Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm phát hiện virus Zika

Ngày 30-1, phản ứng trước việc dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ xâm nhập cao vào nước ta, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay qua giám sát dịch tễ, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika nhưng sự lây truyền virus Zika tại Thái Lan và đặc biệt là tại khu vực châu Mỹ Latinh đang làm dấy lên lo ngại dịch bệnh nguy hiểm này lan truyền vào Việt Nam. Đáng lo hơn, virus Zika lây lan qua loại muỗi vằn cùng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, sốt xuất huyết lại đang lưu hành dịch quanh năm ở nước ta nên chỉ cần có mầm bệnh xâm nhập vào nước ta thì tình hình dịch bệnh sẽ lây lan và khó kiểm soát.

(SGGP).- Ngày 30-1, phản ứng trước việc dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ xâm nhập cao vào nước ta, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay qua giám sát dịch tễ, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika nhưng sự lây truyền virus Zika tại Thái Lan và đặc biệt là tại khu vực châu Mỹ Latinh đang làm dấy lên lo ngại dịch bệnh nguy hiểm này lan truyền vào Việt Nam. Đáng lo hơn, virus Zika lây lan qua loại muỗi vằn cùng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, sốt xuất huyết lại đang lưu hành dịch quanh năm ở nước ta nên chỉ cần có mầm bệnh xâm nhập vào nước ta thì tình hình dịch bệnh sẽ lây lan và khó kiểm soát.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, triệu chứng khi mắc virus Zika không đặc trưng, rất giống với các bệnh lý khác như: sốt xuất huyết, người mắc bệnh đều có biểu hiệu sốt, đau cơ, mỏi người... nên rất khó phát hiện bệnh. Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vaccine phòng dịch đối với virus này.

Trong khi đó, hiện nay, đang trong dịp lễ, tết, lưu lượng người nhập cảnh, đi lại rất lớn. Trong đó có cả những người từ vùng dịch như châu Mỹ hoặc Thái Lan. Cùng với đó, hiện cũng chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, cũng như Việt Nam chưa có kinh nghiệm điều trị căn bệnh này. Trước nguy cơ này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã khuyến cáo khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính với sốt xuất huyết thì cán bộ y tế phải nghĩ ngay tới việc người bệnh nhiễm virus Zika và làm ngay các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, đồng thời báo về Bộ Y tế để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn dịch.

Trong khi đó, về khả năng chẩn đoán, xét nghiệm virus Zika tại Việt Nam, PGS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, hiện tại Việt Nam đủ năng lực chẩn đoán virus Zika. Tuy hiện nay Việt Nam chưa có trứng của muỗi mang virus Zika nhưng trong vài ngày tới, Việt Nam sẽ có được mẫu trứng này để phục vụ công tác làm xét nghiệm. Về phía đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, TS Masaya Kato - Điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm cho biết, tuy virus Zika chưa trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Việt Nam chưa ghi nhận có bệnh nhân mắc virus Zika nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng các bước ứng phó kiểm soát, quan trọng nhất là khâu chẩn đoán. Để chẩn đoán đúng cần làm 2 phương pháp: chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử.

Dự kiến ngày 1-2 tới, WHO sẽ triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn virus Zika bùng phát. Bởi lẽ tính từ tháng 5-2015, khi Brazil có báo cáo ca nhiễm virus Zika đầu tiên thì tới nay đã có gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo trường hợp nhiễm virus Zika, đặc biệt là tại khu vực châu Mỹ. Hơn nữa, WHO cũng ước tính khu vực châu Mỹ có thể có từ 3 - 4 triệu người mắc virus Zika trong vòng 12 tháng tới.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục