Việc nhỏ từ bảng chỉ đường

Là khu vực kinh tế phát triển năng động, lại có những điểm tương đồng về văn hóa - xã hội, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giao thông và du lịch. Dù vậy, dường như các tỉnh vẫn chỉ nói nhiều hơn làm, dù là những việc đơn giản như câu chuyện sau đây.

Cuối tháng 3 vừa qua, tôi cùng một đồng nghiệp ở tỉnh Bình Phước qua tỉnh Tây Ninh dự hội nghị tổng kết thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh Tây Ninh. Dù chưa thông thạo đường đi nhưng chúng tôi vẫn chọn đi từ TP Đồng Xoài xuôi theo quốc lộ 14, qua ngã tư Chơn Thành (giao với quốc lộ 13) để đến với Tây Ninh, vì đây là cung đường ngắn nhất, khoảng 100km.

Ngay tại ngã tư Chơn Thành, có bảng báo hiệu giao thông kèm mũi tên chỉ hướng đi, cùng khoảng cách từ đây đến Tây Ninh là 71km, nhưng không ngờ đây là bảng hiệu duy nhất có ghi khoảng cách quãng đường và rắc rối cũng phát sinh từ đây.

Từ ngã tư này tới được TP Tây Ninh, chúng tôi phải hỏi đường hơn 10 lần vì phải qua rất nhiều ngã tư, ngã ba mà nhiều chỗ không có bảng chỉ dẫn rõ ràng. Nhưng cũng may là khi đến các ngã ba, ngã tư đều xuống xe hỏi đường cẩn thận nên không bị lạc hướng, sai đường.

Mặc dù đã không quên ghi lại những chỗ rẽ ở ngã ba, ngã tư quan trọng cho chuyến về khỏi lạc đường, nhưng khi quay trở về chúng tôi rẽ nhầm từ trái sang phải nên rốt cuộc phải đi vòng lên tới xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu) gần giáp biên giới với Campuchia.

Và rốt cục, quãng đường di chuyển từ TP Tây Ninh tới ngã tư Chơn Thành đã tăng thêm tới 22km nữa, thành tổng cộng 93km, với khoảng gần 20 lần hỏi đường chỉ vì không có bảng chỉ dẫn trên đường (và không phải người dân địa phương nào được hỏi cũng rành đường để chỉ con đường ngắn nhất cho khách).

Anh bạn đi cùng cho biết, đây là lần thứ 4 anh qua tỉnh Tây Ninh bằng con đường này, mà còn muốn “điên cái đầu” thì với khách du lịch từ nơi xa đến chắc càng khó khăn hơn. Và như vậy, thật khó để người dân từ 2 địa phương qua lại cũng như khách du lịch muốn thăm thú các địa danh như Phước Long, Bà Rá, sân bay Lộc Ninh, căn cứ Tà Thiết, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát…

Thiết nghĩ, ngành giao thông vận tải và ngành du lịch 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh nên cùng ngồi lại, xác định những “việc cần làm ngay” như trang bị hệ thống bảng hướng dẫn đường một cách chi tiết, rõ ràng ở các ngã tư, ngã ba mà lộ trình từ ngã tư Chơn Thành (Bình Phước) đi qua huyện Dầu Tiếng (Bình Dương); Dương Minh Châu, Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) để tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi đi lại. Điều này cũng góp phần tạo thuận lợi cho du khách muốn khám phá các địa danh nổi tiếng của 2 tỉnh.

Và không chỉ có các tỉnh này, mà cả ngành chức năng của TPHCM cũng cần vào cuộc, vì từ cung đường này có nhiều đường rẽ về khu địa đạo Củ Chi để du khách có thể nối tuyến, thêm điểm tham quan. Sau khi lắp đặt hệ thống biển báo đầy đủ, có thể mời một số phóng viên các cơ quan báo chí tham gia về nguồn, như là một cách để quảng bá thêm cho ngành du lịch của khu vực.

Tin cùng chuyên mục