Chủ tịch nước Trần Đức Lương:

Vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao

Vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao

- Phóng viên: Nhân dịp đầu năm mới Bính Tuất, tập thể cán bộ, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng xin kính chúc Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc! Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nhận trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng.

Thưa Chủ tịch, APEC 13 là một sự kiện chính trị quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương năm 2005, mà Việt Nam là thành viên. Tại hội nghị này, Việt Nam đã mang tới đề nghị gì và kết quả ra sao?


- Chủ tịch nước Trần Đức Lương:
Có rất nhiều nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự và Việt Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến để hội nghị diễn ra theo hướng thiết thực. Ở đây, tôi muốn nói đến một vấn đề có ý nghĩa với tiến trình hội nhập của Việt Nam chúng ta. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, tôi nhấn mạnh việc các thành viên APEC cần tích cực hỗ trợ Việt Nam sớm kết thúc các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); có những linh hoạt nhất định đối với các nước đang phát triển, không ép buộc những thành viên mới gia nhập WTO có các cam kết cao nhằm bảo đảm sự công bằng trong đàm phán.

Vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao ảnh 1

Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: NGUYỄN KHANG

Đối với đề nghị của Việt Nam, lãnh đạo một số nước tại các phiên họp kín đã lên tiếng ủng hộ và tại các cuộc tiếp xúc bên ngoài hội nghị, lãnh đạo các thành viên, kể cả Hoa Kỳ đều cam kết ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO. Đề xuất này của Việt Nam đã được các thành viên APEC hưởng ứng bởi các thành viên APEC đều đồng tình với việc Việt Nam trở thành thành viên WTO, sẽ là một trong những điều kiện cần thiết để Việt Nam chủ trì thành công hội nghị APEC 2006.

Tôi nghĩ rằng việc Việt Nam sớm gia nhập WTO có thể đạt được sự thống nhất về căn bản và mục tiêu cuối cùng có thể là đầu năm 2006. Các vị lãnh đạo APEC đều khẳng định sẽ ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện để Việt Nam tổ chức thành công với vai trò chủ nhà của Diễn đàn APEC năm 2006 và hội nghị cấp cao APEC năm 2006.

Trước khi kết thúc hội nghị APEC 13, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò nước chủ nhà của hội nghị APEC 2006. Nhân dịp này, Việt Nam đã công bố với các thành viên của APEC chủ đề chính của hội nghị cấp cao APEC 2006, đó là: “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng”, trong đó có bốn tiểu chủ đề là: “Tăng cường thương mại và đầu tư thông qua thực hiện lộ trình Busan và thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Doha”; “Tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách và phát triển bền vững”; “Thúc đẩy một môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi” và “Gắn kết cộng đồng”.

- Tại hội nghị cấp cao APEC 13, Chủ tịch và các nhà lãnh đạo cao nhất của các nước ASEAN đã có cuộc gặp gỡ Tổng thống Goerge W.Bush. Chủ tịch có thể nói về nội dung cuộc gặp gỡ ấy?

- Sáng ngày 18-11, ngay trước khi khai mạc hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2005, tôi cùng với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là thành viên của APEC đã có cuộc gặp Tổng thống Hoa Kỳ G.Bush.

Việt Nam đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ ASEAN - Mỹ thời gian gần đây, đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương, góp phần hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN. Tôi cũng đề nghị Mỹ và Tổng thống G.Bush có hành động phù hợp để sớm kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tại Hà Nội.

Các bên tham gia đã bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ sang giai đoạn phát triển mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, đồng thời nhất trí cho rằng Tuyên bố Tầm nhìn chung về tăng cường quan hệ đối tác ASEAN - Hoa Kỳ vừa được đại diện các nước ASEAN và Mỹ thông qua ngày 17-11 đã mở ra cơ sở và khuôn khổ lâu dài để thúc đẩy và mở rộng hợp tác hơn nữa giữa ASEAN - Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ, G.Bush đã nhận lời đến tham dự APEC 14 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2006.

- Thưa, Chủ tịch có thể nói vài nét về kết quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong những năm đổi mới vừa qua?

- Về đối ngoại, trong gần 20 năm đổi mới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương, trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, thuế, viện trợ phát triển, ngân hàng... Việt Nam cũng đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế đa phương.

Trong việc ký kết các hiệp ước quốc tế, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc ký với các nước bạn bè cũ, các nước láng giềng như trước thời kỳ đổi mới mà ngày càng mở rộng, đặc biệt phải kể đến việc Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) v.v…

Việc “Tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” theo lộ trình phù hợp điều kiện của nước ta và bảo đảm thực hiện những cam kết trong quan hệ song phương và đa phương như AFTA, APEC, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tiến tới gia nhập WTO cũng là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế song phương với 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó, việc trao đổi nhiều chuyến viếng thăm cấp cao xác lập khuôn khổ hợp tác lâu dài, ổn định với các nước láng giềng, các nước lớn trên thế giới có vai trò đặc biệt quan trọng. Hình ảnh của đất nước Việt Nam đã thật sự được cải thiện trong mắt cộng đồng quốc tế và nhân dân thế giới. Chúng ta đã đi một bước dài trong việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

- Chủ tịch đánh giá như thế nào về những thành tựu của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, và nhân dịp năm mới, Chủ tịch có lời gì với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM?

- Qua báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi xin gửi đến toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới Bính Tuất!

Tôi thường xuyên theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đạt được trên mọi lĩnh vực và trong suốt nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất khu vực phía Nam và của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã có đóng góp rất lớn về tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực then chốt.

Tôi đồng tình cao với những đánh giá, nhận định về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội 5 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp phát triển bền vững của thành phố được ghi rõ trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII vừa qua; rất mong các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố cụ thể hóa các nghị quyết của đại hội và bằng sự năng động, sáng tạo vốn có sẽ tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra, tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những vùng động lực cho sự phát triển chung của cả nước.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu vẻ vang được xây dựng bằng ý chí, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân toàn thành phố; chúc toàn thể công dân thành phố: sức khỏe, hạnh phúc, trí tuệ, đoàn kết, ổn định và phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước. 

PHẠM THỤC - TUẤN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục