Việc cấp bách

Chỉ chưa đầy 1 tháng, trên hệ thống đường sắt Bắc - Nam đã liên tục xảy ra 4 sự cố kỹ thuật, gây mất an toàn đường sắt nghiêm trọng. 

Ngày 27-1-2018 tàu SE1 chạy theo hướng Bắc - Nam đến ga Sông Lòng Sông (Bình Thuận) thì bị trật bánh. Ngày 14-2-2018, tại cung đường sắt Hố Nai - Biên Hòa, tàu TN7 kéo 13 toa theo hướng Hà Nội - TPHCM đến đây 2 toa bị trật bánh, làm chậm 3 chuyến, sau 6 tiếng mới khôi phục. Ngày 18-2-2018, tàu SBN1 chạy Bắc - Nam đến khung giữa Mỹ Lý - Quán Hành (Diễn Châu, Nghệ An) bị trật bánh. Ngay hôm sau, ngày 19-2, tàu AH2 xuất phát từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Suối Kiết (Bình Thuận) cũng bị trật bánh. 

Các sự cố trên xảy ra ở cả 3 miền, không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành đường sắt, mà hành khách và chủ hàng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Do sự cố, đường sắt bị tê liệt, kế hoạch chạy tàu của ngành đường sắt bị phá vỡ, hàng ngàn hành khách phải nằm vật vã nhiều giờ ở các nhà ga để chờ tàu. Để đưa hành khách lên tàu, Ga Sài Gòn phải dùng xe chở hành khách từ TPHCM ra Phan Thiết (Bình Thuận) đi hàng trăm cây số đường bộ để tiếp tục hành trình. Hàng hóa vận chuyển bị chậm chuyến cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Sự cố đường sắt xảy ra có chiều hướng ngày một tăng, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và cao hơn nữa là làm nản lòng hành khách, giảm niền tin của người dân đối với ngành đường sắt. 

Vì sao sự cố đường sắt xảy ra liên tiếp, dồn dập? Nguyên nhân chủ yếu vẫn do hệ thống hạ tầng đường sắt quá lạc hậu, không còn đáp ứng yêu cầu chạy tàu hiện nay. Đã hơn 100 năm nay, tàu ở Việt Nam vẫn chạy trên hệ thống đường sắt khổ 1m; các cung đường sắt có độ cua nhỏ, gắt, lại không được sửa chữa nâng cấp nhiều. Trong khi đó, ngành đường sắt cố đầu tư để tăng số chuyến, tăng tốc độ chạy tàu để thu hút khách. Ngành đường sắt cố cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác như máy bay, xe khách, trong khi phương tiện, chất lượng hạ tầng vẫn giậm chân tại chỗ, thì sự cố khó tránh khỏi. 

Giải pháp để hạn chế sự cố đường sắt đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Yêu cầu nóng hiện nay là đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt, mua sắm đầu máy mới và nâng cao kỹ luật lao động của ngành. Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống đường khổ 1m qua hơn trăm năm khai thác, việc đầu tư tiền tỷ cũng chỉ chắp vá, tạm thời chứ không thể giải quyết dứt điểm các sự cố. Phương án khả thi là xây dựng tuyến đường đôi, khổ 1,435m tốc độ cao để thay tuyến đường sắt hiện hữu.

Tin cùng chuyên mục