Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế chia sẻ

Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam" được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức sáng nay, 12-7, tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia tọa đàm về kinh tế chia sẻ
Các đại biểu tham gia tọa đàm về kinh tế chia sẻ

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện chín muồi để phát triển kinh tế chia sẻ. Đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ - thông tin và môi trường kinh doanh mở cửa, thông thoáng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng để phát triển nền kinh tế chia sẻ bền vững tại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chững lại, kinh tế chia sẻ vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ. Sự phát triển nhanh chóng thời gian qua của dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab) đang được thí điểm tại một số thành phố lớn, dịch vụ chia sẻ phòng (Airbnb, Booking, Agoda), dịch vụ du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada)... là những ví dụ khá điển hình.

Trong bối cảnh đó, nhiều khuyến nghị đã được nêu ra đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng nhằm quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Để tận dụng cơ hội của kinh tế chia sẻ thì cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Đặc biệt, việc đẩy nhanh việc thực hiện Chính phủ điện tử (số) và cơ sở hạ tầng thông tin, đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục