Việt Nam đưa robot, trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư

Chiều 18-7, tại Hà Nội, Bệnh viện K đã tổ chức hội thảo phòng chống ung thư quốc gia lần thứ XIX, đây là dịp tế để các nhà chuyên gia ung thư của Việt Nam và quốc tế có dịp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các tiến bộ trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát ung thư.

Bệnh viện K đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư
Bệnh viện K đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư

Tại phiên khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nêu rõ, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn cho xã hội. Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên gần 165.000 người vào năm 2018. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân.  "Những số liệu trên cho thấy, chúng ta cần có những quan tâm đúng mức nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư: từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư cho tới nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư..." - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang dần làm thay đổi cuộc sống và trong chính dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam. Ngành y tế Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, tiên phong thử nghiệm nhiều ứng dụng điện tử góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện. Tại Bệnh viện K, Viện Ung thư Quốc gia đang có nhiều cải tiến kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ung thư như: sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, xây dựng hệ thống y tế trực tuyến Telemedicine nhằm hỗ trợ trực tuyến các bệnh viện vệ tinh, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data), sử dụng robot trong phẫu thuật và xạ trị ung thư.

“Tôi hy vọng bệnh viện K sẽ áp dụng thành công các công nghệ trên và góp phần nhân rộng các thành công này tại các bệnh viện, nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị ung thư.”- Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh.

Việt Nam đưa robot, trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư ảnh 1 Lãnh đạo Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho một số chuyên gia nước ngoài có đóng góp to lớn trong công tác phòng chống ung thư ở Việt Nam

Về phía Bệnh viện K, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện khẳng định ung thư đang thực sự là một gánh nặng lớn cho xã hội nên vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư là hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung. Đến nay, Bệnh viện K đã có sự hợp tác với nhiều trung tâm nghiên cứu, điều trị ung thư hàng đầu của các quốc gia như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về dự phòng, các yếu tố nguy cơ và phương pháp điều trị ung thư.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho 7 chuyên gia nước ngoài có nhiều cống hiến trong xây dựng và phát triển Bệnh viện K cũng như công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam.       

Tin cùng chuyên mục