Tựa núi nhìn sông…

Tựa núi nhìn sông…

1. “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/Ai vô xứ Nghệ thì vô!”.

Khi chưa vô Nghệ, thỉnh thoảng nhớ - nghe câu ca dao này tôi lại không khỏi bật cười. Đang lãng mạn là thế, đang vẽ ra, dẫn đường đưa con người ta vào chốn thủy mặc huê tình như thế… bỗng dưng “độp” phát khiến người dấn bước chưng hửng. Nhưng, vô được Nghệ rồi, thì… như GS Trần Quốc Vượng, trong sách Dặm dài đất nước, nhận định: “Hiệu quả âm thanh cụt ngủn gây một thoáng bất ngờ, lý thú, đích thực xuất lộ một “cá tính xứ Nghệ”: Phải ở lâu, ở gần người Nghệ, con gái Nghệ An, mới thấm/ ngấm được cái chất nồng nàn, ấm áp, sâu lắng của “cá tính xứ Nghệ”, thô đấy mà tinh, lý đấy nhưng tình đây…”.

Suốt dặm dài đất nước, có nhiều “cặp đôi” núi - sông tạo nên biểu tượng, văn hóa… cho một vùng. Như núi Tản - sông Đà, núi Ngự - sông Hương, núi Ấn - sông Trà… Về tổng thể, nhất là văn hóa, thì khó có thể nói “cặp đôi” nào hơn “cặp đôi” nào. Nhưng, nếu được phép thì tôi cả quyết rằng, “cặp đôi” núi Hồng - sông Lam trội hơn cả. Trội không hẳn ở độ rộng dài, cao thấp địa lý, mà trội ở tính biểu tượng và từ biểu tượng sinh ra, ấy là người Nghệ. Không phải đơn thuần mà núi Hồng - sông Lam được triều Nguyễn cho khắc lên Cửu đỉnh để lưu truyền muôn đời, hiện đặt tại sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Núi Hồng được khắc trên Anh đỉnh. Anh đỉnh tượng trưng cho sự hiển đạt. Sông Lam được khắc trên Tuyên đỉnh. Tuyên đỉnh tượng trưng cho sự tinh thông. Thật chí lý, chí tình. Đã là người Nghệ và biết Nghệ, hẳn ai cũng ngấm câu: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước họ này hết quan và Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình. Quả là, cái Tài và cái Tình người Nghệ luôn đong đầy.

Ảnh: T.L

2. Nơi sông Lam gặp núi Hồng - mảnh đất Nghi Xuân - đã sinh ra hai con người nổi tiếng. Người đời ngưỡng mộ Đại thi hào Nguyễn Du và cũng mê phục cả cụ Nguyễn Công Trứ. Thầy Phan Đăng của chúng tôi ở Đại học Khoa học Huế thường kể một giai thoại, qua đó thấy được phần nào cốt cách của Uy Viễn Tướng công. Đại ý, ấy là năm 1843, lần ông bị vua tước hết các chức quan, giáng phạt xuống làm lính thú. Một lần, quan địa phương đi tuần và một trong mấy người khênh kiệu chính là Nguyễn Công Trứ. Do không để ý, dọc đường đi vị quan này mới phát hiện ra, vội xuống mời Nguyễn Công Trứ lên kiệu, còn mình xin đi bộ. Nguyễn Công Trứ đáp lời: “Việc của tôi là khênh kiệu, việc của quan lớn là ngồi kiệu. Xin quan lớn hãy để cho tôi làm tròn bổn phận, công việc của mình”. Và có lẽ, chỉ có con người mang tâm thế như vậy mới bật ra được những câu thơ - lời hát nói: Được mất dương dương người tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong/ Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không tiên, không vướng tục.

Lần hồi tìm về Cổ Đạm (Nghi Xuân), một trong những cái nôi của ca trù. Ngày xưa ở Cổ Đạm có Đền Xứ. Cứ đến tháng Chạp giáo phường ở Nghệ An và Hà Tĩnh lại về đây dâng hương lên tổ nghề và đua tài mấy ngày liền. Bây giờ Đền Xứ không còn. Đứng nơi xưa kia là “sân khấu” ca trù, phóng tầm mắt qua đầm nước phía trước và hướng lên núi Hồng, tự nhiên lại nghĩ tới cụ Nguyễn Công Trứ. Lối nào đưa Cậu Củng thưở hoa niên đi hát ca trù, đến khi làm quan về làng, đào nương xinh đẹp năm xưa gợi nhắc: Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng? Bạt ngàn thông reo vách núi trên kia, có còn bóng thông nào ngày xưa đã sinh ra cảm hứng: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo?. Rồi chợt mỉm cười về cái thông minh, hóm hỉnh của cụ khi về già còn lấy vợ trẻ. Tân nhân dục vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Vợ mới hỏi chàng bao nhiêu tuổi? Năm mươi năm trước anh hai ba!). Và lại bùi ngùi, kính phục khi vào năm cuối đời, đã 80 tuổi, nhưng hay tin quân Pháp đánh vào Đà Nẵng, Uy Viễn Tướng công đã xin nhà vua cho ra trận! Nhưng rồi Tướng công đành phải gác “chí làm trai” để “làm cây thông đứng giữa trời” Ngàn Hống!

3. Trong sách Dặm dài đất nước, PGS Ninh Viết Giao thổ lộ: “Nghệ Tĩnh nói chung thiên nhiên đa dạng, phong phú mà cũng là khắc nghiệt. Sống ở Nghệ Tĩnh vài chục năm nay, tôi cảm nhận được chất khắc khổ, kiệm cần đôi khi đến mức “siêu” của người Nghệ Tĩnh”. Và Phó giáo sư kể, trong mấy bận hầu chuyện GS Đặng Thai Mai, thầy hay nửa đùa nửa thật bảo rằng: “Nghệ đậm chất “ông đồ” hơn, Tĩnh đậm chất “quan” hơn. Nghệ đậm chất “nông dân” hơn, Tĩnh đậm chất “buôn bán” hơn”… Tuy nhiên, một số người lại nói ngược lại ý thầy. GS Trần Quốc Vượng thống nhất phải để “ngâm cứu”, “nghiền ngẫm” thêm. Còn PGS Ninh Viết Giao thì: “Với con mắt tôi nhìn, về văn minh thôn dã, văn hóa dân gian, về Folklore theo nghĩa hẹp hơn, thì chỉ có một vùng Folklore Nghệ Tĩnh”.

Núi Hồng - sông Lam đã tạo tác nên đất phát nhân tài, nổi tiếng có thể kể: Tiên Điền (Nghi Xuân), Trường Lưu (Can Lộc), Yên Hồ (Đức Thọ); Hoành Sơn, Trung Cần (Nam Đàn),… Trong sách Dặm dài đất nước, GS Vũ Ngọc Khánh đã trả lời GS Trần Quốc Vượng: “Đại khái người Nghệ Tĩnh bọn tớ là 4 người (4 tính cách) trong mỗi con người: - Một người nông dân “khổ dây”. - Một người quan cách: Rất nhiều quan to xứ Nghệ Tĩnh, nhất là từ thời Lê Trịnh trở về sau. - Một ông đồ hay chữ và cũng hay nệ chữ: “ông đồ Nghệ” đã là một nhân vật của lịch sử và của Folklore. Nho - Y - Lý - Số đủ cả. Thuật phong thủy ai bằng Tả Ao? Y thánh là Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn. - Một nghệ sĩ phiêu diêu, tiêu dao, thậm chí phiêu lãng nữa… Chỉ cần 3 thí dụ: Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ… Tiên phong đạo cốt cũng nhiều, chỉ kể một người tiêu biểu: La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp”.

4. Cái “mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt” (Hoàng Trần Cương) sao có thể nuôi lớn bao người tài, người đẹp, người tình…? Tôi từng men sông Lam đi tìm một “cái gì đó” cho câu hỏi quá lớn này. Có đi theo sông Lam mới thấm hiểu ý nghĩa khi ông cha gọi là “tay tre”, thế đứng của tre. Khi mùa lũ về, những lũy tre vùng Hưng Lợi, Hưng Nhân, Hưng Lam… đã “kết tay” tạo thế đứng mà bao bọc lấy con người. Bên sông Lam tôi mới được biết tới lễ hội rước hến ở Đền Thanh Liệt (Hưng Lam, Hưng Nguyên). Những con người “ăn đời ở kiếp” với sông đã biết trọng “họ nhà hến” - cái họ “tầng dưới” của dòng sông. Nhưng chính cái họ này đã “câm lặng” quên mình nuôi sống biết bao thế hệ người. Và rồi bên kia Cát Văn (Thanh Chương) tôi bắt gặp Khúc hát sông quê của nhà thơ Lê Huy Mậu. Lâu nay nghe bài hát nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, hay, nhưng vẫn mang cảm giác nó “chảy mãi đến vô cùng”. Còn về ngồi bên bến đò Cung cùng bạt ngàn ngô nhẩm thơ Lê Huy Mậu mới thật khắc khoải đến vô cùng:

Ngỡ như người đã hát thay tôi/ ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/ tuổi thơ ơi!/ quá nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê/ như thuở nhỏ/ úp mặt vào lòng mẹ/ để tìm sự chở che…

Mỗi lần nhẩm những câu thơ khắc khoải này, tôi lại nghĩ đến loài cá hồi - cá hồi hương: theo sông ra biển lớn là để trở về nguồn. Trở về “chốn ta ngồi ngóng mẹ”, tựa vạt cỏ triền đê, nhìn sông đi mà chiêm ngẫm: Ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục