Vệt nước màu đỏ tại biển Vũng Áng là do sự bùng phát của tảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra hiện tượng nước biển xuất hiện vệt màu đỏ tại khu vực cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương ở Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Vệt nước màu đỏ tại biển Vũng Áng là do sự bùng phát của tảo

Theo báo cáo, ngày 19-1-2017 và ngày 18-2-2017 tại khu vực cảng Vũng Áng (từ gần Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đến khu vực các hộ kinh doanh bè nổi tại cảng Vũng Áng) và khu vực đê chắn sóng cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh (FHS) xuất hiện nhiều vệt nước nổi bọt màu đỏ.

Vệt nước màu đỏ xuất hiện một thời gian ngắn tại khu vực đê chắn sóng cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh ngày 17-2-2017, sau đó biến mất.

Ngay sau khi nhận được các thông tin, Bộ TN-MT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổ giám sát của Bộ và Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích (mẫu thực vật phù du được gửi cho Viện Tài nguyên và Môi trường biển Hải Phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Về hiện tượng nước biển có màu đỏ

Ngày 19-1-2017, tại khu vực cảng Vũng Áng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Viện Công nghệ môi trường và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khảo sát và lấy 4 mẫu nước biển. Tiếp đó, ngày 25-1-2017, Viện Công nghệ môi trường tiến hành lấy 4 mẫu nước biển vào thời điểm nước bình thường tại khu vực này. Đến ngày 18-2-2017, hiện tượng nước màu đỏ lại xuất hiện tại khu vực bờ biển thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (khu vực cảng Vũng Áng, nằm liền kề với vùng biển xuất hiện nước màu đỏ vào ngày 19-1-2017) và bên trong đê chắn sóng cảng Sơn Dương của FHS.

Quan sát bằng mắt thường nhận thấy nước biển gần bờ thôn Hải Phong có màu hồng nhạt, không thấy hiện tượng hải sản chết; các vệt nước màu đỏ tại cảng Sơn Dương xuất hiện từ ngày 16 đến 18-2-2017, diện tích khoảng 100m2, quan sát thấy xuất hiện nhiều cá thể nhìn giống trứng sứa có đường kính từ 3-5cm.

Qua trao đổi với một số hộ dân thôn Hải Phong cho biết hiện tượng nước biển có màu đỏ xuất hiện từ sáng sớm (khi thủy triều lên) và hàng năm tại khu vực này vẫn thường xuất hiện hiện tượng này (gọi là mé nước).

Kết quả phân tích 6 mẫu nước biển

Tại cảng Vũng Áng vị trí xa bờ 1.000m và ở tầng đáy đạt quy chuẩn cho phép, mẫu nước sát bờ và cách bờ 500m ở tầng mặt có Amonia vượt từ 1,34 - 1,78 lần; tại cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần. Các thông số ô nhiễm khác đều đạt quy chuẩn cho phép. Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500m và 1.000m) và 1 mẫu tại cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao: vệt nước màu hồng tại cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/lml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135.000 tế bào/1 lít nước biển.
 
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, trong thời gian vừa qua có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (bloom - sự nở hoa của nước hay còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của cảng Sơn Dương và cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Qua khảo sát các mẫu thu ngày 18-2 thấy rằng, tảo này đã bắt đầu tàn lụi.

Theo các tài liệu nghiên cứu đã có trên thế giới, loài tảo Noctiluca scintillans sau khi tàn lụi thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước. Hiện tượng này rất phù hợp với kết quả phân tích chất lượng nước biển khu vực. Loài tảo này không sinh độc tố sinh học, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thủy sản. Nhưng ở mật độ cao chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, gây tình trạng cạn kiệt ôxy trong nước…
 
Từ trước đến nay, hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans đã được ghi nhận tại một số vùng ven biển Việt Nam.

Ở vùng biển Nam Trung bộ, vào tháng 2-1996 tảo Noctiluca scintillans nở hoa ở khu vực vịnh Vân Phong - Bến Gỏi (tỉnh Khánh Hòa) với mật độ đạt tới hàng triệu tế bào trong một lít nước biển.

Ở vùng ven bờ biển phía Bắc, từ cuối tháng 3 đến tháng 4-2012, loài tảo này bùng phát với mật độ cao, tạo ra các váng nước nổi trên bề mặt biển tại một số điểm thuộc khu vực ven biển Đồ Sơn - Cát Bà. Lớp váng có màu từ hồng nhạt đến đỏ tuỳ thuộc vào mật độ và giai đoạn phát triển của tảo.

Tảo Noctiluca scintillans là loài sống tự do, không ký sinh, có khả năng phát quang sinh học khi bị khuấy động do trong tế bào chất của chúng có phản ứng luciferin-luciferase trong hàng ngàn bào quan dạng hình câu, được gọi là scintillons. Noctiluca scintillans là loài không có khả năng quang hợp, hình thức dinh dưỡng của chúng theo kiểu thực bào với nguồn thức ăn là các loài sinh vật phù du, tảo silic, tảo hai roi khác, trứng cá và vi khuẩn. Màu của tảo phụ thuộc vào vi khuẩn cộng sinh bên trong tế bào, nếu vi khuẩn cộng sinh màu đỏ thì tảo màu đỏ (phân bố ở khu vực biển phía Bắc Việt Nam) và vi khuẩn cộng sinh bên trong màu xanh thì tảo màu xanh (phân bố ở khu vực Tây Nam Bộ và vịnh Thái Lan). Sự tập trung cao các sinh vật phù du khác là nguồn thức ăn của loài tảo này (các sinh vật phù du khác phát triển do điều kiện môi trường như: hỗn hợp vùng nước giàu dinh dưỡng và các yếu tố lưu thông theo mùa) dẫn đến bùng nổ số lượng Noctiluca scintillans, được gọi là ’’thủy triều đỏ với màu nước đỏ như máu…


DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục