Vì sao hạn chế khai thác nước ngầm?

Khó kiểm tra
Vì sao hạn chế khai thác nước ngầm?

Như thông tin chúng tôi đã đưa trong chuyên đề biến đổi khí hậu tuần trước, tính từ năm 1995 đến nay, số lượng giếng khai thác nước ngầm không giảm mà còn tăng gấp 5 lần, mặc dù gần chục năm nay, UBND TPHCM đã có chủ trương hạn chế. Tại sao có tình trạng này?

Hệ thống bơm nước ngầm tại một nhà máy cấp nước ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Đức Thành

Hệ thống bơm nước ngầm tại một nhà máy cấp nước ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Đức Thành

Khó kiểm tra

Theo ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước TPHCM (Sawaco), không phải ở quận - huyện nào, mạng cung cấp nước sạch của đơn vị cũng được người dân “chào đón”. Đặc biệt ở những vùng cao, đất cứng như quận 12, quận Gò Vấp… kim đồng hồ nước biểu thị lượng nước tiêu thụ luôn đứng ở mức rất thấp. Hầu như người dân ở đây chỉ dùng nước sạch cho nhu cầu ăn, uống là chính. Các sinh hoạt còn lại như tắm, giặt, tưới cây… đều nhờ vào nước ngầm.

“Tất nhiên ở đây có vấn đề chi phí, xài nước sạch của Sawaco thì phải trả tiền, còn xài nước giếng khoan, chỉ tốn phí khoan ban đầu, thời gian sử dụng còn lại là miễn phí” - đó là nhận định của ông Lý Chung Dân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Sawaco. Nhưng điều cốt yếu, theo một cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM - đơn vị có trách nhiệm phối hợp cùng với các địa phương kiểm tra, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, không dễ tiến hành kiểm tra.

Giếng nước khoan thường được đặt sâu trong nhà dân và gần như chỉ có người nhà của họ mới biết. Lấy lý do gì vào nhà dân kiểm tra, chẳng lẽ căn cứ vào đồng hồ nước, hay nếu thấy không xài nước sạch của thủy cục, thì vào? Nhưng như vậy, liệu có đúng luật, nhất là khi về nguyên tắc, người dân khoan giếng nước ngầm không phải xin phép ngành chức năng?

Đối với các doanh nghiệp (DN) cũng thế, không thể vào khi chưa được pháp luật cho phép. Ngành chức năng có thể sử dụng giải pháp quan trắc mực nước ngầm ở khu vực DN hoạt động để xác định DN có khai thác nước ngầm sai phép hay không. Song không phải ở đâu cũng có thể làm vì tốn kém và phải huy động nhiều người, trong khi lực lượng thực thi công tác quản lý đô thị tại địa phương lại khá mỏng.

Trong buổi giao lưu trực tuyến gần đây nhất (ngày 28-10-2010) của Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM với người dân, trong chín câu hỏi liên quan đến môi trường có hai câu hỏi của hai DN xin được khai thác nước ngầm. Trong đó DN ở Thủ Đức xin được khai thác tăng thêm 30% so với hiện có và DN ở quận 8 mới bắt đầu xin khai thác.

Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã cung cấp số điện thoại của người cán bộ được phân công giải quyết vụ việc cho hai DN liên hệ. Chưa biết yêu cầu của hai DN này có hợp lý và liệu Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM có chấp thuận song thái độ của họ là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, số DN nghiêm túc như vậy không nhiều. Không ít DN vẫn đang khai thác nước ngầm quá mức cho phép và ngành chức năng rất khó bắt quả tang. Nhiều quy định về quản lý việc khai thác nước ngầm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND TPHCM cho phép phạt đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác nước ngầm.

Thế nhưng, ở TPHCM mức phạt phổ biến chỉ là 500.000 đồng/một lỗi vi phạm, vì khó xác định được lượng nước thật sự DN đã khai thác lậu (mức phạt tiền tỷ lệ thuận với lượng nước khai thác trái phép). Đây là mức phạt hoàn toàn không có tính răn đe mạnh mẽ đối với DN so với những lợi nhuận mà họ thu được từ việc không phải trả tiền mua nước sạch!

Khó khắc phục

Không những khó phát hiện sai phạm mà nếu có phát hiện ra, việc xử lý theo hướng khắc phục, trám giếng cũng không đơn giản. Theo ông Võ Quang Châu, để việc khai thác nước ngầm sai phép không còn tái diễn, thì phải trám giếng đó đi. Để việc trám giếng không gây ô nhiễm cho các tầng nước ngầm thì phải trám có kỹ thuật. Chi phí cho công tác này vào khoảng 1 triệu đồng/giếng.

 Ai sẽ là người trả? Với DN thì có thể buộc trả, nhưng với người dân là rất khó vì như nói ở trên, về nguyên tắc người dân không phải xin phép khi khoan giếng nước ngầm.

Tất nhiên, đó là quan niệm của “nhà cung cấp nước sạch”. Ở góc độ đại diện quyền lợi cho người dân, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM, cho rằng vấn đề là Sawaco và các đơn vị cung cấp nước sạch khác phải cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở này, Sở Tài nguyên Môi trường và chính quyền các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những người cố tình khai thác nước ngầm sai quy định.

Theo ông Đặng Văn Khoa, đối tượng khai thác nước ngầm nhiều nhất là các DN và các cơ sở sản xuất, do đó ngành chức năng phải được trang bị thêm thiết bị quan trắc, nhân sự để giám sát hoạt động này ở các DN, các cơ sở sản xuất. Phải tìm ra được lượng nước ngầm mà các DN thật sự khai thác lậu để xử phạt. Mức phạt cao mới đủ sức răn đe hoạt động phi pháp này.

Khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún ở TPHCM. Đó là điều các nhà khoa học ở TPHCM đã khẳng định. Tình trạng sụt lún không chỉ nguy hiểm cho hoạt động xây dựng, giao thông mà còn đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi mực nước ngầm (ngọt) giảm đi sẽ tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sạch cho người dân.

Chính vì thế, hạn chế và kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm là việc cần được triển khai ngay. TPHCM đã thành lập tổ quản lý khai thác nước ngầm. Hy vọng đây sẽ là động thái tích cực, hiệu quả để xử lý tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan như hiện nay.

Nguyễn Khoa

>> Đất lún và công tác quản lý khai thác nước ngầm

Tin cùng chuyên mục