Vì thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cùng với sự gia tăng về dân số và phát triển về kinh tế, các thành phố lớn trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường. Là đô thị đặc biệt với dân số hơn 10 triệu người, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, TPHCM không tránh khỏi các vấn đề về môi trường, đặc biệt là vấn nạn rác thải. 
Bỏ rác đúng nơi quy định giúp bảo vệ môi trường sống. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hiện vẫn còn một bộ phận người dân có thói quen đốt rác; vứt rác ra đường phố, kênh rạch, miệng cống, khu đất trống và những nơi công cộng. Điều này không chỉ làm mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch, góp phần gây trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường hay mưa lớn, khiến đời sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. Kênh rạch ô nhiễm làm hủy hoại hệ sinh thái động thực vật, phát sinh mùi hôi gây khó chịu, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi và các mầm bệnh phát sinh và lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của mỗi người dân chúng ta.  

Không ai khác mà chính chúng ta cần thể hiện vai trò của mỗi cá nhân, của cộng đồng cùng tham gia các hoạt động cải thiện môi trường, giảm thiểu phát sinh rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa; không vứt rác bừa bãi;  tăng cường thu gom, xử lý, tái chế chất thải… góp phần bảo vệ môi trường của thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phát động cuộc vận động nhân dân không xả rác vì thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn.

Mục tiêu của cuộc vận động nhằm thống nhất công tác phối hợp bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động tạo không khí hào hứng, đồng loạt ra quân thực hiện cùng thời điểm, thu hút sự tham gia của người dân; từng bước chuyển biến về nhận thức, hành động của toàn dân từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng về hành vi không xả rác nơi công cộng, kênh rạch, cống thoát nước, hố ga, miệng cống… Duy trì thường xuyên các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm về rác, khắc phục tình trạng ngập nước, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường, ra quân xóa các điểm ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải; giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu dân cư và nơi công cộng; xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường… sẽ được triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Ngay từ bây giờ, mỗi người dân, mỗi gia đình hãy thay đổi và cùng chung tay hành động để bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng TPHCM văn minh - sạch - đẹp qua những việc làm đơn giản, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, như giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng. Không tiểu tiện, phóng uế bừa bãi; không đốt rác thải; bỏ rác đúng nơi - tuyệt đối không vứt rác ra đường phố, kênh rạch và nơi công cộng; không thả rong và để động vật nuôi phóng uế ra ngõ hẻm, đường phố và nơi công cộng; đăng ký dịch vụ thu gom rác; thực hiện phân loại rác; giao rác cho đơn vị thu gom đúng giờ và để rác đúng nơi quy định; không đổ nước và để nước thải chảy tràn ra ngõ hẻm, đường phố làm ô nhiễm môi trường.

Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thùng chứa rác và có nhà vệ sinh phục vụ khách hàng; thường xuyên quét dọn xung quanh khu vực kinh doanh, nhắc nhở khách hàng bỏ rác đúng nơi quy định, đảm bảo không gây mất vệ sinh môi trường khi kinh doanh; dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khu vực trước nhà; cùng tham gia và vận động, nhắc nhở mọi người thường xuyên quét dọn, giữ gìn vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu phố, đường làng, ngõ xóm; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, đặc biệt là sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy.

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường, sẽ phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Vì vậy, hãy thay đổi thói quen của chính mình và nhắc nhở gia đình, những người xung quanh cùng giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư và nơi công cộng. Đó chính là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và gia đình, góp sức xây dựng TPHCM thành một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục