Về Cầu Đất uống cà phê sạch

Về Cầu Đất mùa này, đi giữa bạt ngàn những đồi trà, cà phê xanh ngát, hà hít hương thơm ngào ngạt của những ly cà phê được rang xay tại chỗ, một cảm giác trong lành, nồng ấm đến vô cùng…
Về Cầu Đất uống cà phê sạch

Về Cầu Đất mùa này, đi giữa bạt ngàn những đồi trà, cà phê xanh ngát, hà hít hương thơm ngào ngạt của những ly cà phê được rang xay tại chỗ, một cảm giác trong lành, nồng ấm đến vô cùng…

Ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Cầu Đất (thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt), anh Võ Khanh, Chủ nhiệm HTX đang tất bật, vừa làm vừa tiếp chúng tôi. Một thúng cà phê hạt đều chằn chặn được anh Khanh đổ vào máy rang. Cà phê nguyên chất, không pha trộn, nhìn qua đồng hồ để kiểm soát nhiệt độ, màu sắc của hạt cà phê trong suốt quá trình rang. Từ màu xanh ngọc, hạt cà phê chuyển dần sang màu vàng, màu nâu. Tùy “gu” của khách mà  rang đến độ nào cho phù hợp.

Cà phê Cầu Đất được phơi trên giá cao, trong nhà kính

Anh Võ Khanh cho biết, HTX Cầu Đất mới được thành lập một năm trước, có 30 hộ xã viên, chủ yếu là làm cà phê (45ha) có vai trò liên kết sản xuất, là cầu nối giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Hiện doanh nghiệp Cầu Đất Farm là đơn vị bao tiêu chủ yếu, với yêu cầu sản xuất đúng quy trình, sản phẩm đạt chuẩn. Nếu như trước đây bà con dùng nhiều phân hóa học thì nay chủ yếu dùng phân vi sinh. Thu hái cũng phải đảm bảo chất lượng, quả chín đều, không có quả xanh, vì thế  mỗi vụ có thể phải hái tới 4 đợt. Thu hái kiểu này khá mất công, nếu như công hái xô (cả quả chín, quả xanh) khoảng 1.800 đồng/kg, thì hái chọn thế này lên tới 2.800 đồng/kg, mà giờ cũng không kiếm ra người. Câu chuyện làm ăn sôi nổi quanh ly cà phê thơm nức. Từ chuyện làm cà phê sạch, chuyện trồng trọt, chăm sóc cây cà phê theo công nghệ mới, dùng phân vi sinh thay thế phân hóa học, chuyện thu hái, phơi phóng theo tiêu chuẩn…, đến chuyện cần phải lên án, tẩy chay cà phê bẩn, cà phê bắp, đậu nành, dùng hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo bọt…  

Làm việc ngay tại cơ sở, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Hòa, người phụ trách thu mua, giám sát chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Cầu Đất Farm, tỉ mỉ giới thiệu từng loại cà phê - đây là các dòng cà phê arabica, giống cà phê đặc trưng của vùng Cầu Đất. Vùng này độ cao đến trên 1.500m, khí hậu mát lạnh, lý tưởng nhất cho giống cà phê arabica được đánh giá ngon nhất nhì thế giới. Độ cao, khí hậu và đặc biệt là chất đất bazan ở đây cho cà phê có năng suất và chất lượng tốt nhất. Hiện doanh nghiệp Cầu Đất Farm là đơn vị chuyển giao kỹ thuật và bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho HTX.

Anh cán bộ tư pháp xã Nguyễn Song Vũ, nguyên Bí thư Đoàn xã Xuân Trường, (mới 33 tuổi) là một trong những người tiên phong làm cà phê sạch. Theo anh, thời buổi này phải liên kết sản xuất mới mạnh và hạn chế rủi ro. Cầu Đất Farm là doanh nghiệp đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Doanh nghiệp liên kết với nông dân, hướng dẫn các hộ dân trồng, chăm sóc thu hái cà phê theo đúng quy trình. Việc chăm sóc cà phê được hướng đến thân thiện môi trường, hạn chế dùng phân hóa học, khuyến khích dùng phân vi sinh, tái sử dụng các phụ phẩm như vỏ cà phê làm phân bón. Sản phẩm bán ra thị trường thông qua Cầu Đất Farm rất chuẩn, nên kể cả những bạn hàng khó tính cũng đều rất “ok”. Đến nhà anh Vũ, chúng tôi được tham quan những giàn phơi cà phê trong nhà vòm. Quả cà phê chín hái về, sau khi xay, ủ, đưa lên giàn phơi. Trên giàn có những tờ nhật ký ghi rõ ngày tháng xay xát, ủ, phơi để theo dõi. Anh Vũ cho biết phơi kiểu này bảo đảm vệ sinh, không bị đất cát, bụi bẩn, nhiệt tốt. Anh Vũ còn giới thiệu cho chúng tôi loại cà phê đặc biệt, đó là cà phê mật ong - cà phê honey. Loại này làm cầu kỳ hơn bình thường.

Một ngày ở Cầu Đất, đắm mình trong không gian cà phê, được nhấm nháp hương vị chua thanh, đắng nhẹ của những ly cà phê thật và sạch được tạo ra một cách công phu từ bàn tay người nông dân… Một cảm giác được trân trọng và cũng thật trân trọng những người đã làm ra sản phẩm đẳng cấp này.

Cà phê là cây trồng chính, nguồn thu nhập chính của bà con nông dân Tây Nguyên. Làm thế nào để đời sống người dân ở đây ngày càng được cải thiện - một dự án phát triển cà phê ở Tây Nguyên (VnSAT) đã được khởi động. Mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân và giảm các tác động tiêu cực tới môi trường, thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững.  Tại Lâm Đồng, dự án VnSAT đang được triển khai ở 8 huyện, thành phố  trọng điểm trồng cà phê, gồm: TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, với khoảng 16.000ha cà phê, 14.700 nông hộ tham gia.

BÍCH HIỀN

Tin cùng chuyên mục