Vì sao chúng ta chọn chủ nghĩa xã hội?

Vì sao chúng ta chọn chủ nghĩa xã hội?

“Vì sao chúng ta chọn chủ nghĩa xã hội (CNXH)? Đây là vấn đề trọng đại nhiều người muốn làm sáng tỏ vì chỉ có thật sự làm rõ vấn đề này thì trong đám sương mù dày đặc về tư tưởng và lý luận hiện nay và trong cơn phong ba bão táp chúng ta mới có thể tự giác, kiên định duy trì và phát triển CNXH. Và cũng chỉ khi làm rõ vấn đề này, chúng ta mới có thể hiểu phải làm thế nào để giữ vững và phát triển CNXH một cách khoa học và hoàn chỉnh”- Thiếu tướng QUANG THỐNG, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân,nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Sự lựa chọn của nhân dân

Vì sao chúng ta chọn chủ nghĩa xã hội? ảnh 1

Thiếu tướng Quang Thống

- Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, chọn con đường đi cho đất nước là vấn đề quyết định sự tồn vong của dân tộc. Chắc ông cũng thấy, chưa bao giờ, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước lại đặt ra nhiều vấn đề cần tranh luận như thời điểm hiện nay. Tựu trung, các tranh luận nổi lên một điều: Đất nước ta sẽ tiến lên CNXH hay đi theo con đường tư bản chủ nghĩa? Tại sao chúng ta lại cứ nhất thiết đi lên CNXH?

- Thiếu tướng QUANG THỐNG: Thực ra khi đặt vấn đề tại sao chúng ta lại cứ nhất thiết đi lên CNXH chỉ là cách nói tránh của quan điểm: Sao không đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa? Hẳn rằng, theo thiển ý của tôi, nếu không có sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là vết thương nặng nề tác động mạnh vào niềm tin yêu chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), cũng như không có việc mở toang cánh cửa của thông tin đa chiều dẫn tới không ngăn chặn nổi thông tin và văn hóa không định hướng thì xã hội không có sự phân tâm ấy.

Đi theo con đường nào là sự lựa chọn của nhân dân mỗi nước. Mỗi dân tộc tự mình quyết định và lựa chọn con đường đi của mình. Điều quan tâm lớn nhất của nhân dân là đi theo con đường nào để dân giàu, nước mạnh.

Ở Việt Nam, thực tiễn đã cho thấy: Dân giàu nước mạnh không chỉ là niềm mong ước của nhân dân mà cũng là mục tiêu duy nhất của cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam vươn tới. Đó cũng là mơ ước trọn đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chế độ XHCN ở Việt Nam đã phản ánh đúng quy luật phát triển của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân và chứng minh sức sống mãnh liệt của nó trong hoàn cảnh một dân tộc nhỏ, yếu, muốn tồn tại và phát triển phải luôn vượt qua thử thách gay go, ác liệt. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả dân tộc với gần trọn một thế kỷ đổ máu xương cho nền độc lập tự do thì không thể lầm. Con đường XHCN của Việt Nam mang hơi thở thời đại. Sự lựa chọn con đường đi của dân tộc ta là hoàn toàn đúng.

- 57 năm về trước, Albert Einstein-nhà khoa học tự nhiên vĩ đại nhất của thế kỷ 20, người sáng lập thuyết tương đối - khi quan sát và suy nghĩ về vận mệnh và lối thoát của xã hội loài người, từ góc nhìn quan hệ giữa cá nhân và xã hội đã viết: Chỉ có một phương pháp khắc phục khủng hoảng xã hội là “xây dựng nền kinh tế XHCN, đồng thời xây dựng nền xã hội lấy giáo dục làm mục tiêu”. Thế nhưng, khi chính quyền XHCN ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ, nhiều người đã khẳng định đó là bằng chứng về chủ nghĩa không tưởng của chính bản thân tư tưởng XHCN?

- Lý tưởng cao cả của CNXH (tiến tới chủ nghĩa cộng sản) mà mục tiêu vĩ đại nhất của nó là giải phóng sức lao động, giải phóng áp bức, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, một lý tưởng xuất phát từ những luận điểm khoa học đầy tính tuyết phục về tính tất yếu của sức sản xuất phát triển sẽ phá vỡ quan hệ sản xuất và chuyển hóa xã hội từ chủ nghĩa tư bản sang CNXH. Lý tưởng đó đã có sức lay động toàn nhân loại những năm đầu thế kỷ 20.

Thực tiễn sự ra đời chế độ XHCN thành hệ thống với 1/3 dân số thế giới đã là lời khẳng định: CNXH không phải là không tưởng và sự thực ấy cũng chứng tỏ một cách hùng hồn CNXH là mục tiêu tất yếu của sự phát triển của xã hội loài người, là chân lý lịch sử duy nhất. Song, chính lý tưởng cao đẹp hiện thân của tính khoa học và cách mạng triệt để đó đã vấp phải thử thách lớn, đã phải đối mặt quá lâu với chính mô hình xơ cứng kéo dài suốt nửa thập kỷ với ý chí chủ quan, nhân danh lý tưởng, khiến những năm cuối thế kỷ 20, sự sụp đổ dây chuyền của hàng loạt các nước XHCN đã gây nên như một bi kịch của thời đại tạo nên một sự ngộ nhận về lý tưởng XHCN.

Sức sống của chủ nghĩa Mác


- Chưa bao giờ CNXH lại đứng trước những thử thách quốc tế nghiêm trọng như hiện nay. Ông suy nghĩ như thế nào trước ý kiến cho rằng, chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lịch sử và chủ nghĩa tư bản mới chính là triển vọng của mọi dân tộc, mọi quốc gia?

- Trên con đường phát triển, những bước quanh co khúc khuỷu là bình thường. CNXH đang ở bước quanh của lịch sử, cũng như nhiều nước tư bản đã từng gặp không ít cơn sóng gió, khủng hoảng. Lịch sử ghi nhận những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi nhiều nước XHCN đang phát triển, giá trị nhân văn của cuộc sống xã hội trở thành niềm mong ước của nhân dân nhiều nước thì cũng là thời điểm chủ nghĩa tư bản hốt hoảng biết tự điều chỉnh để thích ứng.

Vào những năm đầu thập kỷ 80, thì CNXH rơi vào tiền khủng hoảng do chế độ quản lý kinh tế tập trung đã bộc lộ sự yếu kém và lỗi thời của nó, mở đầu cho sự ngộ nhận, trì trệ kéo dài trên dưới 20 năm. Sự khủng hoảng của các nước XHCN dẫn tới sự sụp đổ của nhiều nước chính là do sai lầm của sự lựa chọn mô hình, của giải pháp, bước đi kém hiệu quả. Không thể vì sự yếu kém do mô hình dẫn đến thử thách lớn vừa qua mà vội phủ nhận tư tưởng XHCN. Chính vào lúc phong trào XHCN ở thời kỳ thoái trào thì sự đổi mới lý luận tư tưởng XHCN đặc biệt phát triển không chỉ ở các nước XHCN mà cả ở phương Tây đương đại.

Các Đại hội quốc tế về chủ nghĩa Mác liên tục diễn ra ở Paris (1995), New York (1996), London (1996)... thu hút đông đảo người tham dự càng cho thấy sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác. Những người đảng viên cộng sản chúng ta đang phát triển, bổ sung và hoàn thiện lý luận chủ nghĩa Mác. Thực tế từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã đánh dấu bước thử thách của tất cả các Đảng Cộng sản cầm quyền. Nhân dân các nước đều đồng tình với chủ trương đổi mới, cải cách để tìm bước đi và giải pháp thích hợp năng động hiệu quả hơn chứ nhân dân không đồng tình với việc lật đổ chế độ để phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Thực tiễn của Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và những gì đã diễn ra trong đời sống chính trị của Nga và các nước Đông Âu đã chứng minh điều đó. Cũng như nhiều nước XHCN, mô hình CNXH ở Việt Nam một thời gian còn nhiều mặt yếu kém, thậm chí có cả khuyết điểm, sai lầm. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi mới để tìm những giải pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn.

Tôi nhớ lời nhận xét của người phụ trách Văn phòng hợp tác kỹ thuật của CHLB Đức ở VN: “Trong một đất nước mà ở đó tới giữa những năm 80 nạn đói vẫn hoành hành thì trước hết tôi sẽ nói về cuộc đấu tranh chống nghèo đói. Trên lĩnh vực này, VN dẫn đầu thế giới từ những năm 90. Ở đây, CNXH có diện mạo mang tính xã hội hơn so với chủ nghĩa tư bản ở nhiều nước phát triển”.

Bằng thành tựu đổi mới, Việt Nam đang cho thế giới thấy rõ sự tồn tại của chế độ XHCN, đồng thời qua tổng kết lý luận từ thực tiễn, chúng ta cũng đang làm giàu thêm kho báu tư tưởng của CNXH thế giới.

HỒNG QUÂN thực hiện 

Tin cùng chuyên mục