Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 2: Cần chiến lược tăng giá trị hạt điều

Thiết bị tự động hóa trong các khâu chế biến tạo ra sự đột phá về năng suất, giảm lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó được xem là ưu thế vượt trội của công nghệ chế biến điều Việt Nam.  
Bí kíp đoạt “ngôi vương”
Theo ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phụ trách khoa học - công nghệ, 10 năm qua, nhờ áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa, ngành chế biến nhân điều đã giải quyết được hàng loạt khó khăn trước đó, từ khan hiếm lao động, vấn nạn ô nhiễm môi trường, đến việc quản lý chất lượng sản phẩm, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được các nước nhập khẩu nhân điều quan tâm. 
Cùng với công nghệ, sự ra đời máy cắt tách vỏ hạt điều, máy bóc vỏ lụa, máy phân loại màu, máy phân kích cỡ (size)... đã giúp ngành điều giảm 70% - 80% lao động, góp phần làm cuộc cách mạng về công suất chế biến ngành điều khi năng suất lao động tăng bình quân 4 - 5 lần so với làm thủ công, có những công đoạn tăng gấp 10 lần.
Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 2: Cần chiến lược tăng giá trị hạt điều ảnh 1 Chế biến hạt điều tại Bình Phước. Ảnh: CAO MINH
Chu trình chế biến qua các công đoạn giảm từ nửa tháng xuống còn 7 ngày (giảm 50%), nhờ đó rút ngắn chu kỳ giao hàng; tỷ lệ nhân bể giảm đáng kể, thậm chí giảm hơn so với công nghệ cùng loại của hãng nước ngoài. Đây là bước đột phá, kéo giảm chi phí sản xuất 30% - 40% so với làm thủ công.
Hơn nữa, nhờ được chế biến tập trung nên kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề nước thải, khí thải được kiểm soát nên giảm gây ô nhiễm môi trường. Các phụ phẩm trước đây bỏ đi (như vỏ hạt điều) đã được tái chế thành dầu hạt điều, tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành điều khi xuất khẩu với giá cao. Ngành điều Việt Nam đã và đang sản xuất điều sạch hơn. Giờ đây, nói đến hạt điều, các nhà nhập khẩu thế giới đều nghĩ và nói đến Việt Nam!   
Ngành điều Việt Nam đang phát triển tốt, nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Năm 1996, các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến điều đã nhập khẩu điều thô từ các nước, nhất là từ châu Phi - khu vực chiếm 40% nguồn nguyên liệu điều của thế giới.
Với mong muốn chế biến ngay tại chỗ, các nước khu vực Tây Phi đặc biệt quan tâm đến công nghệ chế biến hạt điều, không ít nước đã đặt điều kiện với nhà nhập khẩu điều thô Việt Nam là muốn mua hạt điều thì phải giới thiệu nơi sản xuất các thiết bị chế biến.
Năm 1999 đã xảy ra cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông về việc có nên xuất khẩu công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam hay không, khi một cơ quan ở TPHCM ký hợp đồng xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều cho Mozambique. Kết quả là Nhà nước không cho xuất khẩu, để bảo vệ ngành điều trong nước.
Hợp tác và cạnh tranh
Nhiều người coi công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam là “bí kíp” góp phần vào sự thành công vượt bậc của ngành chế biến điều trong nước. Do vậy, không chỉ các nước có nền chế biến lâu đời (như Ấn Độ, Brazil), mà cả các quốc gia có diện tích điều lớn ở châu Phi vốn từ trước đến nay chỉ xuất khẩu điều thô, đều rất quan tâm và muốn tiếp cận công nghệ chế biến điều của Việt Nam.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinacas, Bờ Biển Ngà là quốc gia có tham vọng và chiến lược rõ ràng về việc đẩy mạnh chế biến trong nước với thiết bị, công nghệ và nhân lực từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, khẳng định Vinacas sẵn sàng hỗ trợ Bờ Biển Ngà kỹ thuật nhằm tăng năng suất từ 0,4 tấn lên khoảng 1 tấn/ha. Các DN chế biến điều Việt Nam có thể đầu tư xây dựng các nhà máy cắt tách vỏ điều tại Bờ Biển Ngà, sau đó mang về Việt Nam chế biến sâu. 
Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 2: Cần chiến lược tăng giá trị hạt điều ảnh 2 Công đoạn chẻ hạt điều bằng máy sử dụng rất ít lao động. Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG
Có thể nói, điều này đang gây tranh cãi trong ngành điều, giữa các DN chế biến xuất khẩu và DN cơ khí chế tạo. Theo ông Phạm Văn Công, nhiều nhà máy chế biến không muốn xuất khẩu thiết bị, càng không muốn chuyển giao công nghệ cho châu Phi.
Bên phản biện - các nhà sản xuất cơ khí - đưa ra lý lẽ: Thay vì thụ động “phòng thủ”, chúng ta có thể “tấn công” bằng cách xuất khẩu thiết bị và chuyển giao theo lộ trình, tranh thủ cơ hội ưu đãi của Chính phủ Bờ Biển Ngà khi kêu gọi các nhà đầu tư. Nhà máy tại Bờ Biển Ngà làm những khâu ban đầu, sau đó đưa về Việt Nam làm tiếp các khâu còn lại.
Là nhà sản xuất thiết bị, ông Đặng Văn Tuyến, Tổng Giám đốc Mekong Tech, đặt vấn đề cần xem xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều là thế mạnh khác của ngành điều Việt Nam. 
Xét cho cùng, về lâu dài các nước xuất khẩu điều thô cũng sẽ tìm mọi cánh để chế biến tại chỗ, hạn chế dần và tiến đến việc ngưng xuất thô - như cách mà Việt Nam đã làm hơn 20 năm trước. Hợp tác và cạnh tranh sẽ song hành trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên nào không thích ứng kịp sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, như tờ The Wall Street Journal nhận định.
Vì vậy, từ bài học của Ấn Độ, ngành điều Việt Nam không thể tự mãn, cần có chiến lược làm tăng giá trị hạt điều một cách bài bản. Đó là chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang chế biến tinh, đi trực tiếp vào siêu thị.
Trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu nhân điều sơ chế với giá bình quân 10USD/kg, trong khi sản phẩm nhân điều thành phẩm bán ở siêu thị các nước là khoảng 30USD/kg; như vậy, Việt Nam chỉ chiếm 30%, còn lại là của nhà phân phối và rang chiên quốc tế. Theo Vinacas, những năm qua đã có khoảng 10 DN đi theo hướng này và bán sản phẩm trực tiếp vào siêu thị ở các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Sản phẩm giá trị giá tăng của hạt điều xuất khẩu dù mới chiếm khoảng 6% giá trị kim ngạch, nhưng cho thấy đã có sự chuyển hướng và ngày càng có thêm nhiều DN đầu tư chế biến sâu (như điều rang muối, điều tẩm mật ong, điều wasabi, điều rang củi...). Trong đó có những DN nước ngoài từ Hoa Kỳ, Canada, Singapore đến đầu tư nhà máy chế biến ra sản phẩm giá trị gia tăng ngay tại Việt Nam.
Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh, việc hợp tác nên ở cấp nhà nước và có sự phối hợp, phân công giữa các bên, cũng như có những giới hạn cụ thể, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, chỉ giúp đối tác hưởng lợi và sẽ giết chết ngành điều trong nước. Hợp tác là xu thế nhưng phải có lộ trình và có những giới hạn nhất định. Cần hiểu việc này không phải là bảo hộ mà vì mục tiêu xã hội, vì người lao động, đảm bảo cho ngành điều Việt Nam có thể phát triển bền vững. 

Tin cùng chuyên mục