Vị đắng của sự hoành tráng

Chuyện cưới xin cả đời mới có một lần nên ai cũng muốn đám cưới của mình phải thật nổi bật. Cũng bởi ước ao sự hoành tráng của sự kiện “đời người có một” ấy mà không ít gia đình ở TPHCM lục đục, hạnh phúc thì chưa thấy đâu, sau đám cưới là chuỗi ngày gằn hắt, nặng nhẹ với nhau.
 Hạnh phúc là phải vun đắp từ tình cảm chân thành, không hình thành từ sự lớn - nhỏ của tiệc cưới
Hạnh phúc là phải vun đắp từ tình cảm chân thành, không hình thành từ sự lớn - nhỏ của tiệc cưới

Vung tay quá trán

Gia đình Huyền Trân (ngụ quận 5) và Đình Tuế (ngụ quận 12) không mấy khá giả, thế nhưng khi đôi trẻ quyết định tổ chức đám cưới, do là con đầu xây dựng gia đình, cả hai bên nhất trí phải làm thật hoành tráng để nở mày nở mặt. Trân và Tuế lên kế hoạch tổ chức đám cưới thật chu đáo, từ chụp hình cưới ở đâu cho ấn tượng đến váy cưới phải lung linh, nhà hàng cũng sang sang một chút. Dĩ nhiên, sự hoành tráng ấy đồng nghĩa với số tiền bỏ ra không nhỏ.

Ngày cưới, bạn bè Trân đều ao ước một đám cưới như mơ mà bạn mình đang có. “Tụi mày biết không, bữa đám hỏi, má chồng nó đã tặng 1 lượng, hôm nay 2 lượng nữa. Rồi bộ album hình kia, nghe đâu cũng đầu tư hơn 60 triệu đồng. Tưởng đâu gia đình chồng xoàng xoàng thôi mà có của dữ ha”, đám bạn cô dâu nhỏ to bàn tán. 

Đám cưới vui hết nấc, nhìn đôi vợ chồng trẻ cười rạng rỡ ngập tràn hạnh phúc, ai cũng tin vào cuộc sống viên mãn đang chờ họ phía trước. Vậy nhưng hạnh phúc với Trân, Tuế chỉ vỏn vẹn 2 ngày tổ chức đám cưới, sau đêm tân hôn, mẹ chồng gọi Trân vào lấy lại mớ nữ trang mà bà đã trao.

“Thì ra mẹ chồng tôi đi thuê nữ trang để có tiếng là hào phóng với con dâu. Toàn bộ tiền mừng cưới được đem ra để trả tiền đãi tiệc, coi như vừa đủ. Hàng tháng, chúng tôi còn phải phụ mẹ chồng trả tiền lãi cho xã hội đen mà theo bà là vay để tổ chức đám cưới và… thuê vàng tặng con dâu”, chị Trân nói.

Sự bất đồng về tiền bạc ngay ngày đầu về làm dâu khiến chị Trân hụt hẫng, còn không khí gia đình luôn căng thẳng, vợ chồng Trân vì vậy cũng thường xuyên to tiếng. Bức bối hơn khi đi đâu, Trân cũng được người thân, bạn bè ca tụng mẹ chồng mình rồi dặn dò phải hiếu thảo với cha mẹ chồng. Áp lực từ bên ngoài, sự rạn nứt từ bên trong khiến cuộc hôn nhân của Trân chỉ kéo dài vỏn vẹn 11 tháng.

Không đến mức phải đường ai nấy đi nhưng cái giá của sự “vung tay quá trán” mà cô dâu Nguyễn Hương Ly (24 tuổi, ngụ quận Bình Tân) phải trải qua cũng tương đối đắt. Anh Hòa (chồng Ly) vốn ưa hào nhoáng, dù là dân tỉnh về TP lập nghiệp, kinh tế hai bên gia đình ở quê cũng chỉ đủ ăn, nhưng quan niệm của Hòa là cưới vợ phải làm sang. Ngoài đám cưới tổ chức ở 2 quê, riêng ở TP, Hòa thích trong ngày cưới vợ anh sẽ là cô công chúa thu hút mọi ánh nhìn, vì vậy dấu ấn anh muốn để lại trong lòng quan khách là tiệc cưới ở nhà hàng sang trọng, được trang trí cầu kỳ, bắt mắt. Khi gia đình góp ý, cái lý mà vợ chồng Ly đưa ra là “tổ chức tiệc không thể lỗ được, khách mời sẽ nhìn vào thương hiệu của nhà hàng để đi phong bì tương xứng”, bởi vậy mà cả hai chắc mẩm kiểu gì thu cũng đủ chi.

Song, mọi tính toán không như ý, khách đi theo khả năng của từng người, lại thêm ngày cưới mưa tầm tã khiến 1/3 số bàn trống khách. Bởi vậy mà tiền mừng cưới không đủ, sau lễ cưới rình rang ở 3 nơi, nhà trai phải chạy vạy bù lỗ gần 80 triệu đồng. Dù chẳng ai nói gì nhưng cách gia đình chồng nhìn cô con dâu mới có gì đó bớt đi phần thân thiện, niềm vui khi nhà có thêm người cũng vì thế mà nhạt dần còn bản thân Ly cảm thấy lạc lõng, ngày càng thu mình trong gia đình mới. 

Vun đắp từ điều nhỏ nhất

Ngoài lợi dụng đám cưới để phô trương sự hào nhoáng, nhiều người còn coi đây là cái cớ để kinh doanh hay đơn giản chỉ vì  không muốn thua thiệt người khác. Mỗi thứ cố một chút, ít dồn lại thành nhiều, quá sức là điều không tránh khỏi. 

Đã từng đứng trước sự lựa chọn: một đám cưới hoành tráng mà mỗi người đều phải gồng lên hay một bữa tiệc đơn giản, ấm cúng nhưng ai cũng thoải mái, vui vẻ, Trần Phương Hoài (28 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) chọn sự giản đơn. Phương Hoài tâm sự: “Hạnh phúc là của hai người nhưng nó thực sự trọn vẹn khi những người xung quanh cũng thoải mái. Tôi nghĩ, sức mình tới đâu lo tới đó, bởi vậy mà dù nhiều người khuyên cưới phải tổ chức thật lớn vì đời người có một lần, lại là con gái duy nhất trong nhà, tôi đều gạt đi. Quan trọng là mình và người thân thấy vui là được”. 

Đám cưới chỉ là khởi đầu cho những năm tháng đôi vợ chồng trẻ xây dựng hạnh phúc. Đám cưới to, nhỏ không đại diện cho điều gì khi hạnh phúc của đời người phải được vun đắp nhiều năm, nhiều tháng, là cách người ta cư xử, ăn ở với nhau mà có. “Bởi vậy khi nhiều người, nhiều gia đình đem đám cưới ra làm thước đo cho hạnh phúc là sai lầm, nhất là khi sự hoành tráng ấy phải gồng lên mới có được”, chuyên gia tâm lý Vũ Hồng Nhung nhận định.

Nếu ngay từ đầu, hạnh phúc đã được tính toán bởi sự hơn thua hay vì mục đích nào khác đã làm mất đi ý nghĩa thực sự của hôn nhân bởi khi không đạt được những toan tính ấy, giá trị của hạnh phúc dễ dàng bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục