Ngành mỹ thuật ứng dụng: Thiếu chiến lược đào tạo dài hơi

Ngành mỹ thuật ứng dụng: Thiếu chiến lược đào tạo dài hơi

Vài năm gần đây, cùng với rất nhiều trường, nhiều khoa và trung tâm đào tạo mở ra với giáo trình đào tạo phong phú đã góp phần mở ra nhiều cánh cửa mới cho sinh viên yêu thích ngành mỹ thuật. Có thể nói đây là một thách thức, một cuộc đua cần thiết cho các trường đào tạo mỹ thuật chính thống ở TPHCM.

Cửa chính, cửa phụ

TPHCM hiện có trên 15 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành mỹ thuật ứng dụng, như Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, ĐH Kiến trúc, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Dân lập Văn Lang, Arena Multimedia, FPT Arena, RMIT… Trong số đó, ĐH Kiến trúc và ĐH Mỹ thuật TPHCM - 2 trường công lập được xem là trường chủ lực về đào tạo ngành này suốt nhiều năm qua.

“Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM đào tạo họa sĩ mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn, khả năng tư duy, phát triển ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ thị giác để sáng tạo các sản phẩm đồ họa hai chiều (2D). Sinh viên mỹ thuật ứng dụng sẽ được học mỹ thuật tạo hình cơ bản, sau đó bước vào chuyên môn sâu: thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu như logo, biểu tượng, catalogue, lịch tờ rơi; thiết kết sách ảnh, minh họa, truyện tranh; thiết kế quảng bá sự kiện… Sau 5 năm, các em ra trường có thể vừa vẽ tay vừa thành thạo thiết kế, tạo hình các loại trên máy”, PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ.

Khoa Mỹ thuật ứng dụng (hay Mỹ thuật công nghiệp) ĐH Kiến trúc TPHCM được thành lập từ năm 1993, hiện đang đào tạo 3 ngành chính là thiết kế đồ họa, tạo dáng công nghiệp và thiết kế thời trang. TS Ngô Thị Thu Trang, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, cho biết: “Nếu như trước đây chúng tôi đào tạo chương trình 5 năm thì hiện nay đã chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, rút ngắn chỉ còn 4 năm. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên được tạo điều kiện thực tập tại các đơn vị chuyên ngành. 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, không ít bạn đã và đang thành công trong nghề với các sản phẩm, công trình thiết kế chất lượng, tạo ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao”.

Bên cạnh đó, các trường quốc tế, liên kết như Arena Multimedia, RMIT, FPT Arena... tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng đã có các chương trình đào tạo mỹ thuật bài bản, phong phú, toàn diện và thực dụng hơn bởi giáo trình quốc tế, thời gian đào tạo tập trung và ngắn hơn so với các trường công lập, với cách thức đầu tư, giảng dạy và tư duy truyền thống. Cụ thể họ có nhiều nhánh đào tạo chi tiết như thiết kế đồ họa - quảng cáo; nhiếp ảnh - xử lý ảnh kỹ thuật số; dàn trang sách báo - tạp chí - in ấn và xuất bản; lập trình, thiết kế web và các ứng dụng online; thiết kế games và các sản phẩm tương tác; kỹ xảo điện ảnh số.

Lớp học của Trung tâm Đào tạo mỹ thuật ứng dụng Art Creative

Đào tạo và định hướng

Để đào tạo và định hướng đội ngũ họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng giỏi nghề và tự tin, tạo được dấu ấn trong làng mỹ thuật ứng dụng thế giới là không dễ. Các họa sĩ, các nhà thiết kế trẻ trong tương lai làm sao có thể thể hiện được tư tưởng, tình cảm của người Việt, bản sắc Việt để tạo ra những giá trị văn hóa thông qua các sản phẩm, tác phẩm của mình? PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên giải đáp: “Trên thế giới, các họa sĩ mỹ thuật ứng dụng vẫn được đào tạo hội họa truyền thống song song với công nghệ số để biểu đạt các sản phẩm mỹ thuật của mình. Khoa Mỹ thuật ứng dụng ĐH Mỹ thuật TPHCM là một trong số nơi hiếm hoi đào tạo họa sĩ thiết kế một cách toàn diện. Thực tế đào tạo họa sĩ mỹ thuật ứng dụng tràn lan như hiện nay cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu cao của xã hội - “không thành thầy cũng thành thợ”, người nào việc nấy sau khi ra trường... Sinh viên mỹ thuật ứng dụng của trường được dạy tư duy sáng tác, máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện ý tưởng”.

Sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng Đại học Kiến trúc TPHCM

TS Ngô Thị Thu Trang nói thêm: “Sinh viên ngành mỹ thuật ứng dụng ĐH Kiến trúc được dạy rất nhiều kiến thức về nghệ thuật, mỹ thuật, mỹ học truyền thống kết hợp kỹ thuật hiện đại, các nguyên lý sáng tác, tầm quan trọng của ý tưởng, tư duy, khả năng quán xuyến, truyền đạt ý tưởng nhằm cho ra những sản phẩm, tác phẩm có tính thẩm mỹ cao”. Rõ ràng, quan niệm và cách thức đào tạo quyết định “đầu ra” của ngành mỹ thuật ứng dụng. Không ít nhà thiết kế chỉ đơn thuần là các chuyên gia mỹ thuật đa phương tiện bởi các sản phẩm mang nặng yếu tố “số”, lạm dụng kỹ thuật nhưng thiếu vắng bề dày, tầm vóc tư duy, ý tưởng sáng tạo và cả yếu tố thẩm mỹ truyền thống.

“Yếu tố truyền thống và kỹ thuật hiện đại rất cần được kết hợp nhuần nhuyễn để cho ra các sản phẩm đẹp, giá trị. Và chúng tôi vẫn luôn hướng tới việc cải tiến, tìm kiếm, đưa ra những hướng đi mới, phong phú một cho ngành mỹ thuật ứng dụng non trẻ của Việt Nam”, TS Thu Trang nói.

Tìm hướng đi mới

Để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên, của xã hội, khoa mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM đang từng bước cập nhật máy móc, phương pháp, kỹ thuật, chất liệu mới. Nhà nước đã quyết định đầu tư 10 tỷ đồng giúp trường xây dựng phim trường, phục vụ công tác giảng dạy đa phương tiện - multimedia. Khó khăn lớn nhất của trường lâu nay là đội ngũ giảng viên bắt buộc phải 100% thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng hiện nay đội ngũ này cũng đã được cải thiện, nâng chất lên rất nhiều. “Theo tôi, mỹ thuật ứng dụng phải bao gồm 2 yếu tố: mỹ thuật và ứng dụng công nghệ. Chính vì vậy, ngoài việc làm chủ các phần mềm ứng dụng, “họa sĩ số” phải có kiến thức căn bản về mỹ thuật và tư duy tốt, phải đủ cả năng khiếu, thẩm mỹ tạo hình và khả năng sáng tạo. Thông qua sáng tạo, họ sử dụng, thể nghiệm các ưu điểm riêng biệt của phương tiện truyền thống, đồng thời kết hợp, bổ sung những tính năng vượt trội của kỹ thuật số, góp phần thúc đẩy ngành mỹ thuật ứng dụng phát triển, đạt được ít nhiều thành tựu”, PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên nói.

Chính vì những nỗ lực kể trên, ngành mỹ thuật ứng dụng ở TPHCM và cả nước hiện vẫn tiếp tục phát triển, tuy chậm và khá manh mún, tự phát và gần như thiếu vắng các chiến lược, giải pháp dài hạn, vĩ mô. “Cụ thể việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy mỹ thuật ứng dụng giỏi, chuẩn hóa bằng thạc sĩ, tiến sĩ... trong nước vẫn còn để ngỏ”, TS Ngô Thị Thu Trang chia sẻ thêm.

Cần có chiến lược đào tạo, nếu muốn có được những họa sĩ thiết kế tài năng, có đầy đủ phẩm chất, năng lực sáng tạo, tầm nhìn, ý thức dân tộc, đòi hỏi các đơn vị đào tạo dù lớn dù nhỏ, công hay tư, trong nước hay liên kết... phải có sự đầu tư về nguồn nhân lực giảng viên giỏi, không ngừng làm mới mình, nỗ lực tìm hướng đi mới, bản sắc riêng nhưng vẫn song song, đồng hành cùng các xu hướng thiết kế thời đại. “Có như thế, các nhà thiết kế mới có đủ tự tin, ý thức tạo dựng cho mình những phong cách sáng tạo riêng mang vóc dáng văn hóa dân tộc, hiện đại hòa vào truyền thống, vào khu vực, vào thế giới nhưng vẫn ấn tượng, khác biệt. Như thế mới mong có được đội ngũ họa sĩ mỹ thuật số giỏi, tên tuổi, trở thành trụ cột trong ngành nghề rất nhiều triển vọng này”, Thạc sĩ Đỗ Văn Dũng, giảng viên ngành Thiết kế đồ họa ĐH Mỹ thuật TPHCM, kết luận.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục