Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên hành tinh hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, chiều 22-8 tại TPHCM, đã diễn ra Hội thảo “Đối thoại chính sách về Tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh” dưới sự chủ trì của PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên hành tinh hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một trong những trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC.

Đối thoại chính sách y tế thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm là dịp để các nền kinh tế APEC cùng các đối tác phát triển của APEC, các nhà khoa học và những cá nhân, tổ chức quan tâm khác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo nhằm dựng lên bức tranh tổng thể của khu vực về các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số và tìm kiếm những khuyến nghị chính sách phù hợp với luật pháp, điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của APEC nói chung, hướng tới một Châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, phát triển thịnh vượng, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu APEC cũng đã lắng nghe 6 bài trình bày về các vấn đề: Tổng quan già hóa dân số APEC và khuyến nghị chính sách; Phòng chống bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Bối cảnh của Việt Nam; Đối thoại chính sách y tế về nâng cao sức khỏe người cao tuổi và bệnh không lây nhiễm; Chiến lược trong khu vực và toàn cầu về tăng cường già hóa khỏe mạnh; Già hóa dân số và tăng trưởng bền vững - Con đường hướng tới một xã hội già hóa năng động và Dự án Quốc gia về dự phòng toàn diện đối với các bệnh không lây nhiễm ở Trung Quốc.

Sáng cùng ngày cũng đã diễn ra Cuộc họp Nhóm Công tác Y tế (HWG), Tại Cuộc họp lần này, các đề xuất về nội dung về hợp tác y tế trong Tuyên bố chung do Việt Nam xây dựng đã nhận được nhiều đóng góp tích cực từ các nền kinh tế thành viên. Dự thảo này sẽ được hoàn thiện và gửi lại cho các nền kinh tế thành viên APEC để thống nhất trước khi trình lên Tuần lễ cấp cao APEC.

Tin cùng chuyên mục