. Hoặc cuốn Một đại sứ hoàn hảo của Juan Antonio de Vera Zuniga y Figueroa (1583-1658), nhà xuất bản Theodore Haak, năm 1709.

Một công ước không thể thiếu trong cuộc triển lãm này: Công ước Liên hiệp quốc về luật biển, được ký kết tại vịnh Montego, ngày 10-12-1982. Công ước này đã được hầu hết các nước phê chuẩn ngoại trừ một số nước trong đó có Mỹ.

MINH CHÂU (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục