Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ. Bài 3: Cơ chế đặc thù, tăng sức cạnh tranh

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - là giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng; tăng cường tính tự chủ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xung quanh vấn đề này.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ. Bài 3: Cơ chế đặc thù, tăng sức cạnh tranh

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - là giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng; tăng cường tính tự chủ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xung quanh vấn đề này.

Đa dạng hóa nguồn cung

* Phóng viên: Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến cho rằng ngành dệt may Việt Nam cần có sự đổi mới về nguồn nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

* Ông LÊ TIẾN TRƯỜNG:
Mười năm trước có tới 75% - 80% nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến năm 2013, chúng ta chỉ nhập khẩu 4,3 tỷ USD trên 13 tỷ USD các loại nguyên phụ liệu, bao gồm cả cho tiêu dùng nội địa. Như vậy, tỷ trọng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ còn khoảng 37%. Nếu trước đây nhập cả phụ liệu, nguyên liệu (vải) thì đến 2013 chỉ còn chưa đến 500 triệu USD phụ liệu, còn 3,87 tỷ USD là vải. Gần như chúng ta đã tự chủ được phụ liệu. Riêng về vải, số lượng nhập từ Trung Quốc còn chiếm khoảng 45% lượng vải nhập khẩu của Việt Nam.

Việc chúng ta vẫn phải nhập 45% nguyên liệu từ Trung Quốc, nếu so với một số quốc gia khác sử dụng đến 70% nguyên liệu từ Trung Quốc, thì nỗ lực của Việt Nam trong việc đa dạng hóa nguồn cung rất đáng ghi nhận.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

* Nhưng để tự chủ kinh tế, một ngành quan trọng như dệt may vẫn phải nhập 45% nguyên liệu từ một quốc gia là khá rủi ro nếu nguồn cung này “có chuyện”, thưa ông?

* Về mặt dự báo, chúng tôi cho rằng khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu của phía Trung Quốc không cao. Hiện chúng tôi đã có sự chuyển hướng bước đầu với nguồn cung từ Ấn Độ. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chương trình nội địa hóa nguồn cung trong nước. Nếu chúng ta làm nhanh được trong 3 - 4 năm tới, theo đúng kế hoạch sẽ bảo đảm được 60% nguồn nguyên phụ liệu trước năm 2020, thì tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm đi.

Sản xuất trong nước bất lợi so với nhập khẩu

* Xin ông cho biết cụ thể đến nay các dự án đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung nguyên phụ liệu cho dệt may đã tiến hành đến đâu?

* Thời gian qua, Vinatex đã chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên những lĩnh vực cốt lõi (sợi, dệt nhuộm, may, phân phối) theo chiến lược tăng giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của các cam kết hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng triển khai các dự án sản xuất nguyên liệu dệt may như cây bông, xơ visco, len lông cừu, sợi... để giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may, tăng năng lực sản xuất của tập đoàn thêm 600 tấn sợi/tháng; 400 tấn vải dệt nhuộm/tháng và 2 triệu sản phẩm may/tháng.

* Với các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, tập đoàn có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?

* Về mặt năng lực triển khai dự án, hiện chúng tôi vẫn bảo đảm tiến hành ngang bằng như các dự án có vốn đầu tư nước ngoài: 1 nhà máy sợi trong 11 tháng là đi vào hoạt động, nhà máy may sau 6 tháng sẽ đi vào hoạt động.

Về vốn cho đầu tư, hiện Vinatex có nhiều nguồn khác nhau, nhưng thực tế vốn chủ sở hữu của tập đoàn thấp nên đây đúng là một khó khăn. Một vấn đề khác, dù hiện nay lãi suất tín dụng trong nước đã giảm đi nhiều (9% - 10%/năm), nhưng so với nhà đầu tư nước ngoài thì họ có lợi thế hơn rất nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể vay vốn tại nước họ với lãi suất chỉ khoảng 1% - 2%/năm để đầu tư. Khó khăn nữa là ở các quốc gia sản xuất thiết bị, nếu là nhà đầu tư của họ thì họ có thể được hưởng ưu đãi của ngân hàng xuất khẩu. Nước nào cũng có ngân hàng này, và ngân hàng này sẽ tài trợ vốn đầu tư thiết bị với lãi suất rất thấp, thậm chí cho trả chậm. Ví dụ tôi là doanh nghiệp Trung Quốc, tôi mua thiết bị của Trung Quốc thì có thể thương lượng trả chậm đến 1 - 2 năm cho nhà sản xuất. Việt Nam thì không làm được như vậy.

Đáng lưu ý, sản xuất trong nước hiện nay có bất lợi so với nhập khẩu. Đó là nhập khẩu thì được ân hạn thuế 270 ngày, còn sản xuất trong nước thì thuế VAT 10% là thu ngay.

* Vậy theo ông, để công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển nhanh theo đúng kế hoạch, về mặt cơ chế chính sách cần những điều chỉnh gì?

* Tôi cho rằng cần có những cơ chế đặc thù để giúp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển. Trong quy hoạch dệt may đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành tháng 4-2014, Bộ Công thương xác định dệt may là ngành kinh tế xuất khẩu quan trọng từ nay đến năm 2030. Đồng thời, là công cụ cơ bản để thực hiện quá trình công nghiệp hóa. Như thế, hệ thống chính sách đi kèm để dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo cần phải được xác định rõ ràng. Trong đó, điểm quan trọng nhất là quy hoạch các khu vực sản xuất dệt may, quy mô ở từng địa phương cả về lao động, đất đai; quy mô hạ tầng để kết nối các trung tâm sản xuất dệt may của cả nước. Thứ hai, muốn tăng tốc đầu tư cho các dự án dệt may thì cần có chủ trương tăng vốn tại các doanh nghiệp dệt may. Thứ ba về chính sách tài chính, thương mại. Cụ thể là vốn vay, vốn hỗ trợ phát triển như thế nào, đảm bảo phù hợp với cam kết WTO nhưng cũng tạo động lực phát triển mới. Thứ tư là để bán được hàng hóa trong nội địa, thay thế cho nhập khẩu, đảm bảo xuất khẩu thì nên hoãn nộp thuế VAT trong 270 ngày, giống như thuế nhập khẩu. Đây không phải ưu đãi mà chỉ tạo ra mặt bằng bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Tôi nghĩ những cơ chế chính sách đó không phải chỉ đối với công nghiệp hỗ trợ của dệt may, mà là yêu cầu đối với toàn bộ hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho các ngành khác.

* Cảm ơn ông!

BẢO MINH thực hiện

>> Bài 2: Tận dụng các hiệp định thương mại

Tin cùng chuyên mục