Việt Nam sẽ kháng kiện việc tăng thuế chống bán phá giá tôm

Liên quan đến việc thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp cho Việt Nam với mức tăng cao ngất ngưởng so với trước, trao đổi với chúng tôi mới đây nhất, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định hiệp hội sẽ gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ để đòi lại sự công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Liên quan đến việc thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp cho Việt Nam với mức tăng cao ngất ngưởng so với trước, trao đổi với chúng tôi mới đây nhất, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định hiệp hội sẽ gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ để đòi lại sự công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Phóng viên: Ông có thể cho biết mức thuế mới nhất mà DOC đưa ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam?

>> Ông NGUYỄN HỮU DŨNG: Mức thuế mà DOC vừa công bố ngày 19-9 là mức cao nhất từ trước đến nay trong các lần xem xét hành chính đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, một doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức thuế cao nhất gần 10% (mức thuế bình quân là hơn 6%). Trong khi đó giá trị tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong khoảng thời gian từ 1-2-2012 đến 31-1-2013 là 700 triệu USD, số tiền thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp phải nộp là hơn 40 triệu USD.

- Đó là số tiền quá lớn và gây thua thiệt cho doanh nghiệp Việt Nam. Vậy VASEP và các doanh nghiệp sẽ làm gì để đòi lại quyền lợi và sự công bằng?

VASEP vừa họp bàn với các doanh nghiệp trong Hiệp hội và có chung quyền lợi bị ảnh hưởng bởi quyết định mới của DOC để đi đến thống nhất sẽ kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ về quyết định của DOC.

- Những cơ sở và bằng chứng mà VASEP và các doanh nghiệp sẽ đưa ra để thực hiện việc khởi kiện là gì, thưa ông?

Chúng tôi sẽ đề nghị xem xét lại việc lựa chọn các nước so sánh, trong trường hợp xem xét lần này, DOC lựa chọn nước thứ 3 là Bangladesh, nhưng các số liệu nền sử dụng để so sánh của Bangladesh với số liệu của Việt Nam được Mỹ lấy từ năm 2003. Số liệu không cập nhật, chậm đến 10 năm so với mục đích tính toán cho đợt xem xét hành chính lần này. Đây là những chi tiết về pháp lý mà chúng ta có thể dựa vào để cùng luật sư đấu tranh.

Theo đó, chúng tôi sẽ làm việc với các luật sư để yêu cầu xem lại cơ sở pháp lý của quy trình, thủ tục áp dụng cách tính riêng biệt do DOC đưa ra hợp pháp hay không hợp pháp ở chỗ nào. Cách thức cũng như những việc chúng ta vẫn thực hiện là làm việc với luật sư của Mỹ và một số công ty luật của Việt Nam để phân tích những sai sót và không hợp lý, vô lý qua cách tính toán về mức áp thuế của DOC để Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ xem xét và có phán quyết.

- VASEP dự báo như thế nào về kết quả vụ kiện lần này?

Trước khi quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ khởi kiện quyết định của DOC về việc áp thuế chống bán phá giá, chúng tôi đã cân nhắc và tính toán. Kỳ vọng sau động thái này, phía DOC sẽ phải hủy bỏ quyết định của mình nếu Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ phán quyết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá. Chúng tôi mong muốn Tòa án Thương mại quốc tế Mỹø và các cơ quan tư pháp của Mỹ xem xét vụ kiện này một cách công minh, công bằng và theo đúng tinh thần của Tổ chức Thương mại thế giới.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục