Thị trường bán lẻ Việt Nam

“Viên kim cương thô đang được mài giũa”

Số lượng nhà bán lẻ mỗi nước nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương 2007:
“Viên kim cương thô đang được mài giũa”

Theo nhận định của Euromonitor International -công ty đa quốc gia rất uy tín về nghiên cứu thị trường- và tạp chí Retail Asia (tạp chí chuyên ngành hàng đầu của ngành bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương) – nhà tổ chức Bảng xếp hạng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, thì thị trường bán lẻ Việt Nam là một “viên kim cương thô đang được mài giũa”.

Cũng theo nhận định trên, mặc dù Việt Nam chỉ có bốn nhà bán lẻ có mặt trong danh sách 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương năm nay, bốn nhà bán lẻ này (gồm có Saigon Co.op, Nguyễn Kim, SJC và PNJ) đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 26% trên doanh thu bằng đô la Mỹ.

“Viên kim cương thô đang được mài giũa” ảnh 1

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co-op tại Lễ trao giải thưởng 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á vừa đựơc tổ chức tại Nhật Bản.

Điều này càng có ý nghĩa khi bảng xếp hạng năm nay có sự thay đổi đáng kể về tiêu chí bình chọn. Trước hết, đó là việc thay đổi cách trình bày bảng xếp hạng. Số lượng cửa hàng trở thành cột đầu tiên sau cột tên nước (thay cho cột công ty bán lẻ như năm trước), kế đó là thương hiệu rồi mới đến công ty bán lẻ.

Điều này phản ánh tiêu chí cơ bản: việc mở rộng mạng lưới, mở rộng thị trường được coi là một trong những chiến lược hàng đầu của các nhà bán lẻ trong khu vực. Kế đến và cũng là quan trọng nhất, là việc các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của 14 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên được tập hợp lại và so sánh dựa trên tiêu chí duy nhất là doanh thu bán lẻ.

Từ trước đến giờ, các nhà bán lẻ ở mỗi thị trường được lựa chọn dựa trên 2 tiêu chí: doanh thu bán lẻ và GDP của nước đó trong tương quan với 13 thị trường còn lại. Cách này tạo điều kiện nhiều hơn cho các nhà bán lẻ từ các nền kinh tế nhỏ bé hơn. Có nghĩa là trong năm nay, 4 nhà bán lẻ của chúng ta khi lọt vào bảng xếp hạng là đã nằm trong tương quan chung với các doanh nghiệp bán lẻ khác trong khu vực, trong đó có những doanh nghiệp bán lẻ quốc tế sừng sỏ và hùng mạnh như Aeon, Seven & I Holdings (Nhật Bản) hay Woolworths, Coles Group (Úc). Sự thay đổi này sẽ làm cho bảng xếp hạng Top 500 năm 2007 phản ánh đúng hơn nữa bối cảnh đầy cạnh tranh của ngành bán lẻ khu vực. Đây quả là một điều đáng tự hào cho ngành bán lẻ nước ta.

Theo đánh giá của ông Geok Leng Loo – Giám đốc nghiên cứu của Euromonitor Quốc tế: “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2006 tiếp tục là Liên Hiệp HTX Thương mại TP.HCM với tên gọi quen thuộc là Saigon Co.op. Lĩnh vực kinh doanh chính là siêu thị đã đưa Saigon Co.op đến vị trí thứ 360 trong bảng xếp hạng 500, với tổng doanh thu năm 2006 đạt 169 triệu đô-la.

Nhà bán lẻ nội địa này đã cho thấy sức sáng tạo nổi bật trong bối cảnh bán lẻ nội địa qua việc nhạy bén ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh cũng như trong các chương trình marketing và khuyến mãi”. Saigon Co.op còn được biết đến với chiến lược “tăng tốc” – mở rộng mạng lưới nhanh chóng và hiệu quả (với tốc độ trung bình 10 siêu thị mới/năm). Nhận định này cũng đúng với trường hợp của 3 nhà bán lẻ còn lại của Việt Nam trong bảng xếp hạng: Trung tâm mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim thì nổi đình đám với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, luôn thu hút lượng khách hàng đông đảo, đồng thời mở thêm nhiều cửa hàng tại thành phố cũng như các tỉnh khác. SJC và PNJ vẫn giữ ưu thế là các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nữ trang, kim loại quý, giá trị cao.

Tuy nhiên họ không chịu ngồi yên hưởng lợi từ giá vàng thế giới nhích lên, mà luôn tích cực sáng tạo mẫu mã mới, đồng thời mở thêm nhiều cửa hàng trên toàn quốc. Với Saigon Co.op, đây là lần thứ 4 đoạt được giải vàng Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời họ cũng vừa được bình chọn là một trong 200 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong điều tra của UNDP.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Retail Asia, với việc Việt Nam gia nhập WTO trong năm 2006 và việc chỉ trong ít lâu nữa các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động, tình hình ngành bán lẻ Việt Nam sẽ có thay đổi đáng kể. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, và thị trường bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là hấp dẫn thứ 4 thế giới. 

QUỲNH CHI 

Số lượng nhà bán lẻ mỗi nước nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương 2007:

Nhật: 116
Trung Quốc: 81
Úc: 70
Hàn Quốc: 38
Đài Loan: 32
New Zealand: 30
Hongkong: 25
Thái Lan: 24
Singapore: 20
Ấn Độ: 17
Indonesia: 16
Malaysia: 15
Philippines: 12
ViệtNam: 4

Tin cùng chuyên mục