Vì sao dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng?

Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau đó TPHCM đề nghị tăng thêm 30.000 tỷ đồng. Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang nói rõ vấn đề này trong chiều nay, 17-10.

Chiều 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017.

Vì sao dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng? ảnh 1 Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: KIỀU PHONG
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), báo cáo tóm tắt về dự án xây dựng tuyến Metro số 1 và khẳng định tiến độ dự án đang thực hiện rất tốt.

Dự kiến, cuối tháng 10-2017 sẽ thông đoạn hầm đầu tiên từ ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay của tổ chức JICA (Nhật Bản). Dự kiến đến năm 2020 chính thức đưa vào khai thác. “Tổng mức đầu tư này đã được duyệt từ năm 2011, theo đúng trình tự, thủ tục”, ông Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Vì sao dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng? ảnh 2 Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua sông Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Giải thích về vấn đề đội vốn của tuyến Metro số 1, theo ông Quang, từ năm 2006, Thủ tướng thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỷ đồng nhưng do đơn vị tư vấn lập dự án chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cụ thể, sau khi tính toán, đơn vị trúng thầu của dự án (là liên danh NJPT - một đơn vị có kinh nghiệm trong thiết kế, tư vấn lĩnh vực giao thông vận tải) đề xuất tổng mức đầu tư của dự án 47.000 tỷ đồng. “TPHCM đã rất thận trọng, thuê các đơn vị tư vấn độc lập của Singapore thẩm tra, xác định tổng mức đầu tư của dự án là 47.000 tỷ đồng”, ông Quang cho biết.

Trên cơ sở này, tháng 7-2010, UBND TPHCM trình Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 47.000 tỷ đồng.
Các bộ ngành liên quan đã có ý kiến, trong đó Bộ KH-ĐT cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư theo đề nghị của TPHCM. Tháng 8-2011, Thủ tướng đồng ý cho TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án.
Ông Quang khẳng định: “Sau đó, tháng 9-2011, UBND TPHCM ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư. Như vậy, tổng mức này đã được phê duyệt từ năm 2011, theo đúng trình tự, thủ tục”.

Ông Quang cho biết thêm: Đến nay, tổng số tiền vay cho dự án đã gần 32.000 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2017, JICA xem xét về việc tiếp tục cho TPHCM vay cho đủ thực hiện dự án.

Vì sao dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng? ảnh 3 Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, nói rõ vấn đề đội vốn của dự án Metro số 1 trong chiều 17-10. Ảnh: KIỀU PHONG
Tuy nhiên, dự án hiện nay bị ách tắc vì Bộ KH-ĐT cho rằng dự án được điều chỉnh có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng TPHCM chưa thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục.

Cụ thể, theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, những dự án có tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng thì phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong khi, dự án Metro số 1 có tổng mức đầu tư đến 47.000 tỷ đồng nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa thông qua chủ trương.

“Thực tế, tháng 5-2011, khi dự án chưa phê duyệt thì UBND TP đã kiến nghị với Bộ KH-ĐT giao UBND TP tạm thời phê duyệt tổng mức đầu tư và báo cáo kiến nghị Quốc hội về công tác điều chỉnh đối với dự án. Ngoài ra, hàng năm, TPHCM đều báo cáo đầy đủ cho Bộ GTVT và thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ GTVT đều có báo cáo với Quốc hội”, ông Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Vì vậy, ông Quang kiến nghị Đoàn ĐBQH đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về tổng mức đầu tư của dự án tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Về lâu dài, kiến nghị Đoàn ĐBQH đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc giải ngân vốn ODA được thực hiện theo tiến độ dự án và theo hiệp định vay. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án và tránh các hệ lụy liên quan.

Về giải pháp trước mắt, người đứng đầu MAUR kiến nghị Đoàn ĐBQH đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2017 và đầu năm 2018.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân tính toán vốn ODA cho dự án tuyến Metro số 1 chiếm 88% (41.833 tỷ đồng). Trong các năm 2011 và 2012, Chính phủ đã có 2 báo cáo cho Quốc hội rồi nhưng Quốc hội đã xem xét, phê duyệt hay chưa? Vì vậy, Đoàn ĐBQH cần có báo cáo về nội dung này.

Tương tự, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề Quốc hội chưa phê duyệt là do Thủ tướng chưa trình Quốc hội hay đã trình mà Quốc hội chưa thông qua. “Điều này sẽ được làm rõ nhưng tôi cho rằng, nếu sự điều chỉnh là khách quan, cần thiết và hợp lý và vì lợi ích của TPHCM, của cả nước thì kiến nghị đưa ra Quốc hội xem xét thông qua nhằm giải quyết dứt điểm ách tắc cho dự án”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Phạm Phú Quốc cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, ông đã có văn bản đề xuất Tổng Thư ký Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung “Nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến Metro số 1, TPHCM” và xem xét phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án vào chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.

“Nếu chúng ta muốn Quốc hội có nghị quyết riêng phân bổ nguồn vốn trung hạn cho dự án Metro số 1 thì Đoàn ĐBQH cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản”, ĐB Nguyễn Phước Lộc bổ sung.

Tin cùng chuyên mục