Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH: Đảng cầm quyền phải thật sự trong sạch

Giai cấp tư sản ở nước ta tồn tại mang yếu tố khách quan
Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH: Đảng cầm quyền phải thật sự trong sạch

Từ ngày 29-6 đến ngày 5-7-2009 và từ ngày 6-10-2009 đến nay, Báo SGGP đã đăng loạt bài viết “Học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu?”. Loạt bài viết đã thu hút được sự quan tâm của dư luận bạn đọc, trong đó có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm của mình… Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến sau đây, như là biểu thị thái độ đồng tình và gửi gắm…

Thân Thị Thư (Bí thư Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM):
Muốn Đảng mạnh phải mở rộng dân chủ

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, Đảng trở thành đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo xây dựng xã hội mới - xã hội do nhân dân làm chủ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trước hết Đảng phải là tấm gương thực hành dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Mặt khác, mỗi đảng viên bất cứ ở địa vị nào cũng phải làm tấm gương dân chủ. Dân chủ không chỉ là quyền mà còn phải gắn với trách nhiệm của mọi đảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đường lối của Đảng, nhiều lúc chúng ta còn nặng về kế hoạch từ trên “dội” xuống. Trong thực tế, có những kế hoạch thiếu điều tra, nghiên cứu kỹ càng, không có sự tham gia ý kiến của tổ chức Đảng và đảng viên từ cơ sở nên không sát tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Do đó, đã không phát huy được tính tích cực chủ động của tổ chức Đảng và đảng viên trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Theo tôi, phương thức lãnh đạo có hiệu quả hay không phụ thuộc vào bộ máy tổ chức mà trước hết là chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.

Muốn được vậy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cấp ủy và từng đảng viên phải luôn ý thức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, giữ nghiêm kỷ luật, gắn bó với quần chúng, kiên quyết chống bệnh quan liêu, tham nhũng và đặc biệt phải không ngừng phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trước hết là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng ở các tổ chức cơ sở Đảng trong Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, góp phần đẩy lùi mọi biểu hiện quan liêu, cửa quyền, làm tổn hại đến uy tín và sức mạnh vốn có của tổ chức Đảng.

Trần Trọng Tân (Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM):

Giai cấp tư sản ở nước ta tồn tại mang yếu tố khách quan

 
Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH: Đảng cầm quyền phải thật sự trong sạch ảnh 2

Tôi đồng tình với quan điểm của Báo SGGP qua việc đăng loạt bài viết “Học thuyết Mác - Lênin và CNXH: Trào lưu hay quy luật tất yếu?”. Xin có đôi điều nói thêm: Có lập luận cho rằng, Đảng ta chủ trương phát triển thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có tư bản tư nhân thì trong xã hội ta sẽ xuất hiện giai cấp tư sản. Để bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản, việc ra đời một đảng chính trị đối lập là tất yếu. Đúng không? Như chúng ta biết, tư sản ở nước ta ra đời là từ chủ trương của Đảng trong công cuộc đổi mới. Đảng khuyến khích họ kinh doanh có lợi cho quốc kế dân sinh và hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp. Họ vốn có lòng yêu nước và qua con đường cổ phần hóa, con đường tự nguyện thực hiện công tư liên doanh…, họ có thể đồng hành cùng dân tộc để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là phù hợp với lợi ích của họ. Lợi ích này cũng chính là mục tiêu, lý tưởng của CNXH mà Đảng ta, dân tộc ta đang theo đuổi. Như vậy, CNTB và giai cấp tư sản tồn tại ở nước ta mang yếu tố khách quan và ở vào thời kỳ chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng XHCN. Thời kỳ này là thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

Có quan điểm cho rằng việc lập đảng đối lập trong thời kỳ này nhằm mục đích “có đảng đối lập mới có dân chủ”. Đây là luận điệu của các thế lực thù địch với mưu đồ gây rối chính trị để lật đổ chế độ ta. Chúng ta phải đề cao cảnh giác. Để giữ cho Đảng ta là một đảng cầm quyền, thì Đảng phải tâm niệm làm theo lời căn dặn của Bác, phải coi việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải có tình đồng chí thương yêu nhau, phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…”. Như vậy, Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, đã khẳng định vai trò của một đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng ra điều kiện là đảng đó phải giữ được bản chất tiên phong và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Nếu Đảng bị biến chất, hoạt động bất chấp hiến pháp và pháp luật thì không đủ tư cách là một đảng cầm quyền.

Võ Văn Sen (Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV TPHCM):
Tất cả quyền lực đều ở nhân dân

Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH: Đảng cầm quyền phải thật sự trong sạch ảnh 3

Xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, quy luật ra đời của Đảng ta không chỉ có 2 yếu tố kết thành là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân, mà còn có yếu tố hợp thành thứ 3 là phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng ta vừa là Đảng của giai cấp công nhân, vừa là Đảng của dân tộc, mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, được tổ chức theo nguyên tắc đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, xây dựng chính quyền cách mạng - chính quyền của dân, do dân và vì dân, thì Đảng trở thành cầm quyền. Điều cốt tử nhất của đảng cầm quyền mà Bác Hồ đặc biệt chú ý là mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đảng lãnh đạo nhưng nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực là ở nhân dân. Sa vào chủ nghĩa quan liêu, tha hóa, xa dân chẳng những làm suy yếu Đảng mà còn làm cho sự tồn tại của Đảng không còn ý nghĩa. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, nhiều đặc điểm mới xuất hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, trong phương pháp lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là nguy cơ tha hóa, biến chất của Đảng khi Nhà nước trở thành nhà nước quan liêu.

Ngày nay, đứng trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia và dân tộc đang trở nên gay gắt, đã hình thành nên các quan điểm chính trị sai trái về giai cấp và dân tộc. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng vào đây để đưa ra các quan điểm, nhận định về chế độ độc đảng ở Việt Nam. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới Đảng đang trở nên cấp bách. Trước hết, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp với điều kiện đảng cầm quyền trong một Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN…

Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM):

Các chính sách phải hợp lòng dân

Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH: Đảng cầm quyền phải thật sự trong sạch ảnh 4

Là người sống qua 2 chế độ, tôi thấy chế độ XHCN mà Nhà nước ta đang xây dựng ưu việt hơn. Người dân chúng tôi luôn mong muốn được sống trong một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, đặc biệt là ổn định về chính trị - những mục tiêu mà chế độ XHCN hướng đến. Để xây dựng thành công xã hội như vậy, ngoài việc mỗi công dân làm tốt công việc của mình và tuân thủ các quy định của pháp luật, điều quan trọng là bộ máy quản lý Nhà nước phải thật sự do dân, vì dân. Các chủ trương, chính sách do Nhà nước ban hành phải hợp lòng dân, được sự đồng tình của người dân và việc thực hiện các chủ trương, chính sách ấy phải theo nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra”. Chỉ khi nào trong xã hội không còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, đội ngũ cán bộ - công chức hết lòng phục vụ vì quyền lợi cộng đồng, quyền lợi của người dân thì đó mới chính là xã hội XHCN tiến bộ mà nhân loại đang cần.

NHÓM PVCT (lược ghi)

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu - Vì sao sụp đổ?
>> Bài 2: CNXH ở Việt Nam trước đổi mới
>> Bài 3: Thành tựu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: Con đường đi lên CNXH hình thành những nét cơ bản
>> Bài 4: Dân chủ trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam
>> Bài 5: CNXH là tương lai bền vững cho nhân loại

Tin cùng chuyên mục