Viêm tụy cấp nguy hiểm thế nào?

Mới đây, vụ việc một nam thanh niên bị viêm tụy cấp tử vong tại bệnh viện ở TPHCM đã khiến nhiều người quan tâm lo lắng về khả năng cứu chữa khi không may mắc phải căn bệnh này. Các chuyên gia y tế cho biết, đây là căn bệnh có tiên lượng xấu và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Theo ThS - BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tụy là một cơ quan trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy hay còn gọi là dịch tiêu hóa giúp cho tiêu hóa thức ăn. Chức năng thứ hai là tiết ra một số hormone, quan trọng nhất trong đó là insulin, nếu không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là sau khi uống bia rượu, từ 1 - 3 ngày thì người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Có một số trường hợp người bệnh chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày. 

Còn theo BS.CKII Lê Hữu Phước, Phó trưởng khoa Gan-Mật-Tụy Bệnh viện Bình Dân, tình trạng viêm tụy xảy ra khi các dịch (men) tiêu hóa được tụy tiết ra hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Viêm tụy cấp cần được can thiệp gấp, nếu không sẽ tạo điều kiện cho các cytokine tràn ra ngoài tụy và đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác. Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.

Viêm tụy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, trong số đó thường gặp nhất là ở những người uống rượu thường xuyên. Có 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu bia và sỏi mật. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp.

“Khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên thì tất cả người bệnh đều phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám. Cách điều trị cho người bệnh bị viêm tụy cấp là cho nhịn ăn uống, truyền dịch để đảm bảo cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cho người bệnh, sau đó mới cho người bệnh ăn lại từ từ. Để phòng tránh bệnh cần sử dụng rượu bia ở mức độ chừng mực, nếu người bệnh đã bị viêm tụy cấp do rượu bia thì nên tránh không tiếp tục uống vì sẽ có khả năng tái phát, lần sau sẽ nặng hơn những lần trước”, BS Võ Ngọc Quốc Minh khuyến cáo. 

Về vấn đề điều trị, các bác sĩ cho rằng việc điều trị thường mang tính chất giảm triệu chứng và được theo dõi tại bệnh viện. Bác sĩ có thể thực hiện truyền dịch làm tăng lượng máu và thay thế các chất điện phân như kali hay canxi. Nếu bệnh nhân không thể kiểm soát chứng nôn mửa, một ống được đặt tạm thời nối từ mũi đến dạ dày để rút dịch và không khí. Hầu hết các bệnh nhân bị viêm tụy cấp cảm thấy sức khỏe tốt hơn trong vòng 1 tuần và có thể xuất viện sau vài ngày, nhưng những người bị nặng cần nhiều thời gian hơn để hồi phục và chịu nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp, các bác sĩ cho rằng: không nên uống nhiều rượu, bia; nên tẩy giun theo định kỳ; thực hiện chế độ ăn uống ít chất béo, bổ sung các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, và protein; uống nhiều nước. Đặc biệt, nên đi bác sĩ khám nếu bị đau bụng, nôn ra máu hay có có vấn đề với rượu, vàng da và mắt, sốt (hơn 380C), sụt cân, chuột rút ở cơ…

Tin cùng chuyên mục