Kỳ vọng đưa nghệ thuật đến giá trị thực

Lần đầu đấu giá đã thắng
Kỳ vọng đưa nghệ thuật đến giá trị thực

Trong những ngày cuối tháng 5 này, giới làm nghệ thuật thủ đô hào hứng bởi lần đầu tiên, một công ty đứng ra tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ, những người làm nghệ thuật đều kỳ vọng thị trường nghệ thuật thực sự chuyên nghiệp sẽ được mở ra, góp phần định giá nghệ thuật đúng giá trị.

Một tác phẩm được đấu giá

Lần đầu đấu giá đã thắng

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tổ chức có 5 tác phẩm gồm: 1 chiếc tủ thờ niên đại cuối thế kỷ 19 thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương; tranh vẽ mang chủ đề “Bên dòng sông đỏ” của họa sĩ Đào Hải Phong; tác phẩm tranh vẽ “Hạnh phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ; tranh vẽ “Tiên nữ vùng cao” của họa sĩ Quách Đông Phương; cặp chóe tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo. Đây đều là những tác phẩm có chất lượng cao của những họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam. Giá khởi điểm của các sản phẩm này được ấn định thấp nhất từ 50 triệu đồng và cao nhất là 1 tỷ đồng. Kết quả sau đấu giá, sản phẩm được bán với giá thấp nhất là 65 triệu đồng và cao nhất là 6,05 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt, việc mở một phiên đấu giá theo phong cách chuyên nghiệp và theo xu hướng thế giới là mong muốn đóng góp cho ngành đấu giá nước nhà một sự khởi đầu cho một phong cách mới, trào lưu mới. Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định, phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá.

Ông Trần Quốc Khánh nói: “Việc kỳ vọng đặc biệt nhất là hoạt động bán đấu giá tài sản ở Việt Nam có một bước tiến mới, việc minh bạch trong mua bán đối với người có tài sản và người mua được tài sản, rồi việc bán đấu giá tài sản được đảm bảo sẽ tạo ra nguồn thu thuế rất rõ ràng”.

Đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc mua bán tranh ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay cũng có một số phòng tranh đang đảm nhận công việc bán lại hoặc ký gửi nhưng thực sự chưa tạo thành một hệ thống. Do vậy, bước đầu Việt Nam đang cần có những nhà đấu giá dù chưa có được tính chuyên nghiệp.

Đưa tác phẩm đến giá trị thực

Việc có phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được kỳ vọng sẽ mở ra một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai. Trước đây, giới họa sĩ thường chỉ bán tác phẩm ở phòng tranh hoặc ký gửi. Nếu có tham gia đấu giá cũng chỉ với mục đích từ thiện nên người mua tác phẩm dựa trên khả năng đóng góp cho cộng đồng mà trả giá, chứ chưa dựa trên giá trị thực của tác phẩm. Với kênh đấu giá này tác phẩm sẽ được bán với giá thực của nó.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay: “Việc có phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên này là đáng mừng. Nó tạo ra một kênh nữa trong việc mua, bán tác phẩm nghệ thuật. Trước đây, chúng tôi chỉ bán ở phòng tranh, ký gửi. Hoặc việc đấu giá vẫn được làm vì mục đích từ thiện nên người mua tác phẩm dựa trên khả năng đóng góp cho cộng đồng mà trả giá chứ chưa dựa trên giá trị tác phẩm. Với kênh đấu giá này, tôi nghĩ, tác phẩm sẽ được bán với giá thực của nó”. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng, đây là một kênh bán hàng minh bạch, sẽ mở ra thị trường trao đổi nghệ thuật, khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sĩ ở Việt Nam....

Tuy nhiên, một số họa sĩ còn có những tâm tư. Theo họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ: “Đấu giá tranh ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc các gallery mang tranh ra nước ngoài đấu giá. Ngoài những họa sĩ có tên tuổi (đã qua đời) thì các họa sĩ đương đại của Việt Nam ra nước ngoài khi đấu giá, giá tranh còn thấp hơn cả giá dự kiến”.

Nhưng họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại cho rằng: Đấu giá cần phải hiểu không phải là thước đo để đánh giá chất lượng nghệ thuật của tác phẩm mà hoạt động đấu giá chịu sự điều tiết của thị trường, hoạt động kinh doanh. Nhiều khi tác phẩm được đánh giá chất lượng nghệ thuật cao, song đưa lên sàn đấu giá thì không chắc đã bán được giá cao và ngược lại.

Vẫn còn khá sớm để khẳng định sẽ có một thị trường đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ta. Bởi cũng như cách đây gần 1 năm, khi ra mắt 1 sàn giao dịch tác phẩm mỹ thuật, một trang web mang tên vietartspace.com cũng từng được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường tranh chuyên nghiệp, song cho đến nay, thị trường tranh vẫn đang trầm lắng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường nghệ thuật Việt Nam bởi đã bước đầu có sự tham gia vào cuộc của nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

SONG HÀ

Tin cùng chuyên mục