Việt Nam tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại LHQ

Tại hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) diễn ra từ ngày 9 đến 13-6 tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại LHQ

Tại hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) diễn ra từ ngày 9 đến 13-6 tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động sai pháp luật

Tại hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam, kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương, gây căng thẳng tại biển Đông. Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị ngày 13-6, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định lập trường của Việt Nam trong xử lý vụ việc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực, tạo môi trường tích cực để đàm phán.

Luật pháp quốc tế phải là cách tiếp cận chủ đạo trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông là ý kiến chung của đa số học giả tham dự cuộc Hội thảo về quan hệ Mỹ - Nhật Bản và Đông Nam Á lần thứ ba, được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), trong hai ngày 12 và 13-6 vừa qua. Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả từ các viện nghiên cứu chủ chốt của Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo là Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và ngoại giao.

Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam tại khu vực đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981

Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam tại khu vực đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981

Tại hội thảo, nhiều học giả bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước các diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, đặc biệt là thái độ và hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng; việc phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế, đe dọa sử dụng vũ lực… đang khiến các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc về các nguy cơ bất ổn tiềm tàng đối với an ninh khu vực. Điều này không chỉ đòi hỏi ASEAN cần phải có sự thống nhất và đoàn kết hơn, các cơ chế hợp tác trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm cần được củng cố. Ngoài các yếu tố nội lực, sự hỗ trợ và tiếp tục tăng cường hợp tác về mọi mặt giữa ASEAN với Mỹ và Nhật Bản được xem là yếu tố quan trọng, giúp cân bằng lại sự trỗi dậy hiếu chiến của Trung Quốc, và là tác nhân quan trọng đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài trong khu vực. Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cao khi cho rằng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) phải là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Tuyên bố “ lố bịch”

Trong khi đó, Trung Quốc lại tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam đâm va hơn 1.500 lần vào các tàu Trung Quốc kể từ đầu tháng trước và không thừa nhận việc điều các lực lượng quân sự tới gần giàn khoan Hải Dương-981. Đây chính là phát biểu của Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dị Tiên Lương. Ông Dị nói, Việt Nam có 61 tàu trong khu vực, trong khi Trung Quốc có 71 tàu, bao gồm các tàu chính phủ và hộ tống. Ông Dị còn nói Trung Quốc không bao giờ cử các lực lượng quân sự tới gần giàn khoan và còn vu cáo Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy một vụ kiện quốc tế.

Sau phát biểu của ông Dị, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tại Washington đã gọi các thông tin mà ông Dị Tiên Lương đưa ra là hoàn toàn lố bịch và Bắc Kinh đang sử dụng không quân, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển hăm họa các nước khác. Cũng theo quan chức trên, các tuyên bố của ông Dị là một nỗ lực yếu ớt nhằm che đậy cho những gì Trung Quốc đang làm trên thực tế. Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và liên tục gần giàn khoan kể từ khi hạ đặt nó ngày 2-5, trong đó có các máy bay và trực thăng bay trên và quanh giàn khoan. Hiện cũng có nhiều tàu quân sự lởn vởn gần giàn khoan.

Nhật báo GulfNews số ra ngày 14-6 có bài bình luận nhận định, mức độ căng thẳng đang gia tăng tại biển Đông là việc không thể bỏ qua. Số lượng gia tăng của các cuộc đụng độ ngày càng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, khiến dư luận không khỏi lo ngại về mức độ ảnh hưởng đến những nền kinh tế mới nổi và phát triển tại khu vực châu Á khi khu vực này đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, theo tờ Want China Times, nhà chiến lược người Mỹ Ernest Bower, chuyên gia phân tích về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, cho rằng Trung Quốc đã sai lầm khi muốn thay đổi hiện trạng tại biển Đông. Ông lên án hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam.

Ngày 14-6, Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối hành động muốn thay đổi hiện trạng tại biển Đông của Trung Quốc khi Bắc Kinh cải tạo bãi đá ngầm Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

THANH HẰNG (tổng hợp)

                                                _____________________

 Trung Quốc duy trì trên 100 tàu quanh giàn khoan Hải Dương-981

 Thông tin từ Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày 14-6 thời tiết tại khu vực biển Đông và quanh giàn khoan Hải Dương-981 chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam cấp 5 nên trời nhiều mây, có mưa dông và tầm nhìn xa hạn chế. Tuy thời tiết không thuận lợi, các tàu kiểm ngư của ta vẫn kiên trì tổ chức hoạt động đấu tranh cách giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc khoảng 9 đến 11 hải lý; đồng thời hỗ trợ, bảo vệ tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Tàu cá Việt Nam tiếp tục bám trụ tại ngư trường phía Tây Nam giàn khoan, cách khu vực giàn khoan 28 - 30 hải lý, tổ chức đánh bắt hải sản và đấu tranh phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu hải cảnh của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Theo quan sát từ Kiểm ngư Việt Nam, trong ngày hôm qua, Trung Quốc duy trì khoảng 104 - 107 tàu, trong đó có 37 - 39 tàu hải cảnh, 29 - 31 tàu vận tải và tàu kéo, 31 tàu cá và 6 tàu quân sự. Tàu hải cảnh, tàu kéo Trung Quốc đã bám sát để ngăn cản và sẵn sàng đâm va các tàu kiểm ngư Việt Nam hoạt động ở khu vực cách giàn khoan 8 - 10 hải lý. Tàu Trung Quốc cũng đã dàn hàng ngang, chặn hướng các tàu kiểm ngư Việt Nam trong quá trình thực thi pháp luật và hỗ trợ, giúp đỡ tàu cá của ngư dân Việt Nam.

VĂN PHÚC

>> Tàu kiểm ngư và ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển

Tin cùng chuyên mục